Điều gì khiến hàng vạn công nhân nữ có nguy cơ "ế" chồng?


Thứ 6, 09/10/2015 | 04:16


(ĐSPL) - Thu nhập thấp, thời gian tăng ca nhiều khiến cuộc sống của công nhân nữ ở các khu công nghiệp rất khó khăn và có nguy cơ chồng.

(ĐSPL)-Nhiều công nhân nữ không có lấy một chút thời gian ngắn ngủi dành cho cuộc sống riêng của mình. Điệp khúc “ăn-ngủ- đi làm” lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác khiến họ đối mặt với nguy cơ ế chồng.
Khổ trăm đường cuộc sống công nhân
Chúng tôi đến dãy phòng trọ của một nhóm công nhân nhân Công ty Samsung, nằm trong khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh vào một buổi chiều muộn. Phòng trọ cách công ty khoảng 800m, rộng chỉ khoảng 20m2 nhưng là nơi tá túc của 5 cô gái. Người trẻ nhất 20 tuổi, người lớn nhất 26 tuổi, nhưng trông cô già hơn so với tuổi của mình rất nhiều.
Tin trong nước - Điều gì khiến hàng vạn công nhân nữ có nguy cơ 'ế' chồng?

Cuộc sống vất vả, khó khăn và thời gian luôn dành cho công việc khiến hàng chục nghìn công nhân nữ có nguy cơ ế chồng.

Đúng giờ ăn tối, mâm cơm của 5 con người chỉ vẻn vẹn có một đĩa rau muống luộc, một đĩa đậu phụ rán và vài khúc cá kho. Nguyễn Thúy Hằng, 26 tuổi, là chị cả trong phòng, quê mãi tận Tam Nông, Phú Thọ vừa xới cơm cho các bạn cùng phòng vừa kể: “Đời công nhân vất lắm anh ạ, như em mới vào thì mỗi tháng thu nhập được 3 đến 4 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian làm tăng ca. Trừ chi phí ăn uống sinh hoạt tằn tiện, mỗi tháng chúng em cũng chỉ để ra được đôi triệu gửi về quê. Chưa kể những lúc ốm đau bệnh tật hay có đám cưới xin, lúc ấy mới méo mặt”.
Hằng cho hay, gần đây do công ty giảm ca nên thu nhập của các cô sụt giảm theo. Mỗi bữa đi chợ Hằng chỉ dám mua một mớ rau, 1- 2 bìa đậu ăn cho qua bữa. Buổi sáng hôm nào sang lắm thì ăn gói xôi 5 nghìn, không thì mua củ khoai 2 nghìn đồng cho qua bữa. “Đã lâu lắm rồi em chẳng có tiền gửi về cho gia đình. Nhiều lần ốm cũng chẳng dám mua thuốc uống nữa”, Hằng ngao ngán.
Cô gái cùng phòng tên Nguyễn Thị Hường, 24 tuổi (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) ngồi cạnh Hằng, góp chuyện: “Với mục đích đi kiếm tiền nên các anh, chị em công nhân gần như dành hết thời gian vào làm việc. Tâm lý cũng muốn đi chơi lắm, nhưng chẳng có thời gian. Ở đây cũng nhiều khu vui chơi, thể dục thể thao nhưng thời gian dành hết cho công việc rồi. Khi nào được nghỉ thì bọn em tranh thủ ngủ để lấy sức để làm tiếp, cả ngày đứng làm việc khi về cơ thể đau ê ẩm, lúc đó ai rủ đi chơi thì cũng chẳng muốn đi”.
Điệp khúc "ăn- ngủ- đi làm"
Sinh ra ở một vùng quê nghèo huyện Yên Bình, Yên Bái, từ nhỏ, Trần Phương Trà, cô gái sinh năm 1991, cùng phòng với Hường và Hằng tâm sự: “Em làm ca ngày nên còn đỡ vất vả hơn nhiều so với ca đêm, thỉnh thoảng em mới làm tăng ca thôi. Chứ còn mấy anh chị làm ca đêm thì vất vả lắm vì phải thức trắng đêm làm việc, ban ngày thì ngủ bù...nhưng vì khung giờ ngủ không đúng nên mệt mỏi lắm “nhưng vì đồng tiền phải cố thôi”.
Trà cho hay, cuộc sống vốn khó khăn nên khi vào công ty, bất kể khi nào công ty có kế hoạch làm tăng ca thì các công nhân gần như dồn hết thời gian để làm việc, mong kiếm được chút tiền lo cho cuộc sống sau này.
Nhắc đến chuyện tình cảm, các cô gái đều tỏ vẻ ngượng ngùng, bẽn lẽn. Trà cho hay: “Trước đây em cũng đã từng có người yêu, nhưng đã chia tay từ lâu. Từ đó đến nay, vẫn chưa có người con trai nào “ngó ngàng” anh ạ! Lắm lúc nghĩ cũng tủi, nhất là những lúc ốm đau bệnh tật hay ngày lễ, cuối tuần. Thèm một bờ vai để tựa, một bàn tay để nắm nhưng mà chắc chuyện đó xa vời với chúng em lắm”.
Giọng buồn buồn, Hằng góp lời: “Bọn em đi làm cả ngày, tối thì có hôm lại phải tăng ca. Thế nên chỉ biết có “điệp khúc” ăn- ngủ- đi làm chứ thật lòng không còn thời gian nghĩ cho riêng bản thân mình nữa. Nói thật nếu có anh nào để ý, tìm hiểu, chúng em cũng không hiểu sẽ dành thời gian để yêu đương vào lúc nào nữa. Cứ mãi thế này, có khi chúng em ế chồng mất thôi anh ạ…”.
Hằng cho hay, rất nhiều bạn đồng trang lứa cùng công ty với cô cũng ở trong hoàn cảnh như vậy.
Thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh thì hiện nay toàn tỉnh có 9/15 khu công nghiệp đang hoạt động, có hơn 150.000 lao động. Riêng công nhân làm việc cho Công ty Samsung có khoảng 24.000 công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy Samsung Electronics ở Bắc Ninh. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khu công nghiệp Yên Phong, Tiên Sơn, Quế Võ…đa phần là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện, điện tử như: Samsung, Nokia, Canon, Foxconn) và có mức lương tối thiểu là 2,4 triệu đồng/người/tháng.
(Còn nữa)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-gi-khien-hang-van-cong-nhan-nu-co-nguy-co-e-chong-a54347.html