+Aa-
    Zalo

    Làng Cổ Am: Quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi trọng người có học hơn kẻ giàu sang

    • DSPL
    ĐS&PL Làng Cổ Am bình dị và cổ kính từ nhiều đời qua vẫn luôn là “cái nôi” sinh ra và bồi dưỡng nhiều nhân tài, học giả lớn trên khắp cả nước.

    Làng Cổ Am bình dị và cổ kính từ nhiều đời qua vẫn luôn là “cái nôi” sinh ra và bồi dưỡng nhiều nhân tài, học giả lớn trên khắp cả nước.

    Ngôi làng nhỏ đậm chất đồng quê Việt

    Cổ Am (làng Cổ) nằm về phía Đông Nam của huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 40km. Hai trục đường chính chạy theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây giao nhau tạo thành một ngã 4 ở khu vực giữa làng. Các con đường dẫn vào các thôn, xóm đa phần đều qua trục chính này nên xét về tổng thể, cấu trúc của làng giống như dạng phân nhánh cành cây.

    Có 4 lối để đi vào làng Cổ Am, trong đó, lối đi chính nằm về phía Bắc, theo quốc lộ 37, đi qua khu trung tâm hành chính của xã Cổ Am. Làng có 3 khu vực trung tâm chính gồm trung tâm hành chính xã, trung tâm thể dục thể thao – Sân vận động xã Cổ Am và khu vực trục quốc lộ 37 giao với trục chính của làng. Đây là những khu vực tập trung các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng cũng như nơi buôn bán của làng.

    Cho tới thời điểm hiện tại, làng Cổ Am vẫn lưu giữ được nhiều di sản kiến trúc và cảnh quan quý báu như chùa Mét, chùa Bến, chùa Huệ, đình Thượng Thọ Giáp, đình Phần… Làng cũng có nhiều nhà thờ lâu đời và các nhà cổ mộc mạc, in đậm dấu ấn cổ xưa.

    Chùa Mét (Thiên Hương Tự) - nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng mở lớp dạy học. Ảnh: Công Thương

    Đặc biệt, làng có Miếu Tràng với cây Sanh hơn 100 năm tuổi, kiến trúc cổ kính mang phong các nghệ thuật thời Nguyễn. Vào năm 1998, Miếu Tràng đã được bộ Văn hóa xếp hạng “Di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia”.

    Cũng trong năm này, chùa Mét, hay còn gọi là Thiên Hương Tự được bộ Văn hóa cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia”. Bên cạnh đó, chùa Mét còn được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn là nơi mở lớp học khi về làng Cổ Am ở ẩn và đào tạo ra nhiều học trò nổi tiếng, thậm chí còn ghi danh trong lịch sử như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dư, Nguyễn Quyện hay Lương Hữu Khánh. 

    Truyền thống hiếu học được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều đời

    Theo nhiều thư tịch cổ, làng Cổ Am từ thời xa xưa vốn đã nổi tiếng về tinh thần ham học. Những người lập nên ngôi làng cổ kính này cũng là những người có học thức sâu rộng và uyên bác, thường là các vị quan về ở ẩn hoặc các nhà nho thích cuộc đời bình dị.

    Tinh thần hiếu học cứ như vậy được truyền qua nhiều thế hệ người làng Cổ Am. Học hành đối với người dân nơi đây là một việc vô cùng quan trọng và có giá trị cao hơn cả chức tước. Minh chứng rõ ràng nhất là nhiều người làng Cổ Am đỗ đạt thời xưa chỉ muốn đi dạy học thay vì ra làm quan, hay người dân quan tâm tới học hàm, học vị nhiều hơn là chức nọ, cấp kia.

    Làng Cổ Am được biết tới là quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và không ít các bậc đỗ đạt khoa bảng cao ở mọi thời đại. Theo sử sách lưu lại, ngay từ thế kỷ XV, ngôi làng này đã cơ tới hàng chục sĩ tử theo học tại Quốc Tử Giám. Theo chia sẻ của bác Lê Đắc Tùy (Thượng tá quân đội nghỉ hưu ở làng Cổ Am) - người đam mê sưu tầm những tư liệu về vùng đất Cổ Am, từ giữa thế kỷ XV đến năm 1945, làng Cổ có 2 tiến sĩ, 1 thám hoa, 83 cử nhân, 32 tú tài và hàng trăm khóa sinh.

