Kinh nghiệm sống còn vượt qua khó khăn ở vùng rốn lũ


Chủ nhật, 08/11/2020 | 02:39


Sau gần 1 tuần, nước đã rút, trời không còn mưa, người dân xã Thanh Mỹ (Thanh Chương, Nghệ An) tất bật xử lý hậu quả.

Sau gần 1 tuần, nước đã rút, trời không còn mưa, người dân xã Thanh Mỹ (Thanh Chương, Nghệ An) tất bật xử lý hậu quả. Đây là vùng được xem là tâm lũ ở Nghệ An trong đợt hoàn lưu bão số 9 vừa qua, có thời điểm nước dâng đến sát mái nhà của dân, những tuyến đường bị nhấn chìm, các xóm cô lập giữa mênh mông nước lũ.

Nước rút đến đâu dọn dẹp đến đấy

Anh Nguyễn Văn Bình (xóm Mỹ Hương), xắn quần cao đến hơn đầu gối, trên tay vẫn cầm chiếc chổi đang quét lớp bùn non dở dang nhớ lại: “Không ngờ mưa dài ngày như vậy, nước lên quá nhanh khiến đồ đạc trong nhà tôi bị trôi hết. May mà đàn lợn và bò của gia đình được chúng tôi đưa đến “ở nhờ” tại trụ sở UBND xã, chứ nếu chết ngập thì chúng tôi không biết phải làm sao”.

Cùng chung cảnh ngộ, do các con đi làm ăn xa nên vợ chồng bà Võ Thị Hường (trú xóm 5) ở nhà cùng 2 cháu nhỏ. Thời điểm nước lũ lên rất nhanh, ông bà lo cho các cháu xong thì cũng không kịp di dời tài sản nên tất cả bị nước lũ cuốn trôi.

“Hiện tại mất điện, mất nước, đồ đạc bị cuốn trôi hết, trong nhà chỉ có người già và trẻ con nên việc dọn dẹp vất vả lắm. Điều may mắn là trong đợt lũ vừa qua cả nhà chúng tôi đều bình an”, bà Hường nói.

Nước rút đến đâu thì người dân dọn dẹp đến đó.

Ông Phạm Xuân Lực - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết: “Tất cả 6/6 xóm đều ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ xã Thanh Mỹ, vùng hạ huyện Thanh Chương gồm các xã: Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Long thuộc vùng đất thấp, năm nào cũng bị ngập lụt. Tuy nhiên, đợt lũ này nước dâng cao hơn mọi năm, chia cắt nhiều tuyến đường, cô lập nhiều thôn, xóm”.

Đợt lũ này, xã Thanh Xuân có 4 xóm: Phú Lập, Xuân Lan, Mụ Cẩm, Kim Hoa, với 1.200 hộ, 2.050 nhân khẩu bị cô lập. Thống kê sơ bộ, đợt lũ này, xã Thanh Xuân thiệt hại khoảng 7,6 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Cảnh - Xóm trưởng xóm Phú Lập, 1 trong 4 xóm bị ngập nặng của xã Thanh Xuân - cho biết: “Những ngày qua, trên địa bàn không có điện, bà con không xay xát gạo được, thiếu lương thực, thiếu nước sạch sinh hoạt, cuộc sống khá vất vả”.

“Năm nào cũng lũ nên người dân cũng có kinh nghiệm về việc phòng chống. Lúc nước mới lên, bà con trong xóm thường chung tay giúp các hộ dân ở dưới thấp chuyển trâu, bò, lợn, gà đến nơi cao ráo, chuyển lúa, đồ đạc lên trần nhà. Khi nước rút thì giúp nhau lau chùi nhà cửa, khiêng đồ đạc về chỗ cũ, dọn dẹp vệ sinh”, anh Cảnh nói.

Ông Nguyễn Khánh Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân - cho biết: “Thực tế, trước và trong lũ, chính quyền địa phương luôn túc trực 24/24h để giúp đỡ người dân, đảm bảo không để ai thiếu ăn, khát uống. Hiện, sau khi lũ rút, chúng tôi đang triển khai tiếp các công việc khắc phục về vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công trình giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng”.

Đối mặt với khó khăn

Ông Nguyễn Tư Hải Phong - quyền Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết, các đoàn viên và thanh niên đang tích cực giúp người dân vùng ngập lũ tranh thủ chùi rửa, dọn dẹp vệ sinh với phương châm nước ra đến đâu thì chùi rửa nhà cửa, sân, đường đến đó. Những công trình công cộng, như nhà văn hóa xóm, sân thể thao, các di tích lịch sử... cũng được các ban, ngành, đoàn thể và người dân các địa phương chung tay cào bùn, bơm nước, làm sạch hoặc lau dọn khi nước lũ chưa rút hẳn.

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết, thiệt hại do hoàn lưu bão số 9 và đợt lũ này ở huyện Thanh Chương là vô cùng lớn. Toàn huyện có 4 người bị lũ cuốn trôi, 3 người bị thương, gãy tay, chân. Do nước ngập cao nên phải di dời hàng nghìn hộ dân bị ngập, hàng trăm hộ dân bị sạt lở đất. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, núi Nguộc bị sạt lở mạnh, hàng nghìn m3 đất đá tràn lấp lòng đường gây ách tắc hoàn toàn Quốc lộ 46.

“Lãnh đạo huyện Thanh Chương đã thay nhau có mặt tại rốn lũ để đôn đốc công việc. Lực lượng quân sự huyện liên tục nhiều ngày dùng ca nô vận chuyển hàng cứu trợ giúp dân. Với sự đồng sức, đồng lòng, người dân đã vượt qua đợt lũ. Hiện, nước đang rút vì vậy chúng tôi yêu cầu các xã nước rút đến đâu thì làm vệ sinh, dọn dẹp đến đó, cần làm sạch môi trường sau lũ”, ông Nhã nói.

Việc khắc phục, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất sẽ diễn ra sau đó. Chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ nguồn giống cây, con giống cho các địa phương, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...

Ngày 1/11, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - cùng cán bộ các khoa phòng liên quan đã đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ sau lũ lụt tại huyện Thanh Chương. Tại các đơn vị, sau khi giám sát tình hình vệ sinh môi trường, những yếu tố nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, đoàn công tác đã hướng dẫn cấp ủy chính quyền, cán bộ y tế tăng cường công tác giáo dục sức khỏe, đẩy mạnh các biện pháp vệ sinh môi trường; phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tại các điểm đến, đoàn đã cấp phát một số hóa chất như: Cloramin B, Aquatas để cho trạm y tế cấp phát cho các hộ gia đình và hướng dẫn cho người dân cách xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt đến đó.

Ưu tiên phòng dịch bệnh

“Chúng tôi hướng dẫn cách xử lý nguồn nước sau mưa lũ, tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải khi nước rút, đảm bảo không để nước bẩn ứ đọng, xử lý xác súc vật chết. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương chú ý các bệnh thường xuất hiện sau mưa lũ như: Các bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh về mắt, sốt xuất huyết...”, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.


Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (177)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-nghiem-song-con-vuot-qua-kho-khan-o-vung-ron-lu-a345235.html