Chuyện vợ Việt - chồng Tây: Dạy con kết hợp Đông - Tây


Thứ 4, 27/09/2017 | 01:18


Cùng sự kiện

Những đứa con riêng, con chung của cặp vợ Việt - chồng Tây cũng được nuôi dạy theo nhiều cách khác nhau từ việc học cho đến ăn mặc, đi đứng, chào hỏi...

Từng đổ vỡ hôn nhân, những con người ở hai đất nước xa lạ tìm đến bên nhau, cùng vun đắp, xây dựng tổ ấm. Những đứa con riêng, con chung của họ cũng vì thế mà được nuôi dạy theo nhiều cách khác nhau từ việc học cho đến ăn mặc, đi đứng, chào hỏi...

Con anh, con tôi

Chị Đỗ Thị Thu Hương (SN 1980, quê Vĩnh Phúc) từng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Người chồng đầu tiên của chị sa vào con đường nghiện ngập, không chịu làm ăn, vì quá thất vọng, lại chịu cảnh nuôi con nhỏ một mình nên chị đã quyết định ly hôn.

Thu Hương hạnh phúc bên người chồng ngoại quốc.

Sau khi chia tay, chị Hương quyết định sang Malaysia học tiếng Anh với mục đích đi xuất khẩu lao động. Tại Malaysia, chị đã gặp được người chồng hiện tại của mình, anh là Alain Guillou (SN 1963, người Pháp). Quen nhau từ năm 2011 nhưng phải đến ngày 18/7 vừa qua, họ mới chính thức hoàn tất thủ tục kết hôn dù đã có với nhau một cậu con trai 21 tháng tuổi.

Sau ngày kết hôn, chị Hương cùng con trai riêng của mình đã bay sang Pháp để sinh sống cùng chồng. Ở nơi đất khách quê người, chị không tránh khỏi những lo lắng khi bắt đầu cuộc sống con anh, con tôi.

“Tôi cứ lo mình đi bước nữa sẽ khiến con trai chịu thiệt thòi, thế nhưng từ lúc quen đến lúc kết hôn, Alain luôn coi con trai tôi như con đẻ, đó cũng là điều khiến tôi mềm lòng và đến bên anh. Dù làm bất cứ việc gì Alain cũng luôn nghĩ cho con riêng của tôi. Lúc nào anh cũng sợ bé tủi thân, thậm chí lo cho con tôi còn hơn cả David (con trai chung của chị Hương và anh Alain –PV)”, chị Hương tâm sự.

Theo lời của chị Hương, chồng chị cũng có hai cô con gái riêng, đều đã lớn khôn, không sống cùng cha mẹ. Bởi vậy, chị không có nhiều áp lực trong việc nuôi dạy con riêng của chồng. Tuy nhiên, người phụ nữ này khá căng thẳng trong việc nên nuôi dạy con chung theo phương pháp nào. Bởi vậy, chị và chồng cũng đã có những lần bàn bạc về việc nuôi dạy con kiểu Tây hẳn hay kết hợp nửa Tây nửa Việt.

Chị Hương kể: “Vì công việc nên anh đi công tác thường xuyên, việc chăm sóc các con đều do tôi đảm nhiệm. Tuy nhiên, vì tôn trọng chồng nên mọi việc trước khi đi đến quyết định tôi đều thông qua anh. Còn những lúc chưa tìm được cách giải quyết hợp lý thì việc giữa hai vợ chồng xảy ra tranh luận là điều hết sức bình thường”.

Còn với chị Trần Lê Hồng Phước (hiện đang sinh sống cùng chồng và bốn người con- tính cả con riêng của chồng tại Canada), việc nuôi dạy con cái cũng từng gặp không ít khó khăn.

Chị Hồng Phước trải lòng: “Lúc sinh bé đầu lòng, tôi có nhờ mẹ đẻ sang trông cháu giúp, tuy nhiên tôi và mẹ thường xuyên có va chạm về cách nuôi dạy con. Cụ thể là chúng tôi không thống nhất được với nhau về việc nên dạy bọn trẻ theo cách của người Việt hay Canada. Mẹ tôi tuy sống ở Canada nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vì thế, mẹ muốn dạy cháu theo “chuẩn Việt Nam” như: Ăn uống phải có người bón, ngủ chung... Mẹ thường phàn nàn tôi: “Để con ngủ một mình nửa đêm con có vấn đề gì thì sao mình biết được”. Cứ thế mâu thuẫn giữa hai mẹ con ngày càng lên đỉnh điểm”.

Hành trình đi tìm sự đồng cảm

Với chị Hồng Phước, những ngày đầu sang quê chồng là điều khó khăn nhất với chị, đặc biệt là việc gần gũi với con trai riêng của chồng.

Người phụ nữ này bộc bạch: “Chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên khi gặp con của chồng, cậu bé phản kháng một cách quyết liệt, coi tôi là một người đã cướp mất tình yêu thương của bố. Cộng thêm, người vợ cũ của anh ấy còn coi tôi như một ô sin khi cứ đi đâu là lại mang con trai sang gửi tôi”.

Chị Hồng Phước và chồng luôn dạy con phải biết văn hóa của hai nước Việt Nam – Canada.

Chị Hồng Phước tâm sự, việc nuôi dạy con riêng của chồng không hề dễ dàng như chị tưởng tượng bởi cậu bé rất bướng, không chịu nghe lời: “Tôi từng làm trong môi trường giáo dục nên rất hiểu tâm lý của con trẻ, cậu bé này ban đầu gặp tôi vô cùng bướng bỉnh, hỗn láo. Năm 2015, bé học lớp 7, năm học có 192 ngày mà con nghỉ đến 112 ngày, 80 ngày còn lại là đi học muộn. Hễ ở nhà là chơi điện tử và thức đêm. Lúc đó, chồng tôi nói: “Em không cần bận tâm, cứ để con ở với mẹ đẻ”.