    Ngoài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số tên tuổi tiểu biểu khác có thể kể đến như Trần Lương Bật đỗ tiến sĩ năm 1664, làm quan tới Hữu thị lang bộ binh, khi mất được truy phong chức Tả thị lang, Đào Trọng Kỳ đỗ tiến sĩ và từng giữ chức Thượng thư bộ lại hay Trần Công Hân đỗ tiến sĩ năm 1773 khi mới chỉ 32 tuổi, làm tới chức Thị chế viện hàn lâm. Ông Trần Công Hân vào lúc bấy giờ được coi là một trong số những người có học vấn uyên thâm nhất và là một trong Tràng An tứ hổ. 

    Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng

    Đi tới thời điểm gần đây hơn, vào khoảng thế kỷ XX và đầu thế kỷ XIX, người dân Cổ Am vẫn “sôi trào” tinh thần hiếu học và đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nói về lĩnh vực sáng tác văn chương, làng Cổ Am có hai tác giả nổi tiếng là văn sĩ Trần Tiêu và Trần Khánh Dư (tức nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực văn đoàn).

    Lĩnh vực nghệ thuật có Giáo sư Trần Bảng, nghệ sĩ Trần Lực…; Lĩnh vực Y học có Tiến sĩ Trần Trọng Hải được Viện hàn lâm khoa học New York (Mỹ) bầu làm viện sĩ, hay lĩnh vực lịch sử có Trung tướng – Giáo sư – Tiến Sĩ Hoàng Phương, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

    Trong lĩnh vực Toán học có Giáo sư – Tiến Sĩ Đào Trọng Thi, cựu giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ngoài những tên tuổi nổi bật này, làng Cổ Am còn có rất nhiều những bậc kỳ tài đỗ đạt cao, giỏi giang và nắm giữ những chức vụ quan trọng.

    Học để vươn tới đỉnh cao trí tuệ

    “Làng Cổ Am có 28 dòng họ nhưng nổi trội và có nhiều tú tài, cử nhân, giáo sư, tiến sĩ nhất từ thời nho học tới nay thì phải kể tới dòng họ Đào với 3 chữ đệm Đăng, Mạnh, Trọng cùng các dòng họ khác là Đào Nguyên, Nguyễn Đình, Nguyễn Bá, Vũ, Đào Vũ…

    Theo như số liệu tôi thu thập được từ năm 2000 đến thời điểm hiện tại, làng Cổ Am trung bình mỗi năm có từ 25 – 30 học cháu vào đại học. Nhìn chung bây giờ, gia đình nào ở làng cũng có con em học đại học, có những cháu xuất sắc còn có 2 bằng đại học. Trong giai đoạn từ 2007 – 2014, làng có 25 cháu đạt giải cấp quốc gia và quốc tế”, bác Tùy cho hay.

    Chủ tịch UBND xã Cổ Am Đào Nguyên Linh khen thưởng học sinh giỏi của xã năm học 2017 - 2018. Ảnh: Trường Giang/ Quân đội nhân dân

    Được biết, tính tới năm 2019, làng Cổ Am có tới 24 Viện sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư, 62 tiến sĩ cùng hàng trăm thạc sĩ và cử nhân đang làm việc ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, trong đó không ít người nắm giữ chức vụ cao, trọng yếu.

    Hội khuyến học của Cổ Am được thành lập ngay từ năm 1993, sớm hơn 3 năm so với Hội Khuyến học Việt Nam. Nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài của xã và các dòng họ cũng ra đời với sự tham gia của đông đảo người dân. 

    Khi được hỏi về yếu tố thúc đẩy truyền thống hiếu học ở làng Cổ Am, bác Tùy bày tỏ quan điểm: “Người làng Cổ Am từ xưa đã sớm có suy nghĩ cấp cho con mình cái cần câu thay vì con cá và họ nghĩ tới con đường học vấn. Có nhiều tố chất khác nhau cộng hưởng lại, nhưng động lực chính thúc đẩy truyền thống hiếu học ở làng Cổ Am vẫn là muốn phát triển và đào tạo con người, vươn tới đỉnh cao trí tuệ. Đó chính là suy nghĩ của người làng Cổ”.

    Cũng chính nhờ tinh thần ham học của người dân qua hàng trăm năm ấy, làng Cổ Am đã tạo ra biết bao thế hệ người tài, xứng danh là “đất học”, “đất Trạng”, “đất khoa bảng” hay “đất đẻ ra quan”, cùng với làng Hành Thiện ở Nam Định trở thành những vùng đất khoa bảng nổi tiếng. Câu “Bắc Cổ Am, Nam Hành Thiện” ra đời cũng vì lẽ đó.

    Đinh Kim

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-co-am-que-huong-cua-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-noi-trong-nguoi-co-hoc-hon-ke-giau-sang-a346520.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan