Giá vàng "nóng lạnh bất thường", chuyên gia bật mí thời điểm nên đầu tư vào vàng


Chủ nhật, 10/07/2016 | 14:50


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, khi mua vàng đầu cơ, ngoài việc người dân cần nắm bắt thông tin, đánh giá xu hướng vàng, chu kỳ lên xuống của vàng...

(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, khi mua vàng đầu cơ, ngoài việc người dân cần nắm bắt thông tin, đánh giá xu hướng vàng, chu kỳ lên xuống của vàng, thì có thể nhìn vào một số dấu hiệu như khi các DN kéo giãn biên độ mua bán vàng lên cực cao...

Chốt phiên cuối tuần qua (9/7), giá vàng tăng thêm 300.000 đồng so với ngày trước đó, mua bán ở mức 36,9 – 37,6 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa chiều mua và bán ra ở mức 700.000 đồng mỗi lượng.

So với giá quốc tế quy đổi chưa bao gồm thuế phí, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 400.000 đồng/lượng. Như vậy, so với hai ngày cuối tuần (5-6/7) có đợt tăng giá “bất thường” – giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng thì vàng vẫn trong xu thế tăng.

Nhận định về nguyên nhân giá vàng tăng, đa số các chuyên gia cho rằng là do bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn, các ngân hàng T.Ư, bao gồm cả FED, sẽ không thoát khỏi chính sách tiền tệ bất thường, từ đó đe dọa sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tiền giấy hiện tại.

Ông Christopher Wood – chuyên gia phân tích của CLSA, một nhà môi giới có trụ sở tại Hồng Kông còn dự báo giá vàng có thể được thiết lập cao hơn gấp 3 lần hiện nay, lên mức 4.200 USD/ounce, quy đổi ra khoảng hơn 100 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, ông Wood nói rõ rằng mức giá 4.200 USD/ounce phải mất nhiều thời gian mới đạt được và nhà đầu tư “cần kiên nhẫn” và cần coi vàng là một phương thức bảo hiểm chứ không dành cho giao dịch ngắn hạn.

Nhà phân tích James Steel thuộc HSBC cũng cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng do những lo ngại tiếp tục tác động lên nền kinh tế toàn cầu.

Trước khi đầu tư vào vàng người dân phải có thông tin, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, từ đó phân tích thực tế để có quyết định đúng đắn. (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng tăng, trước tiên là do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Những biến động chính trị, kinh tế như kết quả cuộc bỏ phiếu người dân Anh đồng thuận rời khỏi EU. Kéo theo đó, dữ liệu Trung Quốc yếu kém và bất ổn đang diễn ra “hậu Brexit” đã gây ra một làn sóng đầu tư vào tài sản an toàn mới.

Quan ngại rủi ro bao trùm thị trường sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo về rủi ro kinh tế của “Brexit”, cũng như tin tức về một sự suy giảm trong đơn đặt hàng nhà máy ở Hoa Kỳ, và các báo cáo về sản xuất, cùng hoạt động ngành dịch vụ khá trái chiều ở châu Á và châu Âu. Một lực đẩy nữa dành cho vàng là đồng USD giảm nhẹ và chứng khoán châu Á suy yếu… đã khiến giá vàng thế giới tăng cao, nên giá vàng trong nước cũng tăng theo.

Nêu quan điểm về khả năng vàng bị làm giá, ông Trúc cho biết, diễn biến trong mấy ngày vừa qua, làm giá thì khả năng ít, vì các DN sợ biến động thị trường, nên chính họ cũng không dám đầu cơ, còn việc đồn thổi giá lên, nếu có chăng thì có một vài DN nào đó đủ tầm tích lũy khoảng vài ba nghìn lượng mới dám thổi giá, nhưng con số này rất ít. Nhìn lại trước đây, năm 2004, khi thị trường có sự phân hóa mạnh, SJC cũng như Agribank là hai DN chiếm thị phần lớn, nên giá cả cũng được các DN này chi phối nhiều.

Tuy nhiên sau khi NHNN siết lại việc kinh doanh vàng miếng, thị trường đã “chia lại” thị phần, hầu hết các DN có tiềm lực tương đương nhau. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, thị trường vàng tương đối trầm lắng, việc mua bán không mấy sôi động, các DN không dám “ôm” quá nhiều vàng. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vàng cũng bị siết chặt hơn, nên khả năng có 1 DN “tay to” làm giá trên thị trường trong mấy ngày gần đây theo tôi là không có. Tuy nhiên, bất kỳ thị trường nào, hàng hóa nào, đã có đầu tư thì tất yếu sẽ có đầu cơ, chỉ là đầu cơ nhiều hay ít, mạnh hay yếu và tùy từng thời điểm để sự đầu cơ này thể hiện.

Riêng với thị trường vàng trong mấy ngày gần đây, giá lên chủ yếu là do người dân nhảy vào vàng theo hiện tượng bầy đàn. Hiện tượng này đã diễn ra hàng chục năm trước, đã có nhiều bài học đắt giá cho việc mua bán theo đám đông. Trong vài năm trở lại đây, tưởng là đã “yên”, ai dè lại tiếp tục dậy sóng. Người dân quên bài học cũ quá nhanh, nên họ phải gánh hậu quả là đương nhiên. Thay vì phải phân tích kỹ, thì họ lại theo nhau đổ xô đi mua vào khiến giá vàng cứ thế tăng vùn vụt.

Chuyên gia "bật mí" khi nào nên đầu tư vào vàng

Ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc Công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), dự báo, trong năm 2016 giá vàng khó thể nào vọt quá xa mức 40 triệu đồng/lượng. Ông phân tích, giá vàng tăng bất ngờ vừa qua có thể là do yếu tố Brexit.

Thời gian tới, giá vàng có tăng hay không sẽ phụ thuộc vào việc châu Âu và nước Anh hậu Brexit sẽ như thế nào, và liệu FED có quyết định nâng lãi suất đồng USD. Vì vậy, trong năm 2016, giá vàng thế giới ở khoảng 1.400 USD/ounce, quy đổi ra giá vàng trong nước quanh mốc 40 triệu đồng/lượng.

Do vậy, các chuyên gia về tài chính cho rằng diễn biến của thị trường trong nước thời gian qua chỉ là biến động nhất thời và cho rằng giá vàng trong ngắn hạn sẽ tiếp tục chịu những tác động từ yếu tố kinh tế vĩ mô trên toàn cầu cũng như những tác động can thiệp từ thị trường trong nước, điều này sẽ khiến giá vàng có những khuynh hướng khó lường. Bởi vậy, cần giao dịch cẩn trọng, theo sát các diễn biến khi tham gia giao dịch.

Ông Trúc cũng đưa ra lời khuyên, trước khi đầu tư vào vàng người dân phải có thông tin, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, từ đó phân tích thực tế để có quyết định đúng đắn. Tôi lấy ví dụ sau khi có kết quả Brexit diễn ra, giá vàng bị đẩy lên cao thật, nhưng sau đó đã chững lại, rồi đảo chiều giảm. Điều này có nghĩa rằng giá vàng bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị khác, nhưng khi đã lên đến đỉnh, nó sẽ đảo chiều.

"Thực tế, giá vàng trong nước “nổi sóng” sau khi giá vàng thế giới đã đi xong chu kỳ của mình. Tại sao người dân không biết phân tích để thấy logic, mà cứ nhắm mắt mua lấy được để chịu thiệt hại, sau 1 đêm mất tới 3 triệu đồng/lượng như thế? Mà theo tôi được biết, người mua ít cũng dăm ba lượng, người mua nhiều có thể nhiều chục cây. Cứ nhân lên, thiệt hại càng nhiều.", ông Trúc cho biết.

Ông Trúc nói thêm, ngoài việc nắm bắt thông tin, đánh giá xu hướng vàng, chu kỳ lên xuống của vàng, thì có thể nhìn vào một số dấu hiệu như khi các DN kéo giãn biên độ mua bán vàng lên cực cao, từ 1 triệu trở lên là “có vấn đề”, vì thứ nhất, chính họ đã tự dự phòng rủi ro cho mình, tức là rủi ro đó đã hiện hữu. Thứ hai, khi đẩy biên độ mua bán rộng, rõ ràng DN đang cố tình hạn chế mua vào.

Khi những “chuyên gia vàng”, “con buôn vàng” đã thấy rủi ro, thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường sẽ càng gánh khả năng rủi ro cao hơn. Một dấu hiệu khác, đó là khoảng cách chênh lệch nội ngoại bị nới rộng. Trong một thời gian dài, giá vàng trong nước thậm chí còn thấp hơn giá vàng thế giới hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng, bất ngờ, quay đầu tăng lên gần 3 triệu đồng/lượng như vừa rồi thì rõ ràng là “có vấn đề”. Người dân đã không chịu nhìn nhận các dấu hiệu, cứ nhắm mắt mua bừa. Bởi vậy, khi thị trường nóng, cần phải có một cái đầu lạnh.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-vang-nong-lanh-bat-thuong-chuyen-gia-bat-mi-thoi-diem-nen-dau-tu-vao-vang-a138984.html