Doanh nghiệp nào cũng được hành nghề luật: Cấp phép tràn lan, không cẩn thận sẽ “loạn”!


Thứ 6, 21/06/2019 | 00:43


Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, nếu cứ cấp phép tràn lan, doanh nghiệp nào cũng được hành nghề luật, không cẩn thận sẽ “loạn”

Liên quan đến việc tranh cãi nảy lửa về quyền hành nghề tư vấn pháp luật, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, nếu cứ cấp phép tràn lan, doanh nghiệp nào cũng được hành nghề luật, không cẩn thận sẽ “loạn”!

Mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn luật sư, nghề luật đang xôn xao tranh luận về nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý mà lâu nay vẫn hiểu là chỉ có luật sư mới được phép thực hiện. Sự việc bắt nguồn khi sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tư vấn bất động sản, trong đó có ngành nghề “tư vấn pháp luật”.

Tại một cuộc họp mới đây do bộ KH&ĐT tổ chức, có đại diện bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tham gia “mổ xẻ”.

Đại diện bộ Tư pháp cho rằng, việc quản lý đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý cần tiếp tục thực hiện nhất quán theo luật Luật sư và chỉ có các công ty luật, văn phòng luật sư được đăng ký kinh doanh dịch vụ.

Trong khi đó, phía bộ KH&ĐT và VCCI đồng quan điểm cho rằng, nên mở rộng đối tượng, các doanh nghiệp cũng có thể tư vấn pháp lý.

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Thưa luật sư, quan điểm của ông như thế nào khi đại diện bộ KH&ĐT và VCCI cho rằng, một cá nhân thành lập doanh nghiệp, mặc dù không phải là công ty luật hay văn phòng luật sư nhưng vẫn được đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn pháp luật?

Hiện nay, hoạt động đặc thù nào cũng phải cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ: Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; thiết kế; xây dựng; dạy nghề… Luật sư thì có chứng chỉ hành nghề luật sư do bộ Tư pháp cấp.

Sở dĩ phải làm như vậy là để đảm bảo chất lượng của dịch vụ, sản phẩm của người đó cho người có nhu cầu.

Tôi nghĩ, nếu theo quan điểm của VCCI và bộ KH&ĐT thì có lẽ cũng cần mở rộng việc cấp đăng ký kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh cho bất kỳ ai mà không cần điều kiện phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nữa… Và hậu quả của việc khám chữa bệnh do người không có chuyên môn này gây ra như thế nào, có lẽ chúng ta đều biết!

Tương tự như vậy, hoạt động tư vấn pháp luật lại do người không có trình độ pháp luật thực hiện thì hậu quả sẽ khôn lường, thậm chí “lợn lành thành lợn què”, tán gia, bại sản cho người dân… Việc này có lẽ cũng không cần phải bàn cãi nhiều.

Các luật sư phải trải qua nhiều năm học tập, vượt qua các kỳ thi nghiêm ngặt thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề (ảnh minh họa).

Nhiều người đang hiểu rằng, bất kỳ ai cứ đủ 18 tuổi và không bị tâm thần là có thể đăng ký mở công ty, kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nếu cứ lấy quan điểm tạo thông thoáng cho việc cấp đăng ký hoạt động cho các doanh nghiệp để bao biện là đánh tráo khái niệm.

Người dân mong muốn đơn giản hoá các thủ tục khi thành lập doanh nghiệp, chứ không phải cứ ai đủ 18 tuổi thì đăng ký hoạt động lĩnh vực gì cũng được mới là thông thoáng!

Hơn nữa, Nhà nước vẫn phải quản lý chất lượng dịch vụ bằng cách đặt ra các chứng chỉ. Ví dụ như muốn hành nghề luật sư phải qua 4 năm học cử nhân luật, học 1 năm đào tạo nghề luật sư, rồi tiếp tục tập sự hành nghề 1 năm nữa. Sau đó phải qua kỳ thi sát hạch hết tập sự (kỳ thi quốc gia), nếu đạt còn phải có điều kiện lý lịch tư pháp tốt; đủ điều kiện sức khoẻ thì lúc đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Tính ra cũng phải mất khoảng 7 năm học hành, đèn sách mới xong. Ngoài ra, mỗi năm luật sư còn phải bắt buộc bồi dưỡng nghiệp vụ; bồi dưỡng đạo đức…

Ấy vậy mà trên thực tế, còn có những luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ cung cấp!

Vậy thì huống hồ chỉ cần đủ 18 tuổi, không tiền án, tiền sự, thần kinh bình thường đã được cấp đăng ký hoạt động tư vấn pháp luật thì chất lượng dịch vụ này sẽ ra sao?

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, nếu cấp phép dịch vụ tư vấn pháp luật tràn lan, không cẩn thận sẽ “loạn” (ảnh minh họa).

Ông có cho rằng, nếu cấp phép dịch vụ tư vấn pháp luật đơn giản như vậy thì sẽ bất công bằng với giới luật sư khi họ phải trải qua nhiều năm “đầu tư” hay không?

Quan điểm của tôi, không cần phải bênh giới luật sư vì cho rằng không công bằng. Mà vấn đề là nhìn nhận dưới góc độ đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho người dân.

Tôi thử đặt câu hỏi, tại sao VCCI không thông thoáng trong việc bổ nhiệm trọng tài viên thuộc trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam của VCCI đi? Nếu như vậy thì hậu quả sẽ khôn lường!

Tư vấn pháp luật là nghề đặc thù, cần những người am hiểu sâu chuyên môn thì mới được cấp phép, còn nếu không thì sẽ tạo ra tiền lệ cấp phép tràn lan, ai cũng có thể tư vấn pháp luật được. Ông có ủng hộ quan điểm này?

Tôi cho là đúng như vậy. Nếu cấp phép tràn lan, không cẩn thận sẽ “loạn”. Thiệt hại thì người dân gánh đủ.

Nếu việc cấp phép hoạt động tư vấn luật tràn lan mà những người hành nghề đó gây thiệt hại cho công dân thì thử hỏi VCCI hoặc bộ KH&ĐT có bồi thường cho công dân được không? Khi đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Các cá nhân tư vấn luật kiểu đó có bắt buộc họ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đâu. Trong khi đó, đối với luật sư là bắt buộc.

Tôi cho rằng, ai muốn hành nghề lĩnh vực tư vấn pháp luật thì cố gắng mà học để đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Nhà nước khuyến khích học để hành nghề.

Chứ không chịu học lại muốn hành nghề này thì sẽ dễ hại mình, hại cả người khác.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

Nguyễn Hường

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-nao-cung-duoc-hanh-nghe-luat-cap-phep-tran-lan-khong-can-than-se-loan-a280631.html