Ký ức một thời lửa đạn trên tuyến đường Trường Sơn


Chủ nhật, 02/08/2020 | 03:19


Cùng sự kiện

Mỗi khi có dịp hồi tưởng lại từng trang ký ức bi tráng, hào hùng mà mình và đồng đội đã cùng trải qua, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Khoa luôn cảm thấy tự hào.

Dành một phần cuộc đời mình cho chặng đường kháng chiến nhiều gian khổ, mỗi khi có dịp hồi tưởng lại từng trang ký ức bi tráng, hào hùng mà mình và đồng đội đã cùng trải qua, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Khoa luôn cảm thấy tự hào.

Nhớ mãi tình đồng đội

Trong không khí của những ngày cả nước hướng về tri ân các anh hùng, thương binh liệt sĩ (27/7), chúng tôi tìm đến gặp Trung tá Nguyễn Thanh Khoa (SN 1947, quê gốc ở huyện Thái Thụy, Thái Bình), hiện đang sinh sống tại phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong bộ quân phục với quân hàm, quân hiệu chỉnh tề, gương mặt ông toát lên vẻ cương nghị, từng trải. Ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng người cựu chiến binh vẫn còn rất linh hoạt, nhanh nhẹn và sôi nổi trong cách kể chuyện.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ những kỷ niệm một thời với PV (ảnh: Hữu Thắng).

Năm 1966, chàng trai Nguyễn Thanh Khoa nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc khi vừa tròn 19 tuổi. Tháng 7/1968, ông được phân công vào chiến trường 559 làm Trạm trưởng tiểu tu, kích kéo xe tại chốt trọng điểm Văng Mu (Lào) - một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nói là trọng điểm bởi đèo Văng Mu có chiều dài hơn 6km, một bên vực sâu lại độc đạo chưa mở được đường tránh. Địch coi đèo Văng Mu như “cuống họng” để tuồn hàng xuống Đường 9. Vì thế, địch đã dồn bom đạn trút xuống nơi đây hòng cắt đứt chiếc “cuống họng” này.

“Ban ngày, địch ném bom đánh phá tuyến đường còn ban đêm chúng thả pháo sáng rực trời để săn lùng xe. Có những chuyến xe chở đồ chi viện cho miền Nam bị máy bay địch đánh hỏng, rơi xuống vực sâu hàng trăm mét. Nhiệm vụ của tôi cùng đồng đội khi ấy là bằng mọi cách tìm và kích kéo được những chiếc xe lên, bất kể ngày đêm. Những chiếc xe nặng từ 5 đến 7 tấn, có ngày kéo đến 5 chiếc. Kéo vào ban đêm thì không được dùng đèn, dùng là địch biết thả bom ngay. Hôm nào trăng sáng thì may mắn, còn không thì cứ lần mò mà kéo tay trần. Có lần đang kéo xe thì máy bay địch đến ném bom, toàn thân bị vùi trong đất. Dù bị thương nhưng anh em vẫn động viên tiếp tục làm nhiệm vụ”, ông Khoa bồi hồi kể lại.

Nhớ về những ngày chiến đấu cùng các đồng đội, nhớ cả giây phút đồng đội hy sinh, những cảm xúc cứ ùa về vẹn nguyên trong ký ức. Dừng lại một lúc, ông Khoa nghẹn ngào kể: “Ngày 25/7/1971, khi ấy khoảng 9h tối, đồng đội Nguyễn Văn Uy - là em út trong đội lái xe đến trạm và nói rằng, cần thêm người đến địa điểm kích kéo. Là phiên tôi được nghỉ nhưng lúc ấy trong đầu chẳng nghĩ ngợi gì, tôi xung phong đi.

Vừa rời khỏi trạm khoảng 500m, bị bom rơi trúng, cả hai chúng tôi đều bị thương, nhưng cậu Uy gục tại chỗ. Tôi phải nhanh tay giữ lấy vô lăng rồi tấp vào hầm gần đó, kéo người đồng đội ra khỏi xe rồi trú trong hầm. Giấu xe, che mắt địch, lúc đó, tôi nghĩ chẳng ai sống nổi.

Sáng tỉnh dậy, tôi thấy mình được cứu, cơ thể chằng chịt những vết thương được băng bó cẩn thận. Tôi thấy mình may mắn vì còn sống, Uy đã hy sinh. Khoảnh khắc đó, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy đau lòng...”.

“Thương binh tàn nhưng không phế”

Muôn vàn khó khăn gian khổ, đặc biệt đến với vùng xa xôi của nước bạn Lào, nhưng bằng tinh thần chiến đấu, giữ gìn tinh thần đoàn kết quốc tế, cả đoàn của ông đã anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Những vết thương vẫn còn vẹn nguyên như những ký ức không phai nhoà (ảnh: Hữu Thắng).

Sau khi bị thương ở chốt trọng điểm Văng Mu, không thể tiếp tục nhiệm vụ, ông Khoa được đưa ra Bắc để chữa trị. Tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất. Cũng năm đó, ông Khoa được bổ nhiệm làm giáo viên trường Quân khí (tổng cục Hậu cần) và cũng tại đây, ông gặp gỡ được tri kỷ đời mình.

“Dạy ở đây hai năm, tôi lấy được vợ cùng công tác trong trường. Cả hai đều cảm mến rồi yêu thương, muốn chăm sóc nhau. Thế rồi, chúng tôi nên duyên vợ chồng và rồi có với nhau được 3 người con trai”, ông Khoa cười nói.

“Bây giờ, cơ thể thỉnh thoảng vẫn có những cơn đau nhói. Tôi vẫn nói đùa với con cháu rằng đang có gần cân thép trong cơ thể. Đây, bên trong vẫn còn rất nhiều đạn bi. Thỉnh thoảng, có viên tự động trồi lên khỏi da”, ông Khoa nói rồi chỉ tay vào hai chân chằng chịt những vết thương.

Giờ đây, đã về hưu nhưng ông Khoa chưa cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Trở về với đời thường, nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Khoa cố gắng phấn đấu trong lao động và tích cực tham gia công tác xã hội, luôn ý thức và phát huy giữ gìn truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, ông vẫn đang đảm đương nhiều “trọng trách” như Phó Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố 13 của phường, Chủ tịch hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của phường. Trước đó ông Khoa từng là Phó Chủ tịch UBND phường, Bí thư Chi bộ Văn phòng Ủy ban phường...

“Đứng ra tổ chức những buổi gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sĩ nhân ngày 27/7 hằng năm, chúng tôi ngồi lại với nhau, ôn lại những kỷ niệm, gửi gắm cho nhau những lời động viên khích lệ tinh thần. Góc khuất của cuộc chiến tranh luôn là máu, là xương của những người đã nằm xuống. Tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi mà cha ông, những thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc”, ông Khoa chia sẻ.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự lão luyện, cần mẫn trong người cựu chiến binh ấy, giống như mọi người vẫn nói về ông: “Đã nhận việc gì, nhiệm vụ gì thì anh Khoa chủ tâm, dành mọi tâm huyết để đầu tư”.

“Mình là người thẳng, không chấp nhận mọi biểu hiện hời hợt, giả dối. Mọi người tín nhiệm tức là đặt niềm tin thì mình phải cố gắng làm được việc và càng phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc góp một phần tiếng nói của mình vì sự phát triển, tiến bộ của xã hội”, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ.

THU HUYỀN

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 1 số thứ Hai (119)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-mot-thoi-lua-dan-tren-tuyen-duong-truong-son-a332749.html