Rời bản xuống phố nhặt ve chai chăm con liệt giường, người mẹ hy vọng điều kỳ diệu


Chủ nhật, 24/03/2019 | 03:03


Cùng sự kiện

Người con vẫn nằm liệt trên giường bệnh 8 năm, cũng 8 năm ấy bà Vi Thị Toóng bám trụ nơi phố thị với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với con mình.

Chưa một lần đi dâu xa, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên nương rẫy, nhưng vì để chăm sóc người con trai bị tai nạn, bà Vi Thị Toóng đã rời bản xuống thành phố nhặt ve chai. Người con vẫn nằm trên giường bệnh 8 năm qua, cũng 8 năm ấy người mẹ bám trụ nơi phố thị với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.

8 năm chăm con liệt giường

Thấy bà Vi Thị Toóng (SN 1962), quê ở bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đi đến, một số người dân trước cổng bệnh viện Quân y 4 Nghệ An vội chạy vào trong nhà cầm túi bóng chứa chai lọ, vỏ bao bì, hộp bánh kẹo... đã được gói ghém cẩn thận đưa ra cho bà. Người phụ nữ nhanh nhảu đón những chiếc túi bóng rồi nở nụ cười cảm ơn. Dường như đây là hành động rất đỗi thân quen trong nhiều năm qua.

Bà Toóng nhặt nhạnh phế liệu bán kiếm tiền.

Sau đó, bà Toóng tiếp tục nhặt nhạnh ở vệ đường, bãi rác nhưng cho dù đi đâu người phụ nữ này cũng chỉ loanh quanh gần bệnh viện. Lúc mệt mỏi quá bà mới chịu ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi. Dáng bà Toóng nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen, đôi tay chai sần, những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt khiến nhiều người xót xa, thương cảm. Đáng lẽ ở độ tuổi của bà thì hiện nay đang vui vầy với con cháu, thế nhưng vì chăm con nằm viện mà bà chấp nhận vượt hơn 250km xuống thành phố bươn chải, chẳng quản nắng mưa.

Theo tìm hiểu của PV, bà Toóng có 4 người con, trong đó anh Lương Văn Khăm (SN 1990, con trai thứ 2) từng là người mà gia đình kỳ vọng nhất.

“Khăm cao to, đẹp trai, hiền lành lại học rất tốt. Tiếc là gia đình quá nghèo nên không có tiền cho Khăm học tiếp. Sau khi tốt nghiệp THPT, Khăm bảo con không dự thi đại học mà ở nhà giúp bố mẹ. Rồi có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, Khăm đăng ký tham gia, trúng tuyển và được điều về làm nhiệm vụ tại Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An”, bà Toóng kể bằng tiếng Kinh lơ lớ.

Thế nhưng, cuối năm 2011, trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, anh Khăm bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Sau 4 tháng điều trị ở bệnh viện Quân y 103 Hà Nội, anh Khăm vẫn nằm bất động, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt, bà Toóng đành xin đưa con về bệnh viện Quân y 4 để thuận tiện đi lại và đỡ tốn kém.

“Thương con bị tai nạn, có bao nhiêu trâu bò trong nhà chúng tôi đều bán hết để đưa con đi chữa trị. Vợ chồng tôi chỉ hy vọng con mạnh khỏe như trước đây thôi. Thế nhưng các bác sĩ bảo rằng con tôi giờ đã bị liệt, chỉ có thể nằm một chỗ. Tôi và chồng bàn với nhau, để tôi xuống bệnh viện chăm con, còn chồng ở nhà lao động kiếm tiền”, bà Toóng kể.

Đằng đẵng đã 8 năm trôi qua, người mẹ ấy vẫn miệt mài chăm con ở bệnh viện trong khi Khăm vẫn nằm một chỗ, không khác gì người sống thực vật. Thế nhưng người mẹ kiên cường này vẫn quyết “bám” lấy bệnh viện với hy vọng một ngày nào đó người con của mình sẽ có thể ngồi dậy và bước đi.

Để có tiền sinh hoạt và đóng viện phí cho con, ngày ngày bà đi khắp nơi để nhặt nhạnh phế liệu. Mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng, nhưng đây lại là số tiền rất lớn đối với mẹ con bà.

“Trên nhà sống bằng nương rẫy nên thu nhập chẳng được là bao, mấy tháng trước chồng tôi gọi xuống bảo năm nay có khả năng mất mùa. Rồi đợt tháng 10 năm ngoái có lũ quét nên rau củ cũng chẳng còn. May mà tôi vẫn đi nhặt phế liệu, có chút tiền mua bỉm sữa cho con và mua cơm ăn hàng ngày”, bà Toóng chia sẻ.

Hình ảnh khiến PV xúc động, ông Dương Xuân Mai (SN 1977, trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) làm nghề xe ôm trước cổng bệnh viện, chạy đến dúi vào tay chiếc túi to giấy vụn, chai lọ được chuẩn bị từ ở nhà. Ông Mai bảo, biết hoàn cảnh của bà khó khăn nhưng gia đình ông cũng không có điều kiện nên chẳng thể giúp được nhiều. Vì vậy, ở trong nhà có đồ phế liệu gì thì ông gom lại để cho bà, hy vọng người phụ nữ này tiếp tục cố gắng giữ sức để chăm con.