Thế nhưng, với cương vị là người mẹ kế và cũng hiểu được sự rạn nứt trong hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng một phần đến tâm lý, tính cách của con trẻ, tôi đã gặp mẹ ruột của cậu bé để nói chuyện. Tôi nói: “Nếu bây giờ không dạy con, sau này con sẽ không thể tốt nghiệp cũng không thể có một công việc và bạn gái”. Vậy là, kể từ đó mọi việc nuôi dạy con tôi một tay làm hết”.

Chị Phước đón con riêng của chồng về ở cùng, hàng ngày đưa đi học, đi kiểm tra sức khỏe rồi dặn con ăn uống, học tập, ngủ nghỉ đúng giờ. Từ một đứa trẻ bướng bỉnh, không nghe lời mẹ kế thì nay cậu bé 13 tuổi ấy đã tự giác học tập, sinh hoạt và trưởng thành hơn rất nhiều. Mẹ ruột của bé cũng rất ngạc nhiên và biết ơn chị Hồng Phước.

Đó là cách chị dạy con riêng của chồng, còn đối với con chung của chị và anh Alain Guillou, chị luôn muốn con mình có lối sống văn hóa giao thoa giữa hai quốc gia Việt Nam – Canada.

Trò chuyện với PV, chị Phước tỏ rõ niềm vui bởi phương pháp giáo dục con của mình và chồng giờ đây đã được mẹ ruột hưởng ứng: “Tôi là người Việt Nam nên cũng muốn cho ba đứa con ruột của mình hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của quê hương Việt Nam. Chính vì thế, tôi đã bàn bạc với chồng để các con được học cả hai thứ tiếng và cũng học nền văn hóa tốt đẹp của hai đất nước. Biết quyết định của tôi, mẹ rất vui”.

Hằng ngày, chị Phước kiên trì dạy cho các con về văn hóa, cách ứng xử của người Việt: “Nếu như ở phương Tây, cả người lớn và trẻ con khi gặp nhau đều vẫy tay nói xin chào. Thì tôi không dạy con như vậy, tôi thường bảo các con nếu gặp người Việt lớn tuổi hơn thì phải khoanh tay, cúi đầu chào hỏi lễ phép. Bên cạnh đó, tôi cũng dạy con nói tiếng Việt”.

Không chỉ kèm cặp con về lễ nghĩa của người Việt, chị Hồng Phước còn là người nấu cho con những món ăn Việt Nam, sưu tập các bộ trang phục truyền thống của dân tộc cho các con: “Khi tôi mặc cho con một bộ trang phục truyền thống, tôi thường giải thích rõ cho con về nguồn gốc, phong tục tập quán cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Các con ban đầu mơ hồ không hiểu, nhưng nhờ sự kiên trì chỉ bảo, con gái tôi cũng đã nói được tiếng Việt, đọc được tên một số bộ trang phục và ăn được món ăn Việt”.

Ngoài ra, trong gia đình chồng, chị Hồng Phước cũng giữ vai trò là một giáo viên, truyền đạt cho các con điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

“Chồng tôi là một người cha mẫu mực, cứ mỗi khi đi công tác về là lại ở bên quan tâm, chăm sóc các con từng chút một. Nhiều người Việt cứ nghĩ các gia đình ở trời Tây họ sống không tình cảm. Thế nhưng, được sống và trải nghiệm tôi thấy rằng họ cũng sống rất tình cảm, yêu thương lẫn nhau. Đó là phụ thuộc vào môi trường giáo dục của các thành viên trong gia đình”, chị Phước nói.

Còn với chị Thu Hương, cả con riêng và con chung, vợ chồng chị đều thống nhất là dạy nghiêm khắc nhưng cũng tràn đầy yêu thương. Anh chị đưa ra nguyên tắc bất di bất dịch là khi chồng dạy con thì vợ tuyệt đối sẽ không xen vào và ngược lại. Chị Thu Hương chia sẻ: “Con trai tôi đang tập nói, nên chúng tôi cũng đã bắt đầu lên kế hoạch dài kỳ trong việc dạy con. Hằng ngày, chồng tôi sẽ dạy con hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tôi dạy con tiếng Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Anh để con nghe và học nói theo”.

Không chỉ dạy con đa ngôn ngữ, chị Thu Hương còn dạy con gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam- Pháp, thông qua việc giới thiệu với con các món ăn truyền thống của Việt Nam, hay phương pháp chữa bệnh dân gian đơn giản của người Việt. Với cậu con riêng của mình, giờ đây chị Hương hoàn toàn yên tâm khi bé nhận được sự chỉ bảo của anh Alain.

Chị kể: “Chồng tôi sẽ dạy con nhẹ nhàng, sau đó đến mức cảnh báo và phạt như: Cấm con xem các chương trình con yêu thích, không được sử dụng iPad, điện thoại... Mỗi lần như thế, con rất nghe lời. Tới giờ, hai cha con lúc nào cũng quấn lấy nhau, chuyện gì con cũng tâm sự với ba Alain”.

Với chị Thu Hương hay Hồng Phước, dù cho việc nuôi dạy con anh con tôi hay con chúng ta cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, vất vả, đôi khi có cả những lúc tranh cãi. Tuy nhiên, những người phụ nữ ấy vẫn dung hòa được, họ mong muốn những đứa con của mình sẽ được tiếp thu, kế thừa và phát huy cả hai nền văn hóa.

Hoàng Bích

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-vo-viet---chong-tay-day-con-ket-hop-dong---tay-a203142.html