Độc chiêu "tắm tiên" giữa sông Hồng trong giá rét của những cụ ông 80 tuổi để rèn sức khỏe


Thứ 4, 04/12/2019 | 11:59


Cùng sự kiện

Bất kể những ngày mưa nắng, thậm chí có hôm nhiệt độ hạ sâu, nhiều cụ ông ở Hà Nội vẫn tới bãi đất bên bờ sông Hồng, cởi bỏ quần áo và nhảy ùm xuống sông để "tắm tiên"..

Bất kể những ngày mưa nắng, thậm chí có hôm nhiệt độ hạ sâu, nhiều cụ ông ở Hà Nội vẫn tới bãi đất bên bờ sông Hồng, cởi bỏ quần áo và nhảy ùm xuống sông để "tắm tiên".

Bất chấp giá rét nhiều người vẫn nhảy ùm ùm xuống sông tắm - Ảnh: Gia đình Việt Nam

Với những người nghiện tắm sông thì họ tin rằng tắm sông mỗi ngày sẽ mang lại sức khỏe và gột rửa được những nhọc nhằn nơi phố thị.

Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, ông Trần Văn Nhất, 82 tuổi, người có thâm niên 30 tắm khỏa thân cho biết: "Chúng tôi tắm quanh năm, chỉ nghỉ có 3 ngày Tết thôi. Lạnh thế này ăn thua gì, có lạnh nữa thì vẫn cứ tắm bình thường vì nó ăn sâu vào máu rồi không thể bỏ được. Ngày nào mà không ra sông tắm được là thấy chân tay ngứa ngáy, khó chịu lắm.”

Trước khi cởi bỏ bộ quần áo, nhảy xuống sông, các ông thường làm ấm cơ thể bằng một cốc trà nóng và một số động tác khởi động.

Năm nay đã 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Đăng vẫn leo bộ 4 tầng nhà, sử dụng điện thoại thông minh. Theo ông, một trong những biện pháp giúp ông có sức khoẻ đó là do thói quen tắm sông suốt hơn 20 năm của mình.

Đều đặn mỗi buổi chiều ông lại đạp xe từ nhà ở (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra bãi tắm sau đó bơi khoảng 2 tiếng. Hết bơi ếch rồi bơi sải, ông Đăng bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia rồi lộn lại, mỗi vòng tầm 2km, bơi khoảng 2-3 vòng như thế, tổng cộng khoảng 6km. Cùng với đó, ông Đăng còn chơi thêm cả cầu lông, bóng bàn. Vì thế dù đã ở tuổi 80 nhưng cơ thể ông vẫn hồng hào như người trung niên.

Dù đã 80 tuổi nhưng ông Đăng vẫn rất khỏe mạnh - Ảnh: Gia đình Việt Nam

Chia sẻ với Dân Trí, ông Lê Đức Lâm, 69 tuổi, một người thường xuyên tới bơi lội cho biết, sức khỏe bản thân cải thiện rõ rệt sau khi đến đây.

“Tắm ở sông Hồng, tôi chưa bao giờ mắc bệnh ngoài da hay ngứa ngáy. Tôi nghĩ nước ở đây khá sạch sẽ”. Đối với ông Lâm, những buổi “tắm tiên” dưới cây cầu Long Biên lịch sử 115 năm cũng là cách giúp mọi người thoát khỏi sự xô bồ, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, tìm phút giây thư giãn với người cùng sở thích.

Những người đến tắm ở đây đa phần là người già đã về hưu, họ tắm để luyện sức khỏe, một phần cũng vì đam mê bơi lội. Nhiều người trong số họ là thành viên của hội “yêu sông Hồng”.

Cận cảnh bãi "tắm tiên" ở sông Hồng - Ảnh: Infonet

Theo Th.BS Võ Tường Kha (bệnh viện Y học thể thao Việt Nam), những người tập được thói quen tắm nước lạnh mùa đông không nhiều, và họ cần phải tập luyện rất lâu để thích nghi. Khi đã tắm quen thì sẽ giúp cơ thể miễn dịch, sức khoẻ dẻo dai… Nhưng thói quen này rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được cơ thể. Bởi vì khi khoẻ tắm sẽ không sao, khi yếu sẽ có nguy cơ tai biến co thắt mạch máu não và tim dẫn đến đột quy.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, những người rèn luyện được thói quen tắm nước lạnh vào mùa đông không hiếm, nhưng họ đều là người có sức khoẻ tốt, biết luyện tập để cân bằng với môi trường nước lạnh. Nếu luyện được tắm nước lạnh vào mùa đông sẽ giúp cơ thể hoà đồng được với cái lạnh, ít bị cảm lạnh, sức đề kháng mạnh lên... Nhưng trước khi tắm nên tập thể dục, khởi động cơ thể để tránh bị lạnh đột ngột, chống co mạch..

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-chieu-tam-tien-giua-song-hong-trong-gia-ret-cua-nhung-cu-ong-80-tuoi-de-ren-suc-khoe-a303331.html