Có một người Đức là Việt Minh


Chủ nhật, 26/04/2020 | 01:15


Tháng 4/1954, ở chiến trường Điện Biên Phủ, nhiệm vụ gọi loa kêu gọi lính lê dương người Đức bỏ trốn đơn vị đầu hàng bộ đội Việt Nam đã được giao cho một người Đức.

Tháng 4/1954, chiến sự ở chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng ác liệt. Hàng vạn bộ đội vây quanh, áp sát quân Pháp nhưng có 1 công việc mà ngay cả người Việt thông minh, dũng cảm cũng không thể làm được, đó là gọi loa kêu gọi lính lê dương người Đức bỏ trốn đơn vị đầu hàng bộ đội Việt Nam.

Người làm gọi loa là trung tá QĐNDVN-Erwin Borchers (tên Việt là Nguyễn Chiến Sỹ). Vì gọi bằng loa sắt nên Borchers phải tiến sát hầm của quân Pháp và nói rất to để đám lính nghe rõ. Rất may, Borchers không bị trúng đạn pháo. Những lời kêu gọi do ông viết ra rất thuyết phục nên 123 lính lê dương người Đức, Áo đã bí mật dời công sự ra hàng.

Ngồi từ trái qua phải: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp); Đứng: Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schrôder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte).

Trong 1 trận chiến, chỉ thiếu 1 tay súng là sức mạnh trên chiến trường sẽ yếu đi, bên này yếu có nghĩa là bên kia mạnh lên, bớt 123 tay súng cũng có nghĩa là bộ đội ở Điện Biên Phủ bớt phần đổ máu.

Vì sao phải gọi loa kêu gọi lính Đức đầu hàng? Vì số lính lê dương người Đức ở chiến trường Điện Biên Phủ vào khoảng trên dưới 1.300 quân và họ là những binh lính có kỷ luật và ngoan cường trong chiến đấu.

Erwin Borchers sinh năm 1906 ở Strasburg Đức. Khi Hitler lên cầm quyền, Borchers là thành viên một nhóm tuyên truyền bí mật, in và rải truyền đơn chống nazi. Bị tố cáo và bị công an thẩm vấn, Borchers lánh sang Pháp, tiếp tục theo học đại học, tốt nghiệp cử nhân văn học và ngữ văn Đức năm 1936. Rồi sau đó Borchers bị đưa vào trại tập trung, tại đây, anh ký giấy đầu quân vào lê dương 1939 vì lý do chống Hitler.

Borchers sang Việt Nam năm 1941, đóng quân ở Quảng Ninh. Cuối năm này ông và những người bạn Đức cùng lý tưởng trong đội quân lê dương thành lập chi bộ cộng sản tại Việt Trì. Đầu năm 1942, Borchers lấy vợ, vợ ông là Lê Thị Kim, quê ở huyện Bình Lục (Hà Nam) lúc đó bán cà phê ở gần doanh trại ông đóng quân ở Quảng Yên.

Năm 1944, chi bộ này có cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư Trường Chinh trên 1 cánh đồng ở gần Hà Nội để rồi sau đó Borchers và những người bạn đào ngũ, phản bội lại nước Pháp đi theo Việt Minh. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không gọi họ là đào phản mà gọi họ là “người Việt Nam mới” và đặt cho mỗi người một cái tên Việt Nam.

Walter Ullrich là Hồ Chí Long, Georges Wchter là Hồ Chí Thọ, Frey là Nguyễn Dân, Borchers là Nguyễn Chiến Sỹ, Schrôder là Lê Đức Nhân...Năm 1947, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp là Paul Coste Floret đã yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trả những lính Pháp đã phản đào đang đứng trong hàng ngũ Việt Minh này nhưng Người khước từ bất chấp mọi lời đe dọa.

Vì họ đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở châu Âu nên Tổng Bí thư Trường Chinh tận dụng tri thức của họ phân họ làm các nhiệm vụ cần chuyên môn. Người làm biên tập ở Đài tiếng nói Việt Nam, người làm kỹ thuật vũ khí, Borchers mang quân hàm trung tá làm chính uỷ phụ trách tuyên truyền địch vận. Riêng Frey làm việc dưới quyền Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Frey tham gia nghiên cứu quân sự và tổ chức những lớp học quân sự cho quân đội.

Vì chức vụ này nên các bạn của Frey gọi ông là Gottôberst, tức là người ở bên cạnh Thượng đế. Vì phải xuống các đơn vị bộ đội, phải tiếp xúc và ở nhà dân nên họ ra sức học tiếng Việt. Chỉ trong thời gian ngắn, họ đã viết và nói khá ổn.

Với Borchers nhiệm vụ chính là biên tập các tài liệu tuyên truyền tiếng Pháp và tiếng Đức, và từ năm 1951 trở đi, phụ trách tuyên huấn cho khối tù binh Lê Dương người Đức. Bộ ba Borchers, Frey và Schrôder xuất bản tuần báo Nhân Dân (Le Peuple), kêu gọi tất cả những người thiện chí hãy ủng hộ nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phản đối việc tách Nam Kỳ ra khỏi chủ quyền Việt Nam.

Vì số người Đức đội quân lê dưong lên đến hàng vạn người nên Borchers cùng các bạn ông ấn hành tờ báo “Chiến hữu” bằng tiếng Đức đến năm 1950, báo đổi tên thành “Trở về”. Báo in ra được giao cho du kích mang rải xung quanh đồn địch.

Tết năm 1948, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi hoàn thành và bản thu âm đầu tiên để phát trên sóng có công đệm đàn Banjo của Borchers-Nguyễn Chiến Sỹ và Schrôder-Lê Đức Nhân. Ông cũng giúp ông Hữu Ngọc về văn hóa Đức để ông dịch cuốn Truyện cổ Grimm.

Công lao, sự hy sinh, thuần phục cá tính vì giấc mơ kiến tạo một xã hội nhân bản của họ đã được thừa nhận trong hội thảo tại Viện Gớt ở Hà Nội cách đây gần 20 năm nhưng có một giá trị rất lớn mà bạn bè, đồng chí của ông chưa đề cập, đó là chuyện một nhóm lính lê dương người Đức đào ngũ theo Việt Minh gây chấn động quân đội Pháp vô tình đã thừa nhận cuộc xâm lược của Pháp là phi nghĩa, thế giới cần ủng hộ.

Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, vì những lý do nên một số cán bộ người Đức đã dời Việt Nam trở về Đông Đức vào năm 1951. Ở lại chỉ còn vài người trong đó có Nguyễn Chiến Sỹ. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 2/1954 bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp điều động: “Tôi cần anh làm nhiệm vụ này vì chỉ có anh mới làm được và làm tốt”.

Chia tay vợ con đang sống ở vùng Định Hóa (Thái Nguyên), Borchers đã cắt nhúm tóc của con gái đầu lòng là Nguyễn Hoàng Giang cho vào túi vì nghĩ có thể sẽ mãi mãi không trở về...

Từ trái sang phải: Dương Bạch Mai, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Trường Chinh, X, Georges Wchter / Hồ Chí Thọ, Rudy Schrôder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte).

Sau trận Điện Biên Phủ, Borchers về Hà Nội công tác ở bộ Thông tin. Ông được phân nhà ở số 7 ngõ Phan Chu Trinh. Cuối thập niên 50, ông làm phóng viên tại Phân xã của hãng Thông tấn Cộng hòa dân chủ Đức tại Hà Nội. Ông thân thiết với nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân với nhà văn hóa Hữu Ngọc. Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phạm Ngọc Thạch cũng rất quý mến ông vì chân thành, thẳng thắn.

Cuộc sống không bao giờ phẳng lặng, vì những lý do nên Borchers có ý định trở về châu Âu, song những cuộc ném bom của Mỹ bắt đầu ở miền Bắc mới là nguyên nhân vì Borchers ngán sợ chiến tranh, ông không kham nổi thêm một cuộc chiến tranh nào nữa.

Borchers muốn về sống ở nơi sinh ra là Strasbourg nhưng Strasbourg khi đó đã thuộc lãnh thổ của Pháp, mà đối với chính quyền Pháp ông là kẻ đào ngũ và phản quốc. Và năm 1966, cùng với vợ và 6 trong số 7 người con, Borchers về sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức...

Cô con gái đầu Nguyễn Hoàng Giang không về Đức cùng gia đình vì lúc này chị đang học ở Liên Xô. Cách đây vài năm, chị Nguyễn Hoàng Giang làm biên tập viên ở NXB Thế giới đã nghỉ hưu, gọi điện cho tôi bảo đã đọc cuốn “Me Tư Hồng” nên rất muốn tôi chấp bút viết về cuộc đời của cha chị.

Cuộc đời của Borchers-Nguyễn Chiến Sỹ thật kỳ lạ, từ người có tư tưởng chống phát xít chuyển sang vai trò của chiến sĩ Cộng sản rồi đến cuối đời mới ngộ ra những điều với nhiều người là dễ dàng. Cho đến nay Borchers-Nguyễn Chiến Sỹ vẫn là huyền thoại ở nước Đức và Việt Nam.

Chị Nguyễn Hoàng Giang đọc nhiều sách và am hiểu thời cuộc, nói với tôi rằng: “Tôi muốn những trang sử của cha tôi và các chiến hữu ngoại quốc của ông trong QĐND Việt Nam viết ra không thể tuột khỏi biên niên sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam”.

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 7 (16)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-mot-nguoi-duc-la-viet-minh-a320968.html