Chuyện tình mộc mạc của chàng thương binh nặng và nữ điều dưỡng xinh đẹp


Thứ 6, 12/03/2021 | 08:27


Cùng sự kiện

Vì thương tật tưởng chừng anh thương binh 21 tuổi sẽ phải chọn sống lẻ loi trọn đời, nhưng bất ngờ chàng thương binh gặp một cô điều dưỡng trẻ...

Bị thương ngay trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chàng thương binh 21 tuổi được chuyển qua nhiều bệnh viện rồi trở về an dưỡng tại trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Vì thương tật tưởng chừng anh sẽ phải chọn sống lẻ loi trọn đời, nhưng bất ngờ chàng thương binh gặp một cô điều dưỡng trẻ, đầy sự cảm thông và thấu hiểu. Và rồi, họ cùng viết nên một mối tình đẹp như cổ tích...

Mỗi khi “trái gió trở trời”, bà Loan lại ngồi xoa bóp cho ông Bách.

 Định không lấy vợ thì lại nên duyên

Đó là câu chuyện tình yêu rất ly kỳ của ông Đinh Văn Bách (SN 1954) và bà Nguyễn Thị Loan (SN 1958) trong những năm tháng độc lập đầu tiên của đất nước.

Sinh ra và lớn lên tại “quê lúa” Thái Bình, năm 1972, chàng thanh niên Đinh Văn Bách theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện ngoài Bắc anh vào chiến trường miền Nam. Trải qua muôn vàn gian khổ của lửa đạn chiến tranh, cùng đồng chí, đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ. Ngày 10/4/1975, Đinh Văn Bách nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia “trận đánh cuối cùng”.

Ông Bách bồi hồi nhớ lại: “Đến sáng ngày 29/4, nhận nhiệm vụ cùng các đơn vị khác “mở cửa” cho binh đoàn lớn, chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong lúc cùng đồng đội vác súng truy kích địch thì bất ngờ, tôi bị một mảnh đạn pháo làm bị thương. Tôi còn nhớ, đó là vào khoảng 9h sáng và tôi lịm đi...”.

Bị thương nặng ngay trước ngày Giải phóng miền Nam, Đinh Văn Bách được điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Đến giữa năm 1976, anh được chuyển về trại Thương binh 1, nay là trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh).

Chính tại nơi đây, chàng trai bất ngờ gặp nữ điều dưỡng xinh đẹp, dịu hiền, tên là Nguyễn Thị Loan. Từ giây phút đó, chàng thương binh đã cảm mến nữ điều dưỡng và mong muốn được trò chuyện, kết duyên cùng. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Loan nhập ngũ từ tháng 4/1975, năm 1978, Nguyễn Thị Loan trở về làm điều dưỡng, chăm sóc cho những thương binh nặng. Từ những ánh mắt, cử chỉ quan tâm nhỏ họ dần đến với nhau trong niềm vui của những người chứng kiến.

Nhắc lại chuyện tình cảm những ngày mới bắt đầu, bà Loan đã 62 tuổi, vẫn không giấu nổi sự ngại ngùng: “Cũng chẳng biết là vì sao, có lẽ là do duyên số! Mình là bộ đội, anh cũng là bộ đội... Không gặp nhau ở chiến trường mà lại được gặp nhau ở đây, âu cũng là ý trời. Tôi cảm mến con người anh Bách nên đã quyết định tiến tới”.

Hạnh phúc sau tháng ngày lửa đạn

Vốn là một người lạc quan, trong suốt hơn 40 năm qua, ông Bách vẫn luôn mang đến nguồn động viên tinh thần cho người vợ hiền qua sở thích thơ ca và sự dí dỏm của mình, có lúc cao hứng, ông lại ngâm những vần thơ cho vui cửa vui nhà.

Ngồi bên cạnh chiếc xe lăn của ông Bách, bà Loan vừa tỉ mẩn xoa bóp đôi chân của chồng, vừa nhẹ nhàng thổ lộ: “Khó khăn đến với chúng tôi cũng không phải là ít, nhất là trong thời kỳ bao cấp... Chúng tôi lăn lộn đủ nghề để mưu sinh. Những khi khó khăn quá, tôi lại tự nhủ: “Mặc dù điều kiện của mình không được bằng ai, nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn hơn mình nhiều...”, thế là lại tận hưởng hạnh phúc riêng...”.

Mảnh đạn pháo năm xưa đã cướp đi của người thương binh Đinh Văn Bách nhiều điều, nhưng đối với ông, đó vẫn là một sự may mắn.

“Trong khi có biết bao đồng đội ngã xuống, để bảo vệ Tổ quốc thì tôi vẫn còn sống! Ngay từ lúc tỉnh lại, không biết mình có bị thương nặng hay không, nhưng biết mình bị thương tức là biết mình vẫn còn sống, còn may mắn hơn nhiều người, vẫn còn có thể trở về quê hương gặp người thân, đoàn tụ với gia đình... Ấy vậy là mừng lắm rồi! Tôi thầm cảm ơn những người đồng đội đã che chở cho tôi, có ngày trở về, được tiếp tục sống trong thời bình...”, ông nghẹn ngào.

Lúc trở về an dưỡng tại trung tâm, ông Bách vẫn còn nặng tâm lý không muốn lập gia đình, có lẽ vì ông không muốn mình sẽ trở thành “gánh nặng” cho bất kỳ người phụ nữ nào.

“Ban đầu, tôi cũng rất ngại, không có ý định xây dựng gia đình... Ở cùng các chú, các bác lớn tuổi, ai cũng động viên tôi còn trẻ thì nên xây dựng gia đình để có vợ, có chồng cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Đến khi gặp bà nhà, tôi cũng cảm mến cô điều dưỡng không ngại khó, không ngại khổ, tận tâm chăm sóc. Tôi tâm sự, thổ lộ hết, cuối cùng thì “ưng bụng” nên quyết định xây dựng năm 1978...”, ông giãi bày.

“Quyết định xây dựng gia đình, tuy cuộc sống khó khăn chồng chất, nhưng hai vợ chồng biết bảo ban nhau, nên có khó khăn đến mấy vẫn có thể vượt qua, chẳng bao giờ phải “nặng nhẹ” với nhau... Đối với tôi, đó đã là hạnh phúc lắm rồi!”, ông nói thêm.

Trong ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người về một mái ấm hạnh phúc suốt hơn 40 năm qua, tình cảm của người vợ hiền cùng chứng kiến những đứa con khôn lớn, giống như một “món quà” bù đắp phần nào cho nỗi đau và sự mất mát của ông Bách trong cuộc chiến hào hùng năm xưa.

Một hạnh phúc bình dị sau biết bao giọt mồ hôi, nước mắt và cả xương máu đã gửi lại nơi chiến tuyến, vẫn đang từng ngày nở bừng nơi mảnh đất bình yên.

Cẩm Mịch

 Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (72)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-moc-mac-cua-chang-thuong-binh-nang-va-nu-dieu-duong-xinh-dep-a322642.html