+Aa-
    Zalo

    Đôi bạn thân từ thiên tài trở thành kẻ sát nhân: 'Tội ác hoàn hảo' từng gây chấn động cả nước Mỹ

    • DSPL
    ĐS&PL "Tội ác hoàn hảo" của đôi bạn thiên tài Nathan Leopold và Richard Loeb từng khiến dư luận nước Mỹ chấn động.

    Tội ác "hoàn hảo" của đôi bạn thiên tài Nathan Leopold và Richard Loeb từng khiến dư luận nước Mỹ chấn động. 

    Ngày 21/5/1924, cặp thiếu niên Chicago tài giỏi và giàu có là Nathan Leopold và Richard Loeb đã khiến cả nước Mỹ chấn động trước kế hoạch của một "tội ác hoàn hảo" chỉ để chứng minh mình có thể thoát tội. Theo đó, bộ đôi này đã lên kế hoạch bắt cóc và sát hại thiếu niên 14 tuổi Bobby Franks và phi tang thi thể nạn nhân. 

    Richard Loeb (trái) và Nathan Leopold bị bắt giam năm 1924 sau tội ác mà họ đã gây ra. Ảnh: Getty Images

    Mặc dù họ đã xây dựng một kế hoạch tương đối hoàn hảo, Leopold và Loeb đã mắc một số sai lầm khiến cảnh sát lần ra họ. Phiên tòa sau đó, với sự tham gia của luật sư nổi tiếng Clarence Darrow, đã gây xôn xao và được nhắc tới là "phiên tòa của thế kỷ".

    Cặp đôi thiên tài

    Nathan Leopold là một thiên tài với chỉ số IQ cao "ngất ngưởng" ở mốc 200 điểm. Ở tuổi 19, Leopold đã tốt nghiệp đại học và theo học một trường luật. Bên cạnh đó, cậu thanh niên này còn được gọi là một nhà điểu học tài ba với niềm yêu thích dành cho các loài chim. Dù vậy, vấn đề duy nhất của Nathan Leopold chính là ứng xử về mặt xã hội. 

    Trong khi đó, Richard Loeb cũng được đánh giá là một thanh niên ưu tú nhưng hoàn toàn trái ngược so với Nathan Leopold. Lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc, Richard Loeb cũng được gửi tới học đại học từ sớm. Tuy nhiên, đối với anh, việc học không phải ưu tiên hàng đầu. Tại trường đại học, Loeb chỉ lao đầu vào cờ bạc và rượu chè. Nếu Nathan Leopold là một người nhút nhát, khó giao tiếp thì Richard Loeb lại được nhận định là người có sức hút với các kỹ năng xã hội hoàn hảo.

    Dù mang tính cách trái ngược nhau, nhưng cả Leopold và Loeb đều là những thiên tài với khả năng riêng, và vô cùng thân thiết với nhau. Ảnh: Medium

    Cả hai đã gặp gỡ và trở thành những người bạn thân tại trường đại học. Đây là một mối quan hệ vừa sóng gió những cũng vô cùng gắn bó. Một mặt, Leopold bị thu hút bởi sự năng nổ và hoạt bát của Loeb, mặt khác, Loeb thích cảm giác có một người bạn trung thành trong cuộc hành trình mạo hiểm của cuộc đời anh.

    Bộ đôi sau đó đã bắt đầu những hành vi phạm tội nhỏ như cướp bóc, đốt phá và cuối cùng là lập kế hoạch giết người hoàn hảo. 

    Tội ác hoàn hảo

    Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh việc ai trong hai cậu thanh niên tài giỏi là người đề xuất ra ý tưởng của một "tội ác hoàn hảo". Nhiều ý kiến nghiêng về việc Richard Loeb là người chủ mưu bởi điều này có vẻ giống với tính cách ưa mạo hiểm của anh ta. Nhưng dù là ai đề xuất thì cả Nathan Leopold và Richard Loeb đều đã đồng ý tham gia vào kế hoạch này. 

    Theo đó, cả hai đã lên một kế hoạch đơn giản, đó là: thuê xe dưới tên giả, tìm một đối tượng giàu có là nam giới (bởi phụ nữ thường được gia đình quản lý chặt hơn), sau đó giết chết và đem thi thể nạn nhân ném xuống cống để phi tang.

    Mặc dù đôi bạn thân dự định giết chết "con mồi" ngay khi bắt được, họ vẫn liên hệ với gia đình nạn nhân để đòi khoản tiền chuộc trị giá 10.000 USD. Theo đó, số tiền trên sẽ được giao tới tay 2 kẻ bắt cóc bằng cách ném ra ngoài từ một con tàu đang di chuyển. 

    Sau khi có một kế hoạch cụ thể, Nathan Leopold và Richard Loeb đã bắt tay vào việc tìm kiếm con mồi và xem xét cả gia đình người họ sẽ nhắm tới. Tuy nhiên, cuối cùng bộ đôi đã quyết định lựa chọn đối tượng một cách ngẫu nhiên dựa vào tình huống mà họ gặp.

    Đôi bạn thiên tài dành tới 6 tháng trời để lên kế hoạch giết người. Ảnh: Smithsonian Magazine

    Ngày 21/5/1924, bộ đôi thiên tài đã sẵn sàng để thực hiện kế hoạch mà mình cất công vạch ra. Sau khi thuê chiếc ô tô Willys-Knight và che biển số, điều duy nhất mà Leopold và Loeb thiếu chính là một nạn nhân. 

    Tình cờ, họ bắt gặp Bobby Franks, con trai của một nhà sản xuất đồng hồ giàu có, đồng thời cũng là em họ xa và hàng xóm của Richard Loeb. Ngay lập tức, Loeb đã tận dụng mối quen biết và sở thích chơi quần vợt của Franks để dụ cậu bé lên xe nói chuyện. Ngay khi thiếu niên 14 tuổi vừa ngồi lên ghế trước, chiếc ô tô bất ngờ nổ máy đi mất. 

    Chỉ vài phút sau, Franks bị tấn công nhiều nhát vào đầu, thủ phạm kéo lê cậu bé từ ghế trước ra phía sau, bị thắt cổ bằng một miếng vải và nằm thoi thóp ở băng ghế sau xe. Nạn nhân đã chết sau đó do ngạt thở và những vết thương nặng trên đầu.

    Sau khi thực hiện tội ác của mình, bộ đôi Leopold và Loeb đã lái xe tới Hồ Wolf, cách Chiacgo 40km. Hồ Wolf là một vùng đầm lầy hẻo lánh, Loeb đã phát hiện ra khu vực này trong một chuyến thám hiểm và tin rằng đây là nơi lý tưởng để đem giấu cái xác của Franks. 

    Để phi tang mọi bằng chứng, Leopold và Loeb đã ném thi thể nạn nhân xuống cống và đổ axit clohydric lên mặt và bộ phận sinh dụng của Franks để che dấu danh tính của cái xác. Xong xuôi mọi việc, bộ đôi đã gọi điện tới gia đình Franks thông báo về vụ bắt cóc và đòi tiền chuộc trên đường trở về Chicago. 

    Tin chắc mình đã lập một kế hoạch giết người hoàn hảo, Leopold và Loeb không ngờ rằng, chỉ trong sáng hôm sau, cảnh sát đã nhanh chóng tìm thấy thi thể của Bobby Franks và xác định được kẻ thủ ác đứng sau vụ việc. 

    Sai lầm và cuộc bắt giữ 

    Dù đã dành tới 6 tháng để lên kế hoạch cho tội ác của mình, nhưng Leopold và Loeb vẫn vấp phải không ít sai lầm tai hại khiến cảnh sát lần ra họ. Đầu tiên là cách phi tang cái xác. Leopold và Loeb đã tính toán kỹ lưỡng và cho rằng giấu thi thể nạn nhân ở cống là nơi an toàn nhất và cái xác sẽ nằm ở đó cho tới khi bị phân hủy hết, chỉ còn lại bộ xương.

    Tuy nhiên, trong cái đêm họ tiến hành tội ác đó, cả 2 đã không nhận ra rằng mình giấu thi thể nhưng lại để lộ ra bàn chân của nạn nhân. Điều này đã khiến cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra sự việc chỉ trong sáng ngày hôm sau đó. 

    Với việc phát hiện ra thi thể ở một cái cống, cảnh sát đã bắt đầu khám xét khu vực xung quanh đó và nhặt được chiếc kính của Nathan Leopold. Giải thích về việc này, Leopold đã khai rằng anh đánh rơi nó khi bị ngã trong chuyến thám hiểm trước đây tới Hồ Wolf. Dù vậy, cảnh sát vẫn đặt Leopold vào diện nghi vấn và tiếp tục theo dõi anh. 

    Không mất nhiều thời gian để cảnh sát nhận ra lời khai mà Leopold và Loeb đưa ra là giả. Theo đó, bộ đôi từng khai rằng trong ngày xảy ra vụ việc, họ đã lái xe đi chơi. Tuy nhiên, chiếc xe của họ thật sự lại nằm ở nhà cả ngày hôm đó. Cuối cùng, vào ngày 31/5/1924, chỉ 10 ngày sau khi gây án, bộ đôi đã phải cúi đầu nhận tội.

    Phiên tòa của thế kỷ

    Vụ việc trên sau đó ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận bởi cả hai tên sát nhân đều có tuổi đời tương đối trẻ Nathan Leopold mới 19 còn Richard Loeb thì mới 18 tuổi, bên cạnh đó, cả hai cũng không có động cơ giết người hay bắt cóc tống tiền bởi họ xuất thân từ những gia đình giàu có. Hành động giết người không có mục đích cụ thể đã khiến dư luận Mỹ thời bấy giờ chấn động. 

    Richard Leob. Ảnh: Medium

    Nathan Leopold. Ảnh: Medium

    Trước tính man rợn của tội ác trên, gần như chắc chắn Leopold và Loeb sẽ bị kết án tử hình để trả giá cho hành động của mình. Lo sợ điều này thành hiện thực, chú của Loeb đã tìm đến luật sư bào chữa nổi tiếng Clarence Darrow và cầu xin ông thụ lý vụ án. Luật sư không cần phải giúp hai bị cáo trắng án, bởi họ chắc chắn có tội, điều mà ông Loeb muốn chỉ là giữ lại tính mạng cho cháu trai. Là một người phản đối án tử hình, luật sư Darrow đã nhận lời đề nghị của ông Loeb.

    Ngày 21/7/1924, "phiên tòa của thế kỷ" đã diễn ra và khiến dư luận ngỡ ngàng. Ban đầu, phần lớn người theo dõi cho rằng luật sư Darrow sẽ bào chữa cho thân chủ với lý do họ mắc vấn đề về tâm thần. Nhưng, ông đã đưa ra một bước ngoặt không ngờ khi khiến Leopold và Loeb thừa nhận toàn bộ tội ác.

    Với việc Leopold và Loeb đã nhận tội, phiên tòa không cần bồi thẩm và đã trở thành một buổi tuyên án. Ông Darrow tin rằng sẽ khó cho một người đàn ông khi tuyên án treo cổ đối với 2 thành niên hơn là một bồi thẩm đoàn gồm mười hai người cùng quyết định. Theo đó, số phận của Leopold và Loeb nằm trọn trong tay Thẩm phán John R. Caverly.

    Vào ngày 22/8/1924, Clarence Darrow đưa ra bản tổng kết cuối cùng kéo dài khoảng hai giờ và được coi là một trong những bài phát biểu hay nhất trong cuộc đời ông.

    Sau khi lắng nghe tất cả các bằng chứng được trình bày và suy nghĩ thận trọng về vấn đề, Thẩm phán Caverly đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 19/9/1924. Theo đó, Leopold và Loeb bị kết án 99 năm tù vì tội bắt cóc và án chung tân với tội giết người. Ông cũng khuyến cáo rằng họ sẽ không bao giờ đủ điều kiện để được ân xá.

    Kết thúc cuộc đời của đôi bạn sát nhân

    Sau khi vào tù, Leopold và Loeb đã tách nhau ra. Nhưng sau đó, họ lại trở nên thân thiết vào năm 1931. Tới năm 1932, đôi bạn quyết định mở một trường học trong tù và dạy học cho các tù nhân khác. 

    Tuy nhiên, tới ngày 28/1/1935, Richard Loeb đã bị một tù nhân khác cùng phòng tấn công. Anh bị chém tổng cọng 50 nhát và tử vong ở tuổi 30. 

    Chỉ còn lại một mình, Leopold đã quyết định viết cuốn tự truyện mang tên Life Plus 99 Years  (Tạm dịch: Cuộc sống thêm 99 năm). Sau 33 năm sống trong trại giam, Nathan Leopold được ân xá vào tháng 3/1958. Sau đó, anh chuyển đến Puerto Rico và kết hôn vào năm 1961.

    Nathan Leopold sau đó đã qua đời vào năm 1971 ở tuổi 66 do một cơn đau tim. 

    Minh Hạnh(Theo Thoughtco)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-ban-than-tu-thien-tai-tro-thanh-ke-sat-nhan-toi-ac-hoan-hao-tung-gay-chan-dong-ca-nuoc-my-a337761.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan