Xót xa cảnh "ô-sin" bị chủ nhà trói vào gốc cây, bắt "phơi nắng" vì để đồ đạc linh tinh


Thứ 4, 15/05/2019 | 14:15


Cùng sự kiện

Tại những quốc gia Vùng Vịnh giàu có, người giúp việc trong các gia đình lại bị bóc lột, bạo hành dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng nhất.

Tại những quốc gia Vùng Vịnh giàu có, người giúp việc trong các gia đình lại bị bóc lột, bạo hành dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng. 

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền - HRW, có hơn hai triệu phụ nữ đang hành nghề giúp việc gia đình tại các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm: Oman, Kuwait, Arab Saudi, Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE. Do hoàn cảnh khó khăn, những người phụ nữ đa số là ở Đông Phi và Nam Á đã tới vùng Vịnh để làm người giúp việc gia đình. Họ được hứa hẹn trả lương cao, ăn uống đầy đủ và chỗ ở tử tế. Tuy nhiên, hiện thực mà họ phải đối mặt là sự cô lập, tù túng và bạo hành thể chất.

Người giúp việc gia đình bị coi như nô lệ

Mới đây, truyền thông quốc tế vừa đưa tin về một phụ nữ Philippines làm nghề giúp việc ở Arab Saudi đã bị nhà chủ nhà giàu có trói chặt vào gốc cây giữa trời nắng vì tội để đồ đạc linh tinh.

Lao động giúp việc bị chủ nhà trừng phạt trói phơi nắng.

Theo Mirror, cô Lovely Acosta Baruelo, 26 tuổi, làm việc cho một gia đình giàu có ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi được vài tháng. Cô đã làm nhà chủ tức giận sau khi để một món đồ nội thất đắt tiền ngoài trời nắng, khiến nó có thể bị phai màu.

Khiếp sợ trước cách chủ nhà đối xử với Lovely, một đồng nghiệp của cô đã chụp ảnh Lovely bị trói chân tay ngoài vườn hôm 9/5. 

Nhà chủ cho rằng họ làm như vậy để giúp Lovely "sáng mắt" về những tác động của việc ở ngoài nắng. Một phụ nữ được cho là đồng nghiệp của cô Lovely cho biết, chủ lao động của họ thường ngược đãi mỗi khi họ phạm lỗi, dù rất nhỏ.

Đây là một trong những câu chuyện khiến dư luận phẫn nộ, nhưng vẫn xảy ra khá thường xuyên ở các quốc gia vùng Vịnh.

Tình trạng người giúp việc tại các nước Vùng Vịnh bị bạo hành diễn ra phổ biến.

Năm 2010, một người giúp việc Indonesia bị chủ nhà người Arab Saudi rạch mặt bằng kéo và đốt bằng bàn là, để lại trên mặt cô những vết thương nghiêm trọng. Năm 2014, một người giúp việc Phillipine bị chủ nhà hắt nước sôi lên người, để lại những vết bỏng lớn.

Năm 2017, một bà chủ nhà người Kuwait đã điềm nhiên dùng di động quay cảnh người giúp việc Ethiopia treo lủng lẳng bên ngoài bậu cửa sổ tầng 7 rồi sau đó rơi xuống, mặc cho cô kêu cứu xin giúp đỡ.

Hãng truyền hình Al Jazeera mới đây kể câu chuyện về Trịnh Thị Linh - một người giúp việc đến từ Việt Nam làm việc cho một gia đình ở Arab Saudi.

Ngày đầu tiên làm việc, cô bị lục soát hành lý, nhốt trong phòng và tịch thu hộ chiếu. Những ngày sau đó, chủ nhà khoá toàn bộ hành lý của Linh vào kho, không cho cô sử dụng điện thoại di động và không cho phép cô nấu đồ ăn riêng của mình. Chủ nhà sẵn sàng đổ thức ăn thừa chứ không cho người giúp việc của mình ăn. Chỉ sau 3 tháng, Trịnh Thị Linh bị sụt gần 20kg. Cô thường xuyên bế tắc, hoảng loạn, mất ngủ, nhưng không biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu. Linh thậm chí còn không có băng vệ sinh để sử dụng.

