+Aa-
    Zalo

    "Dở khóc dở cười" những trường hợp cả nghìn người đổi họ

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Chỉ vì đánh nhầm dấu ngã thành dấu hỏi, hay con gái không mang họ cha... khiến cả nghìn người phải đổi họ là những câu chuyện từng xảy ra ở một số địa phương.

    (ĐSPL) –  Chỉ vì đánh nhầm dấu ngã thành dấu hỏi hay việc con gái sinh ra không mang họ cha... khiến cả nghìn người phải đổi họ là những câu chuyện hi hữu từng xảy ra ở một số địa phương.

    Đánh nhầm dấu, cả làng phải đổi họ

    Báo Tuổi trẻ đưa tin câu chuyện hi hữu này xảy ra tại hai xã Song Phú và Phú Thịnh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, bắt đầu từ năm 1994. Khi đó, ông N.V. K. làm cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch xã Song Phú (sau này tách thành hai xã Song Phú và Phú Thịnh). Chỉ vì nhầm lẫn dấu ngã thành dấu hỏi mà ông đã “khai sinh” ra ba dòng họ mới: Nguyển, Đổ và Vỏ.

    Suốt thời gian đó, dù đã thực hiện không biết bao nhiêu thủ tục giấy tờ, từ việc đăng ký cho con nhập học, khám bệnh, làm hồ sơ xuất khẩu lao động, đi làm công nhân đến kết hôn, khai sinh, báo tử... nhưng cả cán bộ lẫn người dân không phát hiện lỗi này.

    Quanh năm đầu tắt mặt tối kiếm sống, họ chẳng để ý gì đến họ tên, tới lúc con cái làm hồ sơ đi học, đi làm mới vội vàng đi sửa giấy tờ.

    Một phụ nữ ở ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh giữ luôn họ Đổ (dấu hỏi) cho con.

    Điển hình là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Lạc (ấp Phú An, xã Phú Thịnh) phải viết lại giấy tờ theo thủ tục “chuyển họ” cho ba cha con ông. Ông cho biết trước giờ ông không để ý cái họ “Nguyển” của con mình. Hai đứa con ông đến tuổi đi học, nộp giấy tờ cũng không thấy thầy cô thắc mắc.

    Đến khi đi làm công nhân, khai họ tên viết họ Nguyễn (dấu ngã) công ty cũng không nói gì. Đến hôm đi làm giấy tờ nhập hộ khẩu cho con dâu và cháu nội, ông mới biết trong sổ hộ khẩu cả ba cha con ông đều mang họ Nguyển (dấu hỏi), trong khi những giấy tờ khác lại mang họ Nguyễn (dấu ngã) nên không nhập hộ khẩu được.

    Được biết, ở hai xã Song Phú và Phú Thịnh, chuyện đổi họ như ông Lạc không hiếm. Chuyện của gia đình ông Võ Văn Đáng (ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh) lại rắc rối hơn. Nhà ông Đáng có sáu người con đều mang họ Vỏ (dấu hỏi). Còn cháu của ông sinh sau này lại mang họ Võ (dấu ngã). Mới đây, người con thứ năm của ông là Võ Thành Nam đã ra xã xin sửa tên con thành họ Vỏ (dấu hỏi) cho khớp với cha. Năm người con còn lại vẫn chịu hoàn cảnh họ cha một đằng, họ con một nẻo.

    Gia đình ông họp bàn nhau mãi chuyện giữ họ Võ (dấu ngã) hay đổi thành Vỏ (dấu hỏi). Ông Đáng nói các cháu ông trước giờ đi học vẫn viết họ dấu ngã, giờ đổi hết thành Vỏ (dấu hỏi) ngược với thói quen dễ dẫn đến sai sót. Nhưng nếu đổi thành Võ (dấu ngã) thì bao nhiêu giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, nhà đất, giao dịch ngân hàng phải thay đổi hết, mất rất nhiều thời gian. Bàn lui bàn tới đến giờ gia đình ông chưa quyết định được họ của mình.

    Được biết, năm 2014, xã Phú Thịnh có 16 trường hợp đến xin sửa lại dấu hỏi thành dấu ngã. Từ đầu năm đến nay có bốn trường hợp. Và cứ lai rai như thế không biết đến bao giờ mới xong.

