Hành trình làm mẹ gian nan của người phụ nữ 18 lần bơm phôi


Thứ 4, 17/06/2015 | 00:19


(ĐSPL) - Trong thời gian hoàn tất thủ tục ly hôn, chị Minh bất ngờ mang thai và sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh, kết thúc 11 năm “học đẻ” gian nan.

(ĐSPL) - Trong thời gian hoàn tất thủ tục ly hôn, chị Minh bất ngờ mang thai và sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh, kết thúc 11 năm “học đẻ” gian nan tưởng chừng ngã gục của cả hai vợ chồng.

8 lần chọc trứng, 18 lần bơm phôi

Kể về hành trình chữa bệnh vô sinh của mình, chị Nguyễn Thị Anh Minh (Châu Đốc – An Giang) không giấu nổi xúc động. 23 tuổi, chị Minh lấy anh Vũ Kiên – là một Việt kiều Mỹ và theo chồng sang Mỹ định cư ngay sau đám cưới.

Thời gian đầu chung sống, do đặc thù công việc, anh Kiên phải đi làm xa nên mỗi tháng vợ chồng chỉ được gặp nhau một lần. Cứ như thế, hai năm đầu của hôn nhân, hai vợ chồng lúc nào cũng biền biệt cách xa hàng nghìn cây số. Mỗi lần tranh thủ về nhà, vợ chồng cũng lên kế hoạch sinh con, nhưng bác sĩ cho biết chị Minh buồng trứng đa nang – chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ khiến chị em rất khó thụ thai. Lúc ấy, chị Minh sống ở San Diego, bang California, Mỹ còn chồng thì ở tận Ohio – Nebraska nên để cùng chữa hiếm muộn rất khó. Mỗi tháng chị Minh phải đến viện một lần để kiểm tra.

Sống một mình cô đơn nơi xứ người, chị Minh đã nghĩ đến chuyện quay trở lại Việt Nam sinh sống, những anh Kiên vẫn thường xuyên gọi điện, động viên vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn về chuyện con cái, anh Kiên luôn tin rằng con cái là của trời cho, chỉ cần họ có niềm tin thì ắt ông trời không phụ lòng. Qua giai đoạn “Ngưu Lang – Chức Nữ”, anh Kiên chuyển về ở cùng vợ, và cùng nhau đi chữa hiếm muộn. Có những lúc tuyệt vọng, chị Minh đề nghị ly hôn nhưng anh Kiên kiên quyết không đồng ý. Anh bảo rằng, hai vợ chồng sẽ cùng chờ đợi 15 năm, nếu sau 15 năm, may mắn không mỉm cười với họ thì họ sẽ nhận con nuôi.

Thế nhưng, niềm khao khát về một mụn con của họ ngày càng lúc càng xa dần khi chờ đợi mòn mỏi mà chị Minh không có tin vui. Bác sĩ khuyên chị Minh nên làm thụ tinh trong ống nghiệm may ra mới thành công.

Lần đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là lúc chị Minh 26 tuổi. Được biết độ tuổi ấy có tỉ lệ thành công rất cao nên vợ chồng chị đều hy vọng phép màu sẽ đến. Chị Minh nhớ lại: “Lần ấy, tôi được nhiều phôi lắm. Bác sĩ cho tôi lựa chọn số phôi bơm. Tôi chọn bơm 3 phôi, nhưng được 4 tuần thì các phôi bị hỏng. Ba tháng sau tôi lại bơm lần nữa và cứ như thế tôi bơm đến hết số phôi trữ đông nhưng lần nào cũng chỉ được 4-6 tuần là phôi bị lưu” – chị Minh kể.

Lần này bác sĩ nghi ngờ nội tiết tố của chị Minh có vấn đề nên đã điều trị nội tiết tố cho cả hai vợ chồng và nghiên cứu cả gen của bố mẹ với việc hình thành thai nhi. Chỉ lạ, mọi thứ đều ổn nhưng thai nhi lại không đậu trong buồng tử cung của chị Minh.

Ảnh minh họa.

Khoảng thời gian nặng nề ấy đày đọa chị Minh ghê gớm. Mỗi lần nhìn thấy trẻ nhỏ, khao khát làm mẹ lại cháy lên trong chị. Nhiều lần nhìn mắt vợ ngấn nước mỗi khi chơi với trẻ nhỏ, ruột gan anh Kiên lại thắt lại. Không cho phép hai vợ chồng bỏ cuộc, anh Kiên động viên vợ tiếp tục thực hiện cấy phôi ở ngoài, tính ra, họ trải qua 8 lần cấy phôi và 18 lần bơm phôi.