Trường hợp thảm khốc nhất phải kể đến một người giúp việc Sri Lanka bị chủ sử dụng lao động người Arab Saudi đóng 24 chiếc đinh sắt lên thân thể. Người phụ nữ 49 tuổi này đã phải trải qua các cuộc phẫu thuật để lấy những chiếc đinh này ra sau khi trở về nước. Lý do của hành động man rợ này là vì bà đã phàn nàn vì phải làm việc quá giờ.

Tình trạng những phụ nữ làm nghề giúp việc bị chủ nhà "bán" trao tay cho nhiều gia đình không còn là chuyện hiếm. Có người thậm chí bị bán đến 11 gia đình khác nhau. Ở nhà nào, họ cũng bị đối xử thậm tệ và không được trả lương.

Một nghiên cứu do HRW tiến hành năm 2019 trên 99 người giúp việc gia đình tại các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE cho thấy, có tới 24 người bị chủ lao động lạm dụng tình dục. Hầu như những người giúp việc này đều bị chủ lao động tịch thu hộ chiếu, không trả đủ lương và bị buộc làm việc lên tới 21 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Nguyên nhân tình trạng ngược đãi người giúp việc gia đình

Các quốc gia GCC và các nước láng giềng như Jordan và Lebanon áp dụng hệ thống Kafala - một chương trình bảo trợ cho phép công dân thuê người giúp việc gia đình và công nhân xây dựng nước ngoài.

Hệ thống Kafala cho phép người tuyển dụng toàn quyền trong việc giám sát điều kiện sống, tình trạng nhập cư và tiền lương của người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người tuyển dụng bóc lột người làm thuê mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh việc thiếu các quy định pháp lý cần thiết, tình trạng bạo hành người giúp việc nước ngoài còn được cho là có nguyên nhân từ phân biệt chủng tộc. Người Nam Á và Đông Phi được xem là thua kém người Arab và sống trong điều kiện yếu thế hơn tại các quốc gia GCC. Sự phân biệt chủng tộc này được thể hiện rõ trong ngành nghề giúp việc gia đình và gián tiếp thể hiện qua hệ thống y tế của quốc gia này.

Hệ thống chăm sóc y tế công của khối GCC thường cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá cho công dân và khối tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cao hơn cho các chuyên gia phương Tây làm việc tại đây. Người giúp việc gia đình không nằm trong hai nhóm này và thường gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do giá quá cao, trong khi hệ thống Kafala không yêu cầu người sử dụng lao động phải mua bảo hiểm y tế cho người giúp việc của mình.

Đến năm 2017, một quốc gia Vùng Vịnh là Oman đã bắt đầu áp dụng những biện pháp giải quyết vấn đề này và mang lại hiệu quả cao nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt.

Sau đó là UAE, do sức ép từ LHQ, đã thông qua phiên bản quốc gia của Công ước Lao động Nhập cư ILO với mục đích cải thiện điều kiện sống của người lao động nhập cư. Tuy nhiên, các quy định này dường như chỉ “để cho có” khi không được thực thi đầy đủ và gần như không có hiệu quả. Người giúp việc gia đình vẫn tiếp tục bị bạo hành.

Cần cân nhắc kỹ khi đi lao động tại các nước Vùng Vịnh

Việt Nam cũng là nước có đưa nhiều lao động đến các nước vùng vịnh, nhất là tại Arab Saudi. Tình trạng các lao động nữ làm người giúp việc trong nhà kêu cứu do bị bóc lột, đối xử thậm tệ cũng được truyền thông phản ánh nhiều lần.

Trước vấn nạn này, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khuyến cáo trên báo Người Lao động: "Arab Saudi là thị trường có đặc thù, do vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước không khuyến khích đưa lao động đi giúp việc nhà tại quốc gia này. Hiện nay, cục chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ để đào tạo người lao động trước khi đi; có hệ thống quản lý lao động ở nước ngoài nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đối với người lao động".

Bản thân người lao động cũng cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn đi lao động tại đây. Ở một đất nước khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thu nhập lại không cao, thậm chí bị ngược đãi, phân biệt đối xử thì không nên đến làm gì kẻo "tiền mất tật mang".

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-xa-canh-o-sin-bi-chu-nha-troi-vao-goc-cay-bat-phoi-nang-vi-de-do-dac-linh-tinh-a275512.html