+Aa-
    Zalo

    Doanh nghiệp vận tải hành khách "gồng mình" giữa mùa dịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến không ít doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách rơi vào cảnh càng duy trì càng lỗ nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

    Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó hoạt động vận tải bị tác động mạnh mẽ khiến không ít doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trước những khó khăn.

    doanh nghiep van tai hanh khach gong minh mua dich dspl
    Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách phải "đóng băng" hoạt động. Ảnh minh họa

    Trải qua năm 2020 kinh doanh chật vật, ông Trần Văn P.- chủ một doanh nghiệp vận tải ở Nam Định cho biết, dịch bệnh bùng phát vào khoảng tháng 3/2020 là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Doanh nghiệp ngành vận tải cũng đã có doanh thu vào dịp Tết. Đây là giai đoạn cao điểm trong năm để doanh nghiệp có thể bù đắp doanh thu cho những giai đoạn thấp điểm trong năm.

    Tuy nhiên, sang đến năm 2021, dịch bùng phát đúng thời điểm trước Tết đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh của ngành này khi doanh thu giảm mạnh chỉ còn khoảng 1/3 so với cùng kỳ trước đó.

    Không những vậy, mấy tháng trở lại đây, do e ngại sự lây lan của dịch bệnh, lượng khách lựa chọn di chuyển bằng xe khách cũng giảm đáng kể. Thậm chí, một số tuyến còn bị  "đóng băng" do địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19.

    Không chỉ các hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ mà nhiều doanh nghiệp lớn vốn nhanh nhạy trên thị trường cũng chấp nhận cảnh thất thu nặng nề khi rơi vào tình trạng khách hàng đặt vé từ trước hủy vé, số chuyến giảm mạnh, lượng khách vô cùng ít ỏi do người dân hạn chế đi lại giữa mùa dịch bệnh và có tâm lý e ngại di chuyển trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.

    Hoạt động bị hạn chế, thậm chí "đóng băng" vì dịch song nhiều nhà xe vẫn phải cố gắng "cầm cự", bởi nếu bỏ nghề thì xe bán cũng chẳng được bao nhiêu. Ngoài ra, không ít chủ xe vẫn đang phải trợ nợ tiền vay ngân hàng mua phương tiện. Nhiều người làm vận tải hàng chục năm, giờ đây bỏ nghề không biết làm nghề gì để sống.

    Trao đổi với PV Đời sống& Pháp luật, đại diện một nhà xe tuyến Nghĩa Hưng- Hà Nội cho biết: Vốn đầu tư xe khách thường rất lớn cho nên đa phần là nhà xe vay trả góp. Xe không được chạy nhưng lãi suất hàng tháng vẫn phải trả khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Không những vậy, lệ phí cầu đường mua theo tháng mà xe phải "đỗ" do thực hiện theo Chỉ thị 16 để đảm bảo công tác phòng dịch. Mặc dù tiền lệnh xuất bến hai đầu có giảm nhưng không đáng kể so với chi phí để duy trì tuyến.

    Doanh thu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi các khoản chi phí như lương nhân công, thuế phí, lãi suất ngân hàng… không thay đổi, khiến hoạt động vận tải chồng chất khó khăn.

    Để từng bước tháo gỡ cho ngành kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, ngoài thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của địa phương và Bộ, ngành liên quan, các đơn vị vận tải cần chủ động tìm giải pháp để khắc phục trước mắt như: cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến…

    Từ đó, giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động, giảm bớt các chi phí phát sinh, đồng thời luôn trong tâm thế sẵn sàng khi được phép hoạt động kinh doanh trở lại.

    Giải pháp tạm dừng hoạt động, hỗ trợ phần nào cho tài xế, chủ xe trong mùa dịch chỉ là phương án tạm thời.

    Do đó, để giúp các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn, sớm trở lại hoạt động bình thường thì các bộ, ban ngành cũng cần vào cuộc để giải quyết các khó khăn đó. Bộ GTVT xem xét miễn giảm phí đường bộ, phí đăng kiểm, phí cầu đường, trạm BOT. Ngành thuế cần xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước có những chỉ đạo các ngân hàng thương mại, cổ phần giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp. Triển khai những gói vay ưu đãi giúp doanh nghiệp vận tải tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, tái sản xuất.

    Thêm vào đó, Nghị định số 10/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã cho thấy một số nội dung cần điều chỉnh ngay để đảm bảo tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải, giảm bớt thủ tục không thuận lợi trong quá trình thực hiện của đơn vị kinh doanh vận tải cũng như của cơ quan quản lý đối với hoạt động vận tải bằng ô tô. Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị kinh doanh vận tải chưa lắp camera và thiết bị giám sát hành trình vì việc này gây tốn kém cho doanh nghiệp, khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc tích hợp dữ liệu của ô tô. Đồng thời, cần sửa đổi Nghị định số 10/NĐ-CP theo hướng tối ưu hóa về công nghệ, tiết kiệm nhất về chi phí cho các đơn vị vận tải và Nhà nước.

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-gong-minh-giua-mua-dich-a511697.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan