Dấu chân của mẹ trên hành trình tình nguyện của thủ lĩnh xương thủy tinh


Thứ 2, 28/10/2019 | 12:30


Cùng sự kiện

Cái tên “Ngọc Tâm Thủy Tinh” dường như đã trở thành thương hiệu riêng của cô giáo xương thủy tinh với lớp học “5 không” đặc biệt.

Cái tên “Ngọc Tâm Thủy Tinh” dường như đã trở thành thương hiệu riêng của cô giáo xương thủy tinh với lớp học “5 không” đặc biệt. Một nữ thủ lĩnh tình nguyện luôn nở nụ cười trên môi với suy nghĩ sống tích cực, truyền cảm hứng cho bao người. Đồng hành cùng chặng đường của Ngọc Tâm, là dấu chân lặng lẽ và trái tim ấm áp của một người mẹ vô cùng mạnh mẽ.

 Vì con là “thanh xuân” của mẹ

Cô giáo Ngọc Tâm được biết đến như “người mẹ hiền thứ hai” của các em nhỏ trong lớp học “5 không” đặc biệt: “Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí” tại Yên Quang, Ý Yên, Nam Định. Suốt 15 năm qua, bằng tình yêu con trẻ và khát khao sống có ích cho cộng đồng, Ngọc Tâm đã gieo mầm tri thức cho bao thế hệ học trò nơi đây.

Ngày đó, giây phút Ngọc Tâm cất tiếng khóc chào đời chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất đối với gia đình cô. Nhưng niềm vui, hân hoan đón chào thành viên mới chưa được bao lâu thì đã nhanh chóng thay thế bằng sự lo lắng, hoang mang của người mẹ trẻ khi phát hiện một chân của con gái bị quặp ngược lên bụng.

Nhìn cô con gái bé bỏng đau ốm, gãy xương liên miên, ở viện nhiều hơn ở nhà, lòng người mẹ ấy lúc nào cũng như có lửa đốt. Bác sĩ cho biết, phải đợi đến khi Tâm hơn 2 tuổi mới có thể can thiệp phẫu thuật chân. Thế nhưng, khi ca phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Thụy Điển kết thúc, cũng là lúc tin dữ chính thức ập đến với gia đình: Ngọc Tâm được xác định bị xương thủy tinh.

Ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn gỗ, bà Sự (mẹ của Tâm) mở đầu câu chuyện: “Người mẹ nào chẳng mong con mình khỏe mạnh. Bởi thế, lúc ôm con trong vòng tay, biết con bị bệnh như vậy, tôi cũng đã chịu một cú sốc lớn. Nhưng lâu rồi cũng quen dần, tôi xác định “sống chung với lũ”, tôi cũng không còn nhớ được ngày tháng đã trôi qua bằng cách nào, chỉ biết, sóng gió đến đâu thì đương đầu đến đó...”.

Mẹ luôn là người đồng hành cùng Ngọc Tâm trên mọi chặng đường.

Thời điểm ấy, người mẹ trẻ còn chưa đến 30 tuổi đã phải xin nghỉ công việc hành chính tại trường cao đẳng Xây dựng Nam Định. “Lúc tôi sinh Ngọc Tâm, con trai lớn vừa mới lên 5 tuổi cũng hay ốm vặt, Tâm thì gãy xương liên tục, phải bó bột nên tôi thực sự không yên tâm nhờ ai, mà ngày ấy, đồng lương hạn hẹp, lại phải lo đủ thứ.

Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc, gia đình chuyển từ thành phố về sống cùng ông bà ngoại để tiện chăm sóc. Đưa con đi bệnh viện như cơm bữa nên chúng tôi đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, cứ vay chỗ này lại đập chỗ kia, gia đình tôi lúc đó đúng chuẩn là “hộ nghèo bền vững” luôn.

Khi tôi nghỉ việc cũng là lúc gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai chồng tôi, nhưng anh vẫn luôn tỏ ra cứng rắn, động viên tôi mỗi ngày. Có lẽ, nhờ anh mà tôi cũng trở lên mạnh mẽ hơn...”, bà Sự bộc bạch.

Quả thực, bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, một người mẹ kiên cường. Ngoài kia, có biết bao người mẹ rơi nước mắt khi con gặp những điều không may mắn, nhưng người mẹ ấy chưa từng rơi một giọt nước mắt hay “than thân trách phận” một lời nào. Với bà, nụ cười chính là ngọn lửa thắp sáng hy vọng cho cả gia đình.

Có lẽ, cô con gái bé nhỏ cũng thừa hưởng sự lạc quan cuả mẹ, mỗi khi cơn đau hành hạ, khi toàn thân ê ẩm vì gãy xương, cũng không nũng nịu hay bật khóc vì đau.

 Đôi chân của thủ lĩnh xương thủy tinh

“Mẹ luôn là người bạn đồng hành, vì con không thể đi lại được”, bà Sự mỉm cười trìu mến, nhẹ nhàng vuốt mái tóc cô con gái đang ngồi bên cạnh.

Miền ký ức từ hơn 20 năm trước như bỗng dội về trong tâm trí của người mẹ, đó là những ngày mẹ lạch cạch đưa con trên chiếc xe đạp đến trường. Biết con gái hiếu học, cả gia đình đều ủng hộ Ngọc Tâm đến trường. Hành trình đến trường của Tâm là sự cần mẫn đưa đi đón về mỗi ngày 4 lượt. Vì xương của cô chỉ cần đụng nhẹ là gãy, bố Tâm phải hàn một chiếc ghế trên chiếc xe đạp riêng, đệm thêm hai chiếc gối êm để con gái ngồi cho thoải mái. “Những hôm trời nắng ráo thì đất đá gồ ghề, mẹ phải đạp xe thật chậm vì sợ con đau; những hôm trời mưa gió thì mẹ cẩn thận dắt bộ xe đạp suốt quãng đường vì sợ trượt ngã”, Ngọc Tâm kể.

Bà Sự nhớ lại: “Những lần con bị gãy chân nhiều không đếm xuể, thậm chí, đi đến bệnh viện bó bột mà bác sĩ còn quen mặt luôn. Có bác sĩ còn trêu: Hai mẹ con chuyển nhà lên đây ở để đi viện cho gần”.

Tuổi thơ của Ngọc Tâm gắn liền với bệnh viện. Bà Sự vẫn còn nhớ như in, mỗi dịp hai vợ chồng lục tục đưa Ngọc Tâm lên bệnh viện Nhi Thụy Điển để điều trị, phải đưa xe đạp lên tàu hỏa, rồi hành trình lên đến Ga Hàng Cỏ hồi đó (nay là Ga Hà Nội) cũng hết nửa ngày. Sau đó, bố lại lạch cạch đạp xe, đèo theo mẹ ôm Ngọc Tâm trong lòng đến bệnh viện.

Mỗi đợt điều trị của Ngọc Tâm tại bệnh viện Nhi Thụy Điển thường kéo dài khoảng 7-10 ngày. “Thuở ấy, Hà Nội vẫn còn đơn sơ lắm, làm gì đã có nhà trọ như hiện nay, tối đến, con nằm trên giường bệnh thì mẹ cứ nằm ngay ở dưới nền phòng bệnh để túc trực. Còn bố thì cũng phải về nhà lo công việc nữa”, bà Sự giãi bày.

Đến nay, khi cô con gái đã 29 tuổi, bà Sự vẫn luôn là đôi chân đưa con đi thực hiện những niềm đam mê của mình. Bất kể Ngọc Tâm đi đến đâu, cũng luôn là mẹ đồng hành, nâng niu và chắt chiu những kỷ niệm cùng con gái.

Hiện tại, ngoài việc trở thành cô giáo dạy học miễn phí tại một lớp học đặc biệt, xây dựng một không gian đọc, một quỹ học bổng đều mang tên Ngọc Tâm Thủy Tinh, cô còn được biết đến như một thủ lĩnh tình nguyện hài hước, dí dỏm, là một người truyền cảm hứng cho trẻ em và người khuyết tật. Cô khẳng định: “Chuyến hành trình con đi, in dấu chân của mẹ. Âm thầm và lặng lẽ, mẹ cho con cuộc đời!”.

 Nụ cười phía sau thành công của con

Với tính cách hài hước, lạc quan, yêu đời và sở thích viết lách, thủ lĩnh tình nguyện xương thủy tinh trở thành chủ nhân của không ít giải thưởng của các cuộc thi viết trên báo chí. Cô cũng đã được vinh danh “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2018” cho những nỗ lực vượt lên số phận vì học sinh, vì cộng đồng. Gần đây nhất, lớp học do cô sáng lập đã đạt giải “Cống hiến vì cộng đồng” giải thưởng Thanh niên kiến tạo toàn quốc năm 2019.

Phương châm sống: “Không quan trọng mình sống bao lâu. Quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào” của Ngọc Tâm đã chạm đến rất nhiều trái tim, mang đến những thông điệp thực sự ý nghĩa, những năng lượng tích cực cho những người yêu mến cô.

Là thành viên của cộng đồng tình nguyện, được làm những điều ý nghĩa, cuộc sống của cô giáo xương thủy tinh cũng trở nên hạnh phúc hơn, đặc biệt, khi ngày càng có nhiều học trò trưởng thành, ngày càng có nhiều bạn bè chia sẻ, ngày càng truyền cảm hứng, lan tỏa được đến nhiều người. Mỗi ngày như thế với Ngọc Tâm là một ngày hạnh phúc.

Nhìn thấy con rạng rỡ nụ cười, bà Sự còn vui hơn chính bản thân Ngọc Tâm. Niềm vui của con gái đối với bà như được nhân lên hàng trăm, hàng nghìn lần.

Bà tâm sự: “Khi mọi người biết đến Ngọc Tâm, có những người vượt hàng trăm cây số chỉ để về nhà gặp gỡ và trò chuyện với con, tôi cảm thấy thực sự tự hào. Đúng là trời không lấy đi của ai tất cả! Có người đã từng nắm tay tôi mà bảo: “Ngọc Tâm đúng là một món quà! Biết bao người khỏe mạnh còn không thể làm được những điều đẹp đẽ như Ngọc Tâm!”. Tôi nghe cũng thấy hạnh phúc trong lòng, vì ít nhiều, nói là cống hiến cũng không phải, nhưng con cũng đã làm được những gì con mơ ước”.

Cô gái 29 tuổi với dáng hình trẻ thơ không ngần ngại bày tỏ: “Con tuy không phải một đứa con gái hoàn hảo, nhưng con sẽ cố gắng sống hoàn hảo theo các riêng của mình để bố mẹ thấy con sống từng ngày thật ý nghĩa - Đó là những lời tôi muốn gửi đến những bậc sinh thành. Đặc biệt, với mẹ, người chăm chút cho tôi từng nếp sinh hoạt, mọi việc trong gia đình đều đến tay mẹ, mẹ đã thực sự vất vả. Người mẹ nào cũng vĩ đại, nhưng mẹ tôi không chỉ vất vả chăm con những năm tháng ấu thơ mà tới tận bây giờ mẹ vẫn chăm sóc tôi như thuở bé. Mẹ đã hy sinh cho tôi cả cuộc đời.

Khi tôi bị hẹp khí quản, gặp vấn đề về hô hấp, phải ngủ ngồi cả tháng, tựa lưng vào gối, trong giấc ngủ chập chờn, mẹ vẫn luôn ở bên, luôn sẵn sàng mỗi khi tôi tôi cần. Quá khứ, hiện tại, hay tương lai thì mẹ vẫn sẽ luôn là người bạn đồng hành với tôi trên mọi chuyến hành trình. Có mẹ là là điều tuyệt vời nhất trên đời này!”.

Cẩm Mịch

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-chan-cua-me-tren-hanh-trinh-tinh-nguyen-cua-thu-linh-xuong-thuy-tinh-a298641.html