+Aa-
    Zalo

    Doanh nghiệp “tranh cãi” về quy định điều kiện nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô đã đưa ra các ý kiến trái triều về quy định điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô ô tô tại Nghị định 116/NĐ-CP.

    Nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô đã đưa ra các ý kiến trái triều về quy định điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô  ô tô tại Nghị định 116/NĐ-CP.

    Cuộc đối thoại về Nghị định 116/NĐ-CP, quy định điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng Nghị định 116 đã diễn ra vào sáng ngày 26/2 tại Văn phòng Chính phủ. Cuộc đối thoại do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPVP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

    Cuộc đối thoại đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và nhập khẩu.

    Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco - Trường Hải cho rằng, quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu là cần thiết. Theo đó, từ tháng 8/2017, Trường Hải nhận được thư ngỏ của BMW thì đến tháng 11/2017, Trường Hải mới được nhận là nhà phân phối. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã nhận được chứng nhận kiểu loại BMW cung cấp cho các mẫu xe của mình đưa về, trong đó có xe Mini của Anh.

    "Giấy chứng nhận kiểu loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng... Vì vậy, không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận tiểu loại của Việt Nam cho phù hợp"- ông Trần Bá Dương kiến nghị.

    Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Người Đưa Tin

    Theo đại diện doanh nghiệp này, cũng cần kiểm định khí thải đối với xe nhập khẩu vì có nhiều trường hợp, xe kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải nhưng xe nhập theo lô thì không. Ông Trần Bá Dương khẳng định không xin một ưu đãi gì cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau.

    Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc của Tập đoàn Thành Công cho hay: "Ở Việt Nam, xe ô tô là 1 loại tài sản lớn với người dân, là phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có giấy chứng nhận kiểu loại hoàn toàn có thể đưa xe đến các trung tâm thử nghiệm quốc tế và khi đó xe đưa về Việt Nam, Cục đăng kiểm mới có căn cứ đánh giá xem xe có hồ sơ đó với với xe đưa ra kiểm nghiệm có đúng là 1 hay không". 

    Bên cạnh đó, đại diện Hyundai Thành Công cũng cho rằng, cần kiểm định theo từng lô vì không loại trừ cả các hãng lớn cũng có gian lận, trong khi các nhà sản xuất trong nước thì bị kiểm nghiệm từ thiết bị đến chiếc xe hoàn thiện.

    Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) Toru Kinoshita lại bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" của VAMA về một số quy định hành chính trong Nghị định 116 và cho rằng nghị định này không tuân thủ thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.

    "Hệ quả là đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay"- ông Toru Kinoshita nói.

    Cũng nêu quan điểm tại cuộc đối thoại, đại diện doanh nghiệp Mỹ cho rằng, một số quy định trong Nghị định gây ra khác biệt giữa nhà sản xuất ô tô và nhập khẩu ô tô trong nước.

    "Chúng tôi đề nghị tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại sao cho rõ ràng hơn, Chính phủ cũng giải thích rõ hơn nghị định này cũng như Thông tư 03 của Bộ GTVT để chúng tôi cân nhắc việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam"- đại diện doanh nghiệp Mỹ kiến nghị.

    Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, cuối tuần này, chậm nhất là đầu tuần sau sẽ họp với các cơ quan liên quan để xem xét các vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng hướng xử lý vấn đề này.

    Nhân Văn (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-tranh-cai-ve-quy-dinh-dieu-kien-nhap-khau-o-to-tai-nghi-dinh-116-a220701.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan