Lớp học tình thương của cô giáo khuyết tật dạy học trò câm điếc


Thứ 3, 17/11/2020 | 08:17


Biến nỗi đau của bản thân thành động lực sống kiên cường, suốt 8 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Tuyến đã dạy nghề may cho những em nhỏ bị khuyết tật.

Biến nỗi đau của bản thân thành động lực sống kiên cường, suốt 8 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Tuyến đã dành trọn tình yêu thương cho những em nhỏ bị khuyết tật, miệt mài dạy các em nghề may để có thể vững bước vào đời, hòa nhập với cộng đồng.

Nỗi đau thể xác

Chị Nguyễn Thị Tuyến (SN 1974), thôn Hạ Quất, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. HN không được may mắn như bao người khác bởi đôi tay, đôi chân co quắp. Năm lên 2 tuổi, chị lên cơn sốt cao, co giật toàn thân, dù được cha mẹ nhanh chóng đưa đi viện nhưng vẫn gánh chịu biến chứng khủng khiếp.

Sau trận ốm, từ một cô bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chị Tuyến nằm liệt một chỗ, không thể di chuyển. Cơ thể yếu ớt, mềm nhũn, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào cha mẹ. Là chị cả trong gia đình 5 chị em, cha mẹ đều làm nông nghiệp, lại thêm đứa con bị bệnh nên hoàn cảnh rất khó khăn.

Cô giáo khuyết tật Nguyễn Thị Tuyến luôn nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc. 

Chị Tuyến rơm rớm nước mắt chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: "Gia đình tôi bữa rau bữa cháo qua ngày. Cái nghèo đói bủa vây quanh năm suốt tháng. Nhà có gì giá trị là cha mẹ bán hết đi, gom góp tiền chữa bệnh cho tôi. Cha là người thương tôi nhất, tốn nhiều công sức với tôi. Trên chiếc xe đạp cũ , cha đã đưa con gái đi khắp tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương để châm cứu, bấm huyệt, cắt thuốc”.

Nhờ công sức của cha mẹ, đến năm 6 tuổi, chị Tuyến đã có thể tập tễnh bước đi, phụ giúp công việc nhà. Tuy nhiên, việc đi lại nhọc nhằn bởi đôi chân co quắp, còng queo. Đôi bàn tay cũng bị tật nên cầm nắm đồ vật rất khó. Vượt lên số phận, chị tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Có lần vấp ngã trước cửa lớp, chị bật khó nức nở vì tủi thân.

“Ai tới nhà chơi là tôi vội vàng lê bước nhanh vào trong buồng ngủ. Tôi ngại gặp mọi người, sợ ánh nhìn dò xét, thương hại và những câu hỏi của họ. Mãi sau này được bố mẹ động viên, an ủi, tôi mới hòa đồng, cởi mở hơn”, chị Tuyến ngậm ngùi tâm sự.

Hạnh phúc là đồng hành, là sẻ chia

Biết hoàn cảnh mình như vậy, chị Tuyến chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, chỉ mong có công việc để không phụ thuộc vào cha mẹ già yếu. Với chiếc xe đạp cũ, chị cần mẫn ngược xuôi khắp nơi, khi thì nhập vải, phụ kiện; khi thì giao hàng cho khách. Chị còn dạy nghề cho hai người có hoàn cảnh giống mình tại địa phương.

Chị Tuyến chia sẻ: “Lúc đầu tôi nghĩ mình không làm được bởi máy may ngày xưa phải đạp chân chứ không dùng điện. Ba tháng đi học việc tại xưởng, tôi chỉ làm các việc lặt vặt như: Cắt chỉ, đơm khuy... Về sau khi đạp máy được, đêm về hai chân mỏi rã rời, có hôm sưng vù, đau buốt”.

Năm 2000, chị Tuyến lập gia đình. Đến năm 2012, chị được một người bạn giới thiệu ra Trung tâm dạy nghề may cho học viên khuyết tật. Không chút nề hà, ngần ngại, hằng ngày, chị lái xe, vượt quãng đường hơn 30km để tới điểm dạy.

Cô giáo Tuyến đang dạy nghề cho một học viên mắc câm điếc bẩm sinh. 

Thấm thoát cũng 8 năm giảng dạy tại trung tâm, cô giáo Tuyến vẫn giữ trọ nhiệt huyết, đam mê. “Bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên muốn giúp đỡ những người kém may mắn như mình. Trước tiên, giúp họ có một cái nghề để lo cho bản thân; sau đó là phụ giúp cha mẹ”, chị tâm sự.

Thời gian đầu, công việc rất mệt mỏi, áp lực. Đối với người bình thường, học nghề còn vất vả, nhọc nhằn thì với người khuyết tật, nỗi khó khăn nhân lên gấp bội lần. Đôi chân co quắp, dị tật khiến nhiều học viên muốn bỏ cuộc. Những lúc đó, chị lại ân cần, động viên, nhẫn nại chỉ dạy cho các học viên.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi dạy học viên bị câm điếc. Ngày đầu nhận lớp, tôi ngơ ngác không biết làm thế nào. May được giám đốc trung tâm hỗ trợ, tôi mới có thể làm tốt công việc. Các em học nghề, còn tôi học ngôn ngữ, cách giao tiếp của người câm điếc. Rồi khó khăn cũng đi qua, giờ tôi đã tự tin trò chuyện được với các em”, cô giáo Tuyến cho biết.

Với chị Tuyến, hạnh phúc là được giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người đồng cảnh ngộ.

Ngoài giảng dạy chuyên môn, chị còn là người bạn thân thiện, gắn bó. Các học viên đều coi trung tâm là ngôi nhà thứ hai, coi cô giáo Tuyến như người mẹ hiền, trìu mến gọi “u Tuyến” bằng tất cả sự kính mến, nể trọng.

Lớp học hiện tại có 22 học viên, đào tạo từ 5-6 tháng để các em vững tay nghề, sau đó sẽ được trung tâm giới thiệu tới công ty, xí nghiệp may mặc. Lớp học hoàn toàn miễn phí, các học viên có chỗ ăn uống, nghỉ ngơi mà không mất chi phí sinh hoạt. Các khóa học được tổ chức nối tiếp nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Những học viên không ra công ty sẽ được ở lại trung tâm làm việc.

“Cô Tuyến là người có tấm lòng nhân ái, trái tim nhân hậu. Nhờ cô mà các em khuyết tật đã có công việc, tạo nguồn thu nhập ổn định. Hơn thế nữa, cô còn truyền nghị lực sống mạnh liệt, ý chí kiên cường và tinh thần luôn lạc quan tới các học viên và đồng nghiệp”, ông Đới Thế Long – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi chia sẻ.

Ứng Hà Chi

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lop-hoc-tinh-thuong-cua-co-giao-khuyet-tat-day-hoc-tro-cam-diec-a346037.html