Chị Minh chia sẻ, nỗi sợ hãi của người phụ nữ hiếm muộn phải làm thụ tinh trong ống nghiệm 8 lần như chị quả thực không phải ai cũng có thể trải qua. Không ít lần chị có ý định từ bỏ thiên chức thiêng liêng đó, nhưng may mắn chị luôn có anh Kiên ở bên, động viên, vỗ về chị. Có lần chị bị kích buồng trứng, bụng trương lên như cái trống khiến không thể thở nổi. Lần cuối cùng chọc trứng sau khi tiêm thuốc kích trứng đến ngày thứ 8 bơm phôi bụng chị lại căng cứng, to lên như người mang thai tháng thứ 5. Bác sĩ cho biết chị bị quá kích buồng trứng và tràn dịch màng bụng. Gần một tháng chị phải nằm phòng hậu phẫu, tiêm, truyền liên tục. Có lần hút dịch qua âm đạo thấy chảy máu, lo quá, chị sợ bao nhiêu công sức của bác sĩ cùng hai vợ chồng làm cho đến giờ lại đổ xuống sông xuống biển, nhưng nếu không làm thì chị Minh sẽ nguy hiểm. Rốt cuộc, đứa bé đã rời bỏ anh chị đi. Nhìn vào những lần bơm phôi và trải qua cảm xúc hồi hộp hi vọng chờ rồi lại thất vọng, mới thấy được khát khao có con của chị Minh thật gian truân.

Tin vui đến bất ngờ

Sau lần vợ phải nằm viện hàng tháng trời vì quá kích buồng trứng, tràn dịch màng bụng, anh Kiên không muốn chị Minh phải mạo hiểm thêm lần nữa. Anh sợ mất vợ, mất đi người phụ nữ anh yêu nhất. Giữa lúc ngổn ngang lo toan, bố mẹ anh Kiên ra mặt đòi anh Kiên ly hôn để lấy người phụ nữ khác vì họ mong muốn có cháu nội. Dù sống ở Mỹ lâu nhưng tâm lý có con cháu nối dõi tông đường của bố mẹ anh không thay đổi. Họ không đủ kiên nhẫn để chờ cô con dâu “học đẻ” thêm vài năm nữa. Với họ 11 năm là quá nhiều.

Giữa lúc đó, chị Minh xin phép gia đình nhà chồng về Việt Nam nghỉ ngơi để cô có thời gian suy nghĩ về chuyện vợ chồng. Hành trình 11 năm chung sống với bao khó khăn, bao vất vả và đau đớn những lần nằm viện cả tháng không đủ níu người vợ hiền của anh. Chị Minh đã quá mệt mỏi.

Bà Nguyễn Thị Lê, mẹ của chị Minh nghẹn ngào nhớ lại những ngày con gái mới hồi hương. Thương con, bà bắt đầu tìm hiểu các bài thuốc chữa vô sinh bằng đông y. Bà đọc báo nghe người ta nói những thầy lang chữa vô sinh giỏi rồi hàng xóm ai mách gì bà lại tìm đến đó. Nhìn con gái mệt mỏi không muốn uống thuốc, khám bệnh bà cũng héo mòn theo. Khó khăn lắm bà mới thuyết phục được chị Minh uống thuốc đông y. Bà và con gái đến phòng chẩn trị y học cổ truyền của lương y Vũ Quốc Trung – phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội để khám và cắt thuốc.

20 thang thuốc được hai mẹ con gói ghém mang từ Hà Nội về An Giang. Ngày nào bà cũng cất công sắc thuốc cho con theo đúng lời căn dặn của bác sĩ là ngâm thuốc 15 phút rồi đổ ra sắc 3 bát nước lấy 1 bát cô đặc. Uống hết 20 thang thuốc, thấy con gái tươi tắn hẳn. Lúc này, gia đình chị Minh gọi chị sang Mỹ giải quyết ly hôn với anh Kiên. Thế nhưng, trong thời gian chờ ly hôn, anh Kiên xin nghỉ về Việt Nam sống chung với vợ. Họ không hề biết rằng sống thoải mái để chờ ngày chia tay lại giúp họ có con. Trong giây phút nghẹn ngào, chị Minh không tin nổi khi bác sĩ thông báo chị có thai 5 tuần. Hy vọng nối tiếp hy vọng khi thai nhi ngày càng phát triển cho tới khi bé trai chào đời với cân nặng 3,7 kg bằng phương pháp mổ sinh tại Bệnh viện phụ sản Hạnh Phúc, Sài Gòn, kết thúc 11 năm “học đẻ” đầy gian truân, vất vả cho vợ chồng chị.

(Bài đã được đăng trên tờ Hôn nhân và Pháp luật, một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật)

NGÂN GIANG

Xem thêm clip: Mua bán mặt hàng "Tế nhị" tại cổng bệnh viện phụ sản

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-lam-me-gian-nan-cua-nguoi-phu-nu-18-lan-bom-phoi-a98648.html