    Phải hơn ba năm sau ngày ông K. nghỉ hưu, cái lỗi “trời ơi” này mới được phát hiện. Sau này khi có chỉ đạo của Sở Tư pháp Vĩnh Long về việc tạo điều kiện sửa lại họ cho người dân nên thủ tục mới đơn giản hơn.

    Lấy tên đệm của cha làm họ, con gái thành... con nuôi

    Báo Khám phá cho biết, làng So, nay là xã Cộng Hòa và Tân Hòa  (Quốc Oai, Hà Nội) từ bao đời nay đã có tục lệ đặt tên họ không giống quy tắc chung của người Việt. Con trai vẫn theo họ bố nhưng con gái lại lấy tên đệm của bố làm họ. Hầu hết phụ nữ làng So đều mang những tên họ đặc biệt như: Trí Thị Lợi, Tiếp Thị Hồng, Đắc Thị A, Sỹ Thị…

    Thời đi học và làm việc xa quê , cô Sỹ Thị Hải, 36 tuổi, giáo viên trường Mầm non Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) thường gặp rắc rối với họ của mình. Bởi trong sổ hộ khẩu ghi rõ chị là con ruột của ông Nguyễn Sỹ Thái.

    Phụ nữ ở làng So, Quốc Oai, Hà Nội đều có họ được lấy từ tên đệm của bố. Ảnh: Khám phá.

    Nhiều cơ quan không chấp nhận hồ sơ của chị Hải, cho rằng chị là con nuôi, họ không trùng với họ của bố hoặc mẹ ruột.  Chị phải về xã xin giấy xác nhận do phong tục đặt tên của địa phương.

     “Nhớ ngày nhập học trường cao đẳng sư phạm, điểm danh đến tên Sỹ Thị Hải khiển nhiều bạn bật cười. Ai cũng hỏi sao họ lạ thế?  Ở quê tôi, con gái được lấy tên đệm của bố làm họ là niềm tự hào, thể hiện sự gửi gắm của gia đình, dòng tộc”, chị Hải chia sẻ.

    Các bô lão trong làng cũng không ai biết cái kiểu đặt tên lạ đời này có từ bao giờ. Ông Nguyễn Danh Hữu, 74 tuổi, thủ từ đình So cho hay làng có 34 dòng họ. Trong đó, chỉ có họ Hoàng, Trần, Giang, Dương lấy họ làm chữ đầu như thông thường, vì đó là các dòng họ di cư đến.

    Đến năm 2006, phong tục đặt tên kỳ lạ của làng vẫn được duy trì. Nhưng con em đi học, làm ăn xa đều gặp vướng mắc giấy tờ do khác họ cha.

    Ở xã Cộng Hòa (một phần của làng So) ngay cả cán bộ xã cũng đặt tên con theo phong tục. Ông Vương Sỹ Hồng, Phó chủ tịch xã đặt tên con gái là Sỹ Thị Dung. Chị Dung đã ra trường đi làm nhiều năm và vẫn giữ nguyên họ Sỹ.

    Theo ông Hồng, chính quyền xã nắm được những bất cập trong việc đặt tên họ nên đã vận động người dân đặt tên họ con gái theo đúng họ bố. Từ sau năm 2006 đến nay, hầu như không có trường hợp sinh mới lấy tên đệm của bố làm họ cho con gái.

    Anh Hoàng Tùng Bách, cán bộ hộ tịch xã Cộng Hòa cho hay, từ khi có Nghị định 58, năm 2008, xã có quyền cải chính, thay tên đổi họ cho người dưới 14 tuổi. Trong vòng 2 năm, xã tiếp nhận, giải quyết đơn xin đổi họ cho hơn 2000 trẻ em dưới 14 tuổi.

    “Chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn, vận động bà con nên đặt họ cho con sao cho đúng với họ bố hoặc mẹ. Nếu người nào vẫn nhất quyết giữ theo phong tục, chính quyền xã cũng phải linh động giải quyết”, anh Bách nói.

    MẠC NHIÊN(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]iMh4IajANv[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-khoc-do-cuoi-nhung-truong-hop-ca-nghin-nguoi-doi-ho-a101730.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.