Độc đáo tục gội đầu đón năm mới của người Thái ở Tây Bắc


Thứ 3, 05/02/2019 | 01:42


Cùng sự kiện

Với người Thái trắng ở thượng nguồn sông Đà, một trong những lễ hội đặc biệt quan trọng của năm mới là lễ gội đầu chiều 30 Tết.

Với người Thái trắng ở thượng nguồn sông Đà, một trong những lễ hội đặc biệt quan trọng của năm mới là lễ gội đầu chiều 30 Tết. Phong tục độc đáo này có ý nghĩa xua đi những điều không tốt trong năm vừa qua và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

Gội đầu để tống tiễn tai ương, nhọc nhằn

Người Thái cư trú ở nhiều nơi trên đất nước ta nhưng tập trung đông nhất là ở các tỉnh Tây Bắc. Sơn La, Lai Châu có khoảng hơn 1 triệu người với các nhóm Thái Đen (Táy Đăm), Thái Trắng (Táy Đón hay Táy Khao), Thái Đỏ. Là dân tộc có tỉ lệ dân số cao nhất của tỉnh Lai Châu, người Thái có một kho tàng văn hoá văn nghệ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

Nhắc đến người Thái chúng ta không thể không nhắc tới những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và cả cái trâm bạc cài lên cố định tóc. Mái tóc của phụ nữ Thái thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. Người Thái có quan niệm khắt khe và rất nhiều ràng buộc đối với mái tóc. Ngày bình thường, không phải người phụ nữ thích gội đầu lúc nào thì gội, nếu tự ý gội đầu là vi phạm điều tối kỵ với tổ tiên. Và một quy định ai cũng phải nắm rõ là vào ngày 30 Tết, tất cả phụ nữ Thái đều phải tham gia lễ gội đầu với những quy định hết sức khắt khe và độc đáo.

Theo các già làng kể lại, lễ gội đầu là lễ quan trọng nhất mở đầu cho các lễ hội trong năm của người Thái. Bước vào một năm mới, tất cả mọi người trong thôn, bản đều phải gội đầu nhằm rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu cho con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Độc đáo tục gội đầu đón năm mới của người Thái ở Tây Bắc - Hình minh họa

Ông Hoàng Văn Ánh (Lai Châu) kể lại, lễ gội đầu của dân tộc Thái trắng bắt nguồn từ xa xưa trong lịch sử rất thiêng liêng, gắn với truyền thuyết Nàng Han. Tương truyền rằng, từ xa xưa ở đất Than Uyên (Lai Châu ngày nay) có một gia đình sinh được một cô gái vô cùng xinh đẹp. Ở độ trăng tròn cô vẫn giúp gia đình lo chuyện cày cấy. Bất ngờ đúng vào thời gian này, giặc phương Bắc vào cướp bóc, đánh phá nhà cửa của đồng bào người Thái Trắng. Vậy là cô gái xin bố giả trai đi đánh giặc nhưng người bố nhất quyết không đồng ý.

Đất nước lâm nguy, dù bố mẹ không cho tòng quân nhưng cô đã quyết định giả trai thành vị tướng xuất quân. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã đánh tan quân giặc, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết, buổi chiều ngày đó, nữ tướng ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm rửa gội đầu rồi bay về trời. Từ đó đến nay, người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai, (Sơn La); Mường Lay (Điện Biên); Mường Xo, Mường Tè (Lai Châu) và một số vùng khác vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu) để tưởng nhớ bà và cũng để mừng năm mới, ăn Tết vui vẻ.

Thứ nước gội đầu đặc biệt

Vào sáng 30 Tết, mỗi gia đình người Thái sẽ mổ một con lợn, tổ chức làm cơm liên hoan. Sau bữa cơm tất niên trưa 30 tết, từ già, trẻ, trai, gái cả bản đều ra sông, suối để gội đầu. Ông chủ nhà đem theo kiếm và “Thung Xanh” (có nghĩa là túi thổ cẩm đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng - theo quan niệm của người Thái là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc... Đàn bà thì mặc váy, mang theo chậu nước gạo hoặc bồ kết để gội đầu.Nước gạo dùng để gội đầu phải là nước gạo nếp và phải thật đặc như kiểu hòa bột vào nước. Nước đó phải để ít nhất 2 ngày 2 đêm đến khi thành một hỗn hợp sền sệt và có mùi thum thủm thì mới được đưa ra để gội đầu.

Chị Lương Thị Đương (Sơn La) cho hay: “Người dân sẽ lấy gạo của gia đình làm trong 1 năm. Sau khi vò gạo để nấu cơm, nước vò gạo thì đem đi ủ. Đến ngày 30 Tết, chị em chúng tôi dùng ống tre, ống mét để đựng nước vò gạo, rồi mang ra suối để gội đầu. Ai không làm đúng, coi như phạm vào điều tối kỵ”.

Cũng theo chị Đương, quả bồ kết cũng được nướng kỹ, nồng mùi thơm được giã nhỏ pha với nước gạo để gội lên đầu. Ngoài ra, không thể thiếu người đánh trống, đánh chiêng báo hiệu một mùa xuân mới đến với bản mường.

Theo truyền thống của đồng bào Thái, mỗi bản đều có bến nước riêng và quy định đàn ông tắm bến trên, đàn bà tắm bến dưới. Họ từ từ cúi đầu xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Những bát nước gạo cùng với nước bồ kết được xối từ từ. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây không còn là nỗi bận lòng, sẽ trôi chảy theo dòng nước, gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai để sẵn sàng bước vào một năm mới thật tinh khôi.

Sau khi gội đầu xong, chị em ai cũng chọn lấy cát chỗ sạch nhất về nhà để thay bát hương cho năm mới. Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình. Chị em thì làm các món ẩm thực, bánh trái truyền thống, trang trí nhà cửa, chuẩn bị quần áo mới cho cả gia đình.

Theo quan niệm của người Thái, nếu như ai chưa được gội đầu vào dịp 30 Tết thì coi như chưa gột rửa những điều không may trong năm cũ và điều ấy sẽ theo vào năm mới. Bởi vậy, nghi lễ Lung Ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người đối với các đấng tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp. Cũng vì lẽ đó mà nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái trắng Tây Bắc coi trọng, giữ gìn đến ngày nay.

Chị Lương Thị Ngoan (Sơn La) cho hay: “Mục đích của việc gội đầu là để những cái gì không suôn sẻ, không may mắn trôi hết, chỉ đón lại những điều may mắn, hạnh phúc. Vì thế, không ai bảo ai, mọi người đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình”.

Theo những già làng người Thái trắng, từ ngày xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, hàng chục nghìn hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào Thái trắng, ở khu vực thượng nguồn sông Đà thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di rời ra khỏi vùng ngập, đi xây dựng quê hương mới. Theo đó, đồng bào Thái trắng thường di chuyển cả bản, theo cộng đồng, anh em họ hàng về các khu, điểm tái định cư mới. Điều đặc biệt là nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán này vẫn được duy trì và phát huy theo thời gian. Lễ gọi đầu là một trong những nét văn hóa đặc sắc được người Thái nâng niu, gìn giữ.

Từ khi di chuyển về vùng đất mới, năm nào huyện Quỳnh Nhai cũng tổ chức lễ gội đầu vào ngày 30 Tết, hội đua thuyền vào ngày mùng 10 Tết. Việc làm đó phù hợp với tâm tư tình cảm của người dân, được bà con hưởng ứng, trở thành nét đẹp của vùng lòng hồ sông Đà.

Thanh Bình

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 10

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-tuc-goi-dau-don-nam-moi-cua-nguoi-thai-o-tay-bac-a259944.html