Chợ hoa Tết và thú chơi hoa


Thứ 3, 21/01/2020 | 08:00


Cùng sự kiện

Với vùng đất Thăng Long-Hà Nội thì chưng hoa Tết được nâng lên thành thú chơi cầu kỳ và chủ nhân còn ký thác tâm tư vào chậu hoa, cây cảnh.

Chưng hoa trong ngày Tết để căn nhà tươi sắc xuân là tục lệ đẹp của người Việt. Tùy theo từng vùng miền và điều kiện kinh tế, các gia đình sẽ cắm hoa gì. Riêng đất Thăng Long-Hà Nội thì chưng hoa Tết được nâng lên thành thú chơi cầu kỳ và chủ nhân còn ký thác tâm tư vào chậu hoa, cây cảnh.

Kinh thành Thăng Long xưa là đất hoa, phía Bắc có làng Nghi Tàm có cánh đồng Bông. Phía Nam có vùng Mơ chuyên trồng các loại mai. Thế kỷ thứ 17, ven Hồ Tây có làng Võng Thị trồng các loại hoa, khi đi thăm các ruộng hoa khoe sắc nhà Nho Đoàn Nguyễn Tuấn dâng trào cảm xúc đã viết bài thơ “Võng thị điền hoa” bằng chữ Hán. Hoa ở các làng được trồng trong chậu bán cho các gia đình trong kinh thành và có cả hoa cúng.

Không chỉ là đất hoa, Hà Nội xưa có chợ hoa Tết sớm và lớn nhất Đại Việt. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Cầu Đông là cây cầu bắc qua sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long, tương ứng với khu vực đầu phố Hàng Đường ngày nay. Chợ họp quanh cây cầu vì ở đây có bến để thuyền bè đưa hàng đi các nơi và cũng là bến đón hàng các nơi về. Sau ngày ông Công, ông Táo về trời chợ bắt đầu nhóm họp, nhưng nhộn nhịp nhất vào ngày 27 đến gần Giao thừa. Chợ bán nhiều loại hoa trong đó có: Trà đỏ, trắng, quất, mai và hải đường, đặc biệt là mai thất thốn, loại mai ít bông nhiều cánh và cánh óng ánh như lụa trắng, lâu tàn chỉ trồng ở vùng Mơ. Nhưng nhiều nhất là đào từ Nhật Tân xuống biến chợ hoa thành rừng đào. Ngoài hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng. Cạnh đó ở phố Hàng Đường, các cửa hàng còn bầy bán các con giống, mâm hoa bằng bột, các đĩa hoa trà, hoa phù dung, mẫu đơn gọt bằng quả đu đủ trông như thật. Cúng tất niên vào trưa ngày 30 xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chợ hoa. Cuối thế kỷ 19, chính quyền cho lấp sông Tô Lịch xây chợ Đồng Xuân nên chợ hoa chuyển về họp ở phố Hàng Khoai rồi từ năm 1915 chuyển ra phố Hàng Lược và chợ hoa Hàng Lược tồn tại cho đến ngày nay. Cũng trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết rằng chơi hoa đất Thăng Long không nhất thiết phải là loài hoa độc đáo, đắt tiền mà “phú quý lòng hơn phú quý danh”.

Ngày nay thú chơi hoa ở Hà Nội thay đổi nhưng xưa nhà nào cũng có cành đào vì hoa đào mầu đỏ, mầu theo quan niệm của người Á Đông là mầu tượng trưng cho may mắn, tạo dương khí khiến căn nhà ấm áp. Về tâm linh, ma quỷ sợ mầu đỏ và trong những ngày vũ trụ vô chủ (từ ngày ông Công, ông Táo về trời cho đến sau Giao thừa), nhà cắm cành đào ma quỷ sẽ không dám vào. Không chỉ cắm cành đào, nhiều nhà còn chơi thêm các loại hoa khác. Với những gia đình có truyền thống Nho giáo, người có tâm hồn, họ thích cắm cúc trong ngày xuân vì cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm. Với những trí thức tính khí khẳng khái, họ thích chưng mẫu đơn trong ngày Tết. Mẫu đơn không chỉ là hoa “thiên hương quốc sắc” mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn của đám vương quyền để đem sắc đẹp, hương thơm ban rải cho mọi người. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, ăn ở như bát nước đầy nên các gia đình nề nếp yêu chơi.

Nhưng cầu kỳ nhất trong thú chơi hoa Tết là chơi thủy tiên, chỉ có những người đủ kiên nhẫn có tính tỉ mỉ mới chơi được hoa này. Đầu tháng Chạp, họ lên Hàng Ngang, Hàng Đường chọn thủy tiên và phải biết củ ra hoa đơn. Đơn thì mỗi hoa như chén vàng đặt lên đĩa ngọc, kép thì cánh và nhị mọc loạn xạ dù hương thơm hơn. Họ lấy cái gọng ô cũ đập bẹt một đầu mài thành con dao sắc làm dao gọt, đầu kia để thành lòng máng. Với con dao ấy đem củ ra ngắm nghía cắt bên nào cho không phạm đến giò hoa. Cắt xong đem úp vào chậu rồi sau đem đặt vào bát chiết yêu hay cốc pha lê. Lá mọc lên là phải gọt nhẹ một phía cho chiếc thì uốn vào trong chiếc thì cong ra ngoài. Gọt làm sao cho các giò hoa không cao lênh khênh mà chụm tất cả vào giữa trên tầng lá. Cái khéo là hoa nở đều không đâm dúi vào nhau và lại phải nở hàm tiếu đúng vào sáng mùng 1 Tết. Để rễ không thối, sáng nào cũng phải nhúng bông mà rửa nhớt. Nắng nhiều phải để vào chỗ mát, đêm lạnh quá phải đặt trong nhà. Nhà nào rộng rãi đồng tiền thì mua thêm mấy củ trồng trong chậu. Trồng chậu thì tưới vừa phải để cho lên lá nhưng không cao quá và cho hoa vượt khỏi mới là biết chơi. Ban đầu chỉ là thú chơi riêng lẻ, những người chơi thủy tiên hợp nhau và tiến tới ngày hội của loài hoa này. Hội hoa thủy tiên được tổ chức vào dịp Tết tại đình làng Yên Phụ, Ngũ Xã, đền Bạch Mã và Văn Miếu.

Theo thời gian, các làng hoa cổ mất dần và Hà Nội xuất hiện các giống hoa nhập từ nước ngoài vào. Năm 1989, một số nhà thực vật người Pháp đã lập ra vườn Bách Thảo để trồng thí nghiệm các giống cây, giống hoa (người dân quen gọi là Trại Hàng hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Ngoài trồng các giống cây bản địa, viên giám đốc người Pháp còn cho nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Hoa nhập từ châu Âu gồm có: Qillet (cẩm chướng), Panse'e (hoa bướm), Marquerite' (cúc vàng), Violette (hoa tím)... Khu trồng hoa lợp kính được chia thành luống đã tạo ra kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa. Giám đốc thuê mướn dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp vào làm vườn. Ban đầu, hoa trồng ở đây chỉ phục vụ những gia đình người Pháp trong các dịp sinh nhật, Quốc khánh Pháp hay tiệc tùng. Nhờ có vườn Bách thảo mà dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp biết gây giống các loài hoa mới vì trước kia họ chỉ trồng hoa nội: Mẫu đơn, huệ, hồng, sói, cúc vạn thọ, ngâu, thiên lý... Người đầu tiên trồng những giống hoa mới là hai ông: Phạm Hữu Tỉnh và Trịnh Văn Quang. Từ thú chơi hoa chậu với các loài truyền thống, dân chúng Hà Nội dần chuyển sang chơi hoa Tây cắm bình. Nhiều nhà còn sáng tạo khi cắm cành hải đường vào bình sứ Bát Tràng men xanh, loại men không khoe khoang, có chiều sâu làm tăng vẻ chín chắn, mặn mà của loài hoa này. Thập niên 30 thế kỷ trước, các loài hoa: lay ơn, thược dược, cúc, bướm... trở thành thú chơi ngày Tết ở Hà Nội.

Kể từ khi chợ hoa Tết họp ở Hàng Lược đến nay, chợ đã có lịch sử hơn 100 năm. Trong suốt hơn 100 năm, Tết nào Hà Nội cũng mở chợ hoa. Ngay trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội bằng không quân, chợ hoa Tết họp tản ra các phố xung quanh nhưng trung tâm vẫn là Hàng Lược. Chỉ duy nhất một năm chợ không họp, đó là Tết Đinh Hợi năm 1947. Khi đó chiến sự đang diễn ra trên phố phường Hà Nội giữa Trung đoàn Thủ đô và quân Pháp. Chợ hoa Tết hôm nay xuất hiện khắp nơi trong thành phố, với đủ các loài hoa nhưng nhiều người vẫn chọn chợ hoa Hàng Lược. Không chỉ mua hoa mà người đến đây còn được đắm mình trong không khí Tết mà các nơi khác không thể có được.

Nguyễn Ngọc Tiến
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật số 11+12+13+14+Số 3+4 (Chủ nhật)+Số 3 (Tháng)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cho-hoa-tet-va-thu-choi-hoa-a308603.html