+Aa-
    Zalo

    Điều tra về tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động từ ngày 1/4

    ĐS&PL Qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2022 hay không.

    Báo Tin Tức cho biết, từ ngày 1/4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ khảo sát về tiền lương trong doanh nghiệp, mức sống tối thiểu của lao động tại 18 tỉnh thành, trong đó có nhiều khu kinh tế trọng điểm.

    tu 1 4 dieu tra ve tien luong muc song toi thieu tang luong cho nguoi lao dong 1
    Sắp tiến hành điều tra về tiền lương, mức sống của người lao động trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa

    Theo kế hoạch dự kiến, 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra sẽ thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.

    Về quy mô lao động, doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều loại: Dưới 100 lao động, từ 100-300 lao động và trên 300 lao động.

    18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

    Theo báo Nhân Dân, mục đích cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Qua đó, chương trình nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

    Bên cạnh đó, điều tra cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp cũng như xác định mức sống tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp, trong đó xác định rõ cơ cấu chi tiêu của người lao động và gia đình họ (bao gồm chi cho lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm), chi phí tiền thuê nhà ở.

    Đối tượng điều tra là người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

    Cùng với đó, còn có người lao động, bao gồm lao động giản đơn (lao động gián tiếp, trực tiếp, lao động nội tỉnh, lao động ngoại tỉnh) đang làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại các loại hình doanh nghiệp, đã có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên tại doanh nghiệp.

    Báo Người Lao Động thông tin, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Chính phủ quyết định không điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể: Vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-tra-ve-tien-luong-muc-song-toi-thieu-cua-nguoi-lao-dong-tu-ngay-1-4-a531928.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan