"Đà Nẵng ngày bão giông" và câu chuyện hậu phương của bác sĩ nơi đầu chống dịch


Chủ nhật, 16/08/2020 | 12:44


Cùng sự kiện

Nghe tin chồng sẽ ở lại bệnh viện, làm nhiệm vụ trong 14 ngày cách ly, cô giáo Ngọc Uyển cấp tốc chuyển một số đồ cá nhân đến cổng rồi vội vã trở về.

Nghe tin chồng sẽ ở lại bệnh viện, làm nhiệm vụ trong 14 ngày cách ly, cô giáo Ngọc Uyển cấp tốc chuyển một số đồ cá nhân đến cổng rồi vội vã trở về. Khoảnh khắc vợ chồng chạm mặt, nhưng bị ngăn cách qua cánh cổng đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ Đà Nẵng ngày bão giông sau đó. 

“Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim”

Đây có lẽ là dòng bộc lộ cảm xúc ngọt ngào nhất trong cả bài thơ Đà Nẵng ngày bão giông do cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (SN 1970, giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng) nảy ra sau khoảnh khắc ghé thăm chồng sát giờ “giới nghiêm”.

Chồng chị là bác sĩ Trịnh Minh Thế (SN 1969), Trưởng khoa Gây mê hồi sức (bệnh viện C Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp suốt nhiều ngày qua. Ngày 24/7, liên quan đến ca bệnh Covid-19 mới, bệnh viện C Đà Nẵng phải tiến hành phong tỏa 14 ngày.

Cô giáo Ngọc Uyển tâm sự: “Hôm đó cũng như bao ngày khác, anh đến bệnh viện và theo lịch, chiều tối anh sẽ có mặt ở nhà để ăn cơm tối quây quần cùng cả gia đình. Nhưng, trưa hôm đó, anh gọi điện về, nói với tôi, bệnh viện sẽ phong tỏa trong 14 ngày, và anh sẽ ở lại cùng đồng nghiệp... Tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang, bởi, lúc đó, chưa biết tình hình dịch bệnh diễn biến ra sao. Anh cười và động viên tôi, xua tan nỗi lo lắng bằng những lời dặn dò cẩn thận”.

Từ trong “tâm dịch”, bác sĩ Thế cũng nhớ lại: “Biết lệnh phong tỏa khẩn không ai được ra khỏi bệnh viện, dường như khi cuộc gọi vừa kết thúc, vợ tôi đã cấp tốc mang một số đồ cá nhân đến cho tôi. Hai vợ chồng gặp nhau ở cổng, nhìn nhau nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn. Mặc dù đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn nhận thấy ánh mắt toát lên một nỗi lo lắng trên gương mặt cô ấy. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi. Trước khi cô ấy rời gót, tôi rút vội chiếc điện thoại, chụp tấm hình ghi lại khoảnh khắc này, định bụng, chờ hết dịch mới chia sẻ...”.

Khoảnh khắc 2 vợ chồng chạm mặt sát giờ "giới nghiêm"

Cũng từ giây phút xúc động trong tình thế “anh ở tiền phương, em hậu phương” ấy, cô giáo Ngọc Uyển đã sáng tác bài thơ Đà Nẵng ngày bão giông đúng ngày toàn thành phố áp dụng biện pháp cách ly xã hội, ngày 28/7.

Vốn là một giáo viên dạy môn xã hội, cô giáo Uyển cũng thường viết những bài thơ hay những dòng tản mạn mỗi khi xúc động về cuộc sống. “Tôi nảy ra tựa đề Đà Nẵng ngày bão giông ngay ngày có lệnh cách ly xã hội toàn thành phố, rồi cứ thế, những dòng thơ cứ theo mạch cảm xúc mà tuôn trào. Chỉ trong một tiếng với cảm xúc dạt dào, tôi đã viết xong, chia sẻ với bạn bè trên Facebook, và tôi cũng không ngờ được nhiều người đón nhận đến thế!”, chị bộc bạch. Sau khi bài thơ được chia sẻ, một người bạn của chị là nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu đã phổ nhạc.

Ở trong “tâm dịch”, bác sĩ Thế cùng những người đồng nghiệp vẫn đang tất tả với công việc hằng ngày, thực hiện sứ mệnh của những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu. Trong những phút giải lao ngắn ngủi, mỗi y, bác sĩ lại tìm cho mình cách giải tỏa, thư giãn riêng. Trưa hôm ấy, sau giờ ăn, đọc được bài thơ của cô giáo Uyển, vốn là tâm tình nhắn nhủ đến chồng và những người đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Quý Thiện (khoa Nội tiết tiêu hóa, bệnh viện C Đà Nẵng) đã vô cùng ấn tượng, vừa đàn vừa ngân nga ca khúc.

Clip bác sĩ Thiện thể hiện ca khúc được bác sĩ Thế chia sẻ lên mạng xã hội, đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác chỉ sau vài phút đăng tải. Bác sĩ Thế tâm sự, những ngày giữa tâm dịch, tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh lại đăng những bài viết chia sẻ, khích lệ tinh thần mọi người. Lời kết của bài hát cũng như những nhắn nhủ chân thành của hậu phương: “Ở trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...”.

Và clip này cũng là một trong những “liều thuốc tăng lực cho tinh thần” như vậy, tiếng hát nơi “tâm dịch” đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức, không chỉ bởi giọng hát mùi mẫn, không chỉ bởi tinh thần lạc quan nơi tuyến đầu chống dịch, mà còn bởi những ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng. Người ta hay nói, “những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến những trái tim”, những dòng thơ mộc mạc xuất phát từ cảm xúc chân thật của chính người đang trong “cuộc chiến không tiếng súng” đã tạo nên sức hút riêng.

Tiếp sau đó, rất nhiều bản “cover” xuất hiện trên Facebook như lời động viên gửi gắm đến các y, bác sĩ đang miệt mài chống dịch. Ca sĩ Phương Thanh cũng chia sẻ clip thể hiện ca khúc này với những dòng bộc bạch: “Là nghệ sĩ, tôi chỉ biết nói rằng, quá trân quý công sức của những chiến binh áo trắng thầm lặng, ngày đêm chiến đấu, hy sinh cho chúng ta sự bình yên và phải vào ngay phòng thu hát thật tình cảm ca khúc cổ vũ”.

Giữ nhịp trong ngôi nhà lặng lẽ

Từ ngày bác sĩ Trịnh Minh Thế ở lại bệnh viện, ngôi nhà như lặng lẽ hẳn đi. “Bình thường, ban ngày, ông xã đi làm rồi sẽ về ăn cơm tối cùng cả nhà, chuyện trò, bông đùa với các con. Bỗng dưng vắng anh, không khí trong gia đình cũng như lặng lẽ hơn, buồn hơn nhiều. Bữa cơm chỉ còn tôi với tụi nhỏ và bà nội của tụi nhỏ. Tôi cũng cố gắng tìm những câu chuyện để giỡn, mang đến tiếng cười, để bầu không khí bớt trầm... Trước đây, thỉnh thoảng anh có đi công tác, học hỏi kinh nghiệm, nhưng cũng chỉ đi dăm ba hôm lại về, chưa lần nào lâu như lần này, anh không về nhà. Và cũng chưa biết, khi nào cuộc chiến mới kết thúc, anh mới trở về...”, chị Uyển trầm tư khi nhắc đến những ngày hai vợ chồng đang sống cùng một thành phố mà như xa cách nghìn trùng.

Mặc dù đây là chuyến “công tác” dài ngày nhất của ông xã, nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn, khi bây giờ đã có công nghệ hiện đại kết nối mỗi ngày: “Ông xã có thể tranh thủ gọi về nhà một chút vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn. Mỗi lần, anh đều không quên hỏi thăm và dặn dò cả nhà phải hết sức tuân thủ những biện pháp đảm bảo an toàn. Anh vẫn bảo: “Ở trong này nguy hiểm, nhưng bên ngoài không kém nguy cơ”.

Mỗi lần, các con tôi lại tíu tít hỏi thăm ba. Nhất là đứa út, ngày nào cũng luôn miệng hỏi: “Sao ba lâu về thế?”, “Khi nào ba mới về?”... Rồi khi nói chuyện với ba, con lại hỏi thăm đủ thứ chuyện: “Ba ở trong đó có ăn uống đầy đủ, đúng bữa không?”, “Ba có nhớ con không?”... Hỏi han nhiều là vậy, nhưng con cũng không quên dặn ba giữ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ”.

Chị Uyển chia sẻ, ngay từ giây phút biết bệnh viện sẽ phong tỏa, và anh sẽ ở lại phía trong, lòng chị không tránh khỏi lo lắng, nhưng tuyệt nhiên không thể hiện một lời. Chị sợ mình tỏ ra lo lắng, sẽ chỉ khiến anh phân tâm trong cuộc chiến này.

Gia đình anh chị sinh được ba người con, cô con gái lớn và cậu con trai thứ hai “thần tượng” ba, muốn đi theo sứ mệnh của những chiến binh áo trắng. “Năm nay, con gái cả của tôi sẽ thi tốt nghiệp trường đại học Y Dược - đại học Huế, còn con trai thứ hai thì đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến cũng lựa chọn ngành y. Chỉ tiếc, các con đều bị lùi lịch thi vì dịch bệnh.

Con gái cũng lớn rồi nên tôi đỡ lo, còn cậu con trai thứ hai, lúc biết tin con sẽ phải thi vào đợt sau, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì một phần có thể kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe; và thi đợt sau, con có thể tham khảo đề thi chính thức để đánh giá tương đối độ khó của đề thi... Nhưng tôi cũng lo vì việc chờ đợi quá lâu cũng gây áp lực cho con, nhiều bữa, con bảo: “Con chỉ muốn được thi ngay lập tức, kết quả thế nào cũng được!”. Nghe vậy, tôi chỉ biết động viên con, biến áp lực thành động lực”.

Mỗi ngày, sau những giờ làm việc căng thẳng, bác sĩ Thế lại tranh thủ chia sẻ, cập nhật những thông tin tích cực từ “tâm dịch”, để khơi dậy niềm lạc quan trong mỗi đồng nghiệp, để nhắn nhủ với gia đình và cả hàng triệu người Việt Nam: “Chúng tôi vẫn vững vàng giúp bệnh nhân thoát khỏi hiểm nguy, mong muốn bên ngoài hãy tỉnh táo, tuân thủ các biện pháp cách ly, giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... Mong đến ngày chúng ta lại có những lúc vui vẻ, thoải mái như xưa!”

Người mẹ hiền trấn an những đứa con cuối cấp

Không chỉ là hậu phương vững chắc cho bác sĩ Thế yên tâm chống dịch, không chỉ động viên hai con năm nay đứng trước những bài thi tốt nghiệp, cô giáo Ngọc Uyển cũng thường xuyên trò chuyện, trấn an học sinh của mình trước kỳ thi quan trọng. “Năm nay, tôi cũng chủ nhiệm lớp 12. Gần đến kỳ thi, Đà Nẵng lại trở thành địa phương thuộc diện nguy cơ cao, các con sẽ phải chờ đến đợt thi thứ hai. Việc đợi chờ không tránh khỏi những lo lắng, vì vậy, tôi vẫn thường xuyên nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ, động viên các con thật bình tĩnh, điều quan trọng là phải giữ sức khỏe để chiến đấu tốt trong kỳ thi sắp tới”. 

Bác sĩ Thế và đồng nghiệp trong "tâm dịch"

Đà Nẵng ngày bão giông

Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông!

Hàng triệu trái tim nghiêng mình về nơi ấy

Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại.

Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan.

Có một chiều anh nói phải xa em

Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại

Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái

Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim

Đà Nẵng hôm nay bỗng im ắng lạ thường!

Những con đường thôi ngóng người qua lại

Đôi mắt trĩu buồn vương màu ái ngại

Sau cánh cổng viện kia giông tố bão bùng.

Này những chiến binh áo trắng anh hùng!

Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng

Ở trong kia tất cả sẽ yên bình

Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh..

Cẩm Mịch

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật (số 32)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/da-nang-ngay-bao-giong-va-cau-chuyen-hau-phuong-cua-bac-si-noi-dau-chong-dich-a334794.html