Lắng hồn vào tiếng cồng chiêng, đắm say cùng hội làng


Chủ nhật, 17/03/2019 | 00:35


Cùng sự kiện

Thường mỗi làng đều có một vị Thành hoàng có công trong việc khai hoang, mở đất; cũng có vị là võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại sự bình yên cho xóm làng

Hội làng là một sinh hoạt cộng đồng của người Việt đã có từ lâu. Thường mỗi làng đều có một vị Thành hoàng có công trong việc khai hoang, mở đất; cũng có vị là võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có khi Thành hoàng chính là “Tổ nghề”, gây dựng nghề cho bà con. Tùy theo vùng miền, từng làng thờ gì nhưng phần lớn các hội làng thường diễn ra vào mùa xuân.

Niềm vui của hội làng

Hội làng của các quận Gia Lâm, Long Biên năm nay dường như nhộn nhịp, rộn rã hơn. Đành rằng “nhất niên nhất lệ”, đành rằng năm nào chả hội nhưng hội mỗi năm mỗi khác. Đám gái lớn năm ngoái giờ nhường chỗ cho đám gái mới lớn năm nay