Điều gì còn lại sau khi Mỹ chính thức rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan?


Thứ 3, 31/08/2021 | 16:14


Cùng sự kiện

Sau 20 năm, Mỹ cuối cùng cũng đã chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự của mình tại Afghanistan. Nhiều người hiện đang đặt câu hỏi về những gì còn lại tại nước này sau sự rời đi của quân đội Mỹ và phương Tây.

Ngày 30/8 (theo giờ địa phương), Mỹ tuyên bố đã hoàn toàn rút quân về nước, kết thúc sứ mệnh quân sự 20 năm của mình tại Afghanistna. Theo đó, trong 2 tuần qua, Mỹ đã sơ tán khoảng 114.000 người bao gồm công dân nước, công dân nước ngoài và người Afghanistan từng giúp đỡ quân đội khỏi Kabul.

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa toàn bộ binh sĩ rời Afghanistan đã đặt ra nhiều câu hỏi mới đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden về những điều còn lại ở quốc gia Nam Á này.

Tin thế giới - Điều gì còn lại sau khi Mỹ chính thức rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan?
Binh sĩ Sư đoan 82 của Mỹ được đưa tới Sân bay Kabul để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay sơ tán người dân. Ảnh: Reuters

Những người Mỹ và Afghanistan còn lại

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết từ ngày 14/8, các chuyến bay của Washington đã sơ tán được khoảng 6.000 công dân Mỹ có nhu cầu rời Afghanistan. Theo đó, vẫn còn một vài người Mỹ tình nguyện ở lại Afghanistan và khoảng 100 người có nhu cầu rời đi nhưng chưa được sơ tán.

Được biết, phía Washington đã thảo luận với Taliban và yêu cầu nhóm Hồi giáo đảm bảo an toàn di chuyển cho những công dân Mỹ còn ở lại Afghanistan ngay cả khi việc rút quân đã hoàn tất. 

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại việc những người này sẽ rời đi thế nào khi các chuyến bay không còn khởi hành từ sân bay Kabul. Phát biểu sau khi Mỹ hoàn tất rút quân, Ngoại trưởng Blinken nói rằng họ đang cân nhắc có thể hỗ trợ việc sơ tán những người muốn rời đi bằng đường bộ. 

Tin thế giới - Điều gì còn lại sau khi Mỹ chính thức rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan? (Hình 2).
Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố về "chương mới" trong chính sách với Afghanistan. Ảnh: Reuters

Bên cạnh những công dân Mỹ, vẫn còn hàng chục nghìn người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm khi ở lại đất nước, họ là những thông dịch viên từng hỗ trợ quân đội Mỹ, các nhà báo và nhà hoạt động ủng hộ nữ quyền. Reuters nhận định, hiện không rõ tương lai của những người này sẽ ra sao. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin lo ngại rằng Taliban sẽ thực hiện hành động trả đũa họ.

Sân bay Kabul

Trong 2 tuần qua, Mỹ đã cử khoảng 6.000 binh sĩ tới đảm bảo an toàn và vận hành các hoạt động sơ tán tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai tại thủ đô Kabul. Được biết, hiện nay, Taliban đã nỗ lực đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm tiếp tục các chuyến bay dân sự từ sân bay này, con đường duy nhất hiện nay có thể đưa người dân rời khỏi đất nước.

Lên tiếng về vấn đề này, ngày 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định sân bay Kabul cần được tu sửa lại trước khi mở cửa cho các chuyến bay dân sự. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại sân bay này trong 6 năm qua. Giữ cho sân bay mở cửa sau khi các lực lượng nước ngoài bàn giao quyền kiểm soát là điều quan trọng để Afghanistan duy trì kết nối với thế giới và tiếp nhận các hoạt động và nguồn cung cấp viện trợ từ nước ngoài.

Quan hệ Mỹ - Taliban trong tương lai

Dù Mỹ đã tạm đình chỉ hoạt động ngoại giao ở Afghanistan và chuyển các cơ quan ngoại giao sang thủ đô Doha của Qatar nhưng theo Reuters, Washington không có ý định cắt đứt hoàn toàn quan hệ và sẽ quyết định những gì họ sẽ làm dựa trên các động thái tiếp theo của Taliban.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với câu hỏi lớn về việc đảm bảo một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo không nổ ra tại quốc gia Nam Á này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia và tổ chức quốc tế đã tạm ngừng viện trợ, ngăn Taliban tiếp cận ngân sách của chính phủ Afghanistan.

United Natinos cho biết hơn 18 triệu người, hơn một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ và một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tại đây đã bị suy dinh dưỡng cấp tính do đợt hạn hán đang diễn ra. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia vẫn chưa chính thức công nhận Taliban là lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan. 

Mối đe doạ đến từ khủng bố IS

Reuters cho biết một lĩnh vực chung mà Mỹ và Taliban có thể bắt tay hợp tác chính là cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Trong đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), được đặt tên theo một thuật ngữ lịch sử của khu vực, lần đầu tiên xuất hiện ở miền Đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng gây chấn động về sự tàn bạo cực độ.

Tin thế giới - Điều gì còn lại sau khi Mỹ chính thức rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan? (Hình 3).
Nhiều người dân tại Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ tấn công của IS-K tại sân bay Kabul này 26/8. Ảnh: AFP

Nhóm này đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhằm vào sân bay Kabul ngày 26/8 khiến 13 quân nhân Mỹ cùng nhiều người dân tại Afghanistan thiệt mạng. Sau vụ việc trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện ít nhất 2 vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào nhóm này. 

Được biết, IS-K còn là kẻ thù "không đội trời chung" với Taliban. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng IS-K đã lợi dụng sự bất ổn dẫn sau sự sụp đổ của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tại Afghanistan trong tháng này để củng cố vị thế và đẩy mạnh việc tuyển mộ các thành viên Taliban đã bị tước quyền.

Tuy cùng mục đích muốn đẩy lùi IS nhưng việc Mỹ và Taliban có bắt tay nhau trong cuộc chiến này hay không đến vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp. 

Tin thế giới - Điều gì còn lại sau khi Mỹ chính thức rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan? (Hình 4).

Video Taliban nổ súng ăn mừng sau khi Mỹ đưa binh sĩ cuối cùng rời khỏi Afghanistan. Nguồn: RT

Minh Hạnh (Theo Reuters)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-gi-con-lai-sau-khi-my-chinh-thuc-rut-toan-bo-binh-si-khoi-afghanistan-a511795.html