Người Việt thấp: Các chuyên gia tư vấn muốn cao phải làm gì?


Thứ 3, 26/09/2017 | 13:18


Trong vòng 34 năm qua, chiều cao nam giới Việt Nam chỉ tăng 4,4cm và nữ giới tăng 3,4cm, đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Trong vòng 34 năm qua, chiều cao nam giới Việt Nam chỉ tăng 4,4cm và nữ giới tăng 3,4cm, đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Sáng 26/9, Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao. Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Đông - Nam Á, hiện nay nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4cm; đồng thời nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6cm.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Trong khi đó, chiều cao trung bình trên thế giới là 171cm (nam) và 159cm (nữ). Nếu xếp hạng trong khu vực châu Á thì chiều cao của người Việt Nam ngang với Indonesia, Myanmar nhưng thấp hơn so với Singapore, Nhật, Thái Lan và Malaysia.

Lý giải thực trạng này, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao trẻ em Việt, trong đó 5 yếu tố chính là di truyền, dinh dưỡng, tập luyện thể thao, bệnh tật và giấc ngủ.

Theo BS Sơn, kết quả nghiên cứu đăng tại Scientic American chỉ ra rằng khoảng 60-80% chiều cao khi trưởng thành là do yếu tố di truyền quyết định. Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành.

"Ảnh hưởng của yếu tố gen lên chiều cao sẽ tăng dần theo tuổi và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi vị thành niên, quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái", TS. BS Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng cũng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chiều cao của trẻ em. BS Trương Hồng Sơn thông tin, bước đầu tiên để giúp trẻ đạt được chiều cao tối ưu cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ protein, đặc biệt từ thịt nạc, đậu nành, cá và các sản phẩm từ sữa. Những loại protein này sẽ giúp cơ thể phát triển, làm chắc khỏe xương và kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ gồm canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin K2 cùng một số khoáng chất khác.

Vận động là việc cần thiết giúp cơ và xương chắc khỏe, duy trì cân nặng hợp lý và kích thích tăng tiết hóc môn tăng trưởng (HGH) như các bài tập xây dựng sức mạnh cơ bắp, chống đẩy, yaga, nhảy dây hoặc đạp xe đập.

BS Sơn cho biết thêm, ngoài ra, một số bệnh lý ảnh hưởng đến phát triển chiều cao như bệnh truyền nhiễm, nhiễm giun sán, bệnh đường hô hấp mạn tính....Hay thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc cũng là yếu tố ức chế quá trình sản sinh HGH, hạn chế khả năng phát triển chiều cao của người Việt.

Liên quan đến việc phát triển chiều cao cho thế hệ trẻ Việt Nam, cũng tại buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã cập nhật vai trò một số vi chất dinh dưỡng với tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. Theo đó, ngoài các vi chất dinh dưỡng được biết đến phổ biến như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D thì vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhưng thường ít được biết đến.

Các nhà khoa học trong hội thảo đã thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ: Để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.

Theo các chuyên gia, vì một tương lai trẻ không bị suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thấp còi, các bậc phụ huynh cần lưu ý cải thiện khẩu phần ăn hàng ngày, bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ gồm khoáng chất như sắt, kẽm, canxi; vitamin A, D, K2…đặc biệt là trong vòng 1000 ngày đầu đời, cũng như giai đoạn thiếu niên và vị thành niên. Dinh dưỡng tốt phối hợp với một chế độ rèn luyện thể lực một cách phù hợp, môi trường sống sạch sẽ, ít bệnh tật sẽ giúp cho trẻ có cơ hội phát triển chiều cao.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-viet-thap-cac-chuyen-gia-tu-van-muon-cao-phai-lam-gi-a203123.html