Mong chờ điều kỳ diệu

Gần đến giờ ăn trưa, bà Vi Thị Toóng dừng hết mọi công việc để trở về bệnh viện. Thấy mẹ về, người con trai dù vẫn nằm im bất động nhưng ánh mắt vô cùng mừng rỡ. Gần chục năm phải nằm trên giường, nam thanh niên mạnh khỏe ngày nào đang dần khô kiệt sức sống, làn da xanh xao, yếu ớt.

Rất thuần thục, bà Toóng cầm chiếc kim tiêm cỡ lớn cẩn thận hút nước cháo loãng bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, anh Khăm khẽ rên, bà tạm dừng rồi dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con. Khi thấy con đã bình thường bà cẩn thận tiếp tục cho con ăn. Những động tác khó ấy khiến chúng tôi cảm phục và cay nơi khóe mắt.

“Mấy năm nay làm cũng quen tay rồi, đợt trước chồng tôi xuống thăm con có làm thử nhưng không được. Vì vậy, sau đó chồng tôi bảo thay chăm sóc con mấy hôm nhưng tôi không chịu. Thôi thì để ông ấy về bản làm ăn kiếm tiền cũng được, công việc này cần tỉ mỉ và chịu khó thì để tôi làm”, bà nói.

Cũng vì thương con, nên gần chục năm qua bà chưa trở về quê thăm nhà. Ngay cả đám cưới 3 đứa con, bà cũng không có mặt mà đành trông chờ vào chồng, anh em họ hàng, bà con dân bản đến phụ giúp. May mà các con đều thấu hiểu nên không hề trách bà, hàng năm đều dành thời gian xuống bệnh viện và cứ mỗi tuần lại gọi điện hỏi thăm tình hình anh Khăm.

“Tôi rất nhớ nhà, nhớ mọi người ở bản, không biết giờ bản làng thay đổi như thế nào rồi. Buồn nhất là mấy ngày Tết, mọi người trong bệnh viện rục rịch về quê cả, chỉ còn mẹ con tôi cùng với một số bác sĩ trực. Vì vậy, để đỡ buồn thì tôi lại ra cổng ngồi, nhìn xe, nhìn mọi người đi lại để thời gian trôi cho nhanh”, bà Toóng nói.

Người mẹ già chăm sóc con trai bị liệt trong vụ tai nạn.

Rồi để vơi bớt những nhọc nhằn mưu sinh và cả nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng, trong lúc ngồi bóp chân cho con thì bà lại trò chuyện. Những câu chuyện vẩn vơ không đầu không cuối về phòng bệnh bên cạnh, về thời tiết, về cô bác sĩ trẻ, về bản nghèo, những người dân sống tình cảm... Bà biết rằng anh Khăm không hiểu hết những lời mình nói, thế nhưng lần nào thấy con chú ý lắng nghe thì bà cũng vui mừng.

“Hôm trước tôi kể chuyện nhà cho Khăm nghe, thấy con mở mắt rồi cười với tôi. Lúc đó tôi mừng lắm, bỗng nhiên nước mắt cứ tuôn trào, tôi biết con tôi đang khỏe mạnh dần. Chắc chỉ vài năm nữa thì con tôi sẽ có thể ngồi dậy, rồi đi lại được”, bà Toóng nói, mắt ánh lên niềm hy vọng.

Trước cảnh cậu con trai nằm điều trị trong tình trạng liệt tứ chi, sống cảnh thực vật nhiều năm, không ít người khuyên nhủ bà Toóng đưa con về nhà cho đỡ cực nhưng người mẹ này một mực lắc đầu. Về trên bản rau cháo nuôi nhau nhưng không có thuốc, không được điều trị thì con bà sẽ không bao giờ khỏe lại được. Bà nhất quyết bám trụ ở bệnh viện với hy vọng được các bác sĩ chữa trị thì phép màu sẽ đến.

Về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Chủ nhiệm khoa Nội 4, bệnh viện Quân y 4 Nghệ An cho biết: “Bệnh nhân Lương Văn Khăm bị chấn thương sọ não nặng, liệt tứ chi, khả năng hồi phục rất thấp, chỉ có thể mong chờ vào điều kỳ diệu. Bây giờ chủ yếu phòng cho bệnh nhân các bệnh viêm đường tiết liệu, chống cho bệnh nhân loét điểm tỳ, viêm phổi, táo bón và phải uống thuốc thường xuyên. Vì thế, việc điều trị chắc chắn còn lâu dài”.

Theo bác sĩ Đức Anh, mỗi tháng bệnh nhân chỉ có khoản phụ cấp hơn 700.000 đồng nên không đủ cho hai mẹ con chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định hỗ trợ suất ăn cho bà Toóng. Cùng với đó, đơn vị của anh Khăm cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất nên cũng đỡ được phần nào gánh nặng cho người mẹ bất hạnh này.

Anh Ngọc - Kiều Oanh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 45

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/roi-ban-xuong-pho-nhat-ve-chai-cham-con-liet-giuong-nguoi-me-hy-vong-dieu-ky-dieu-a267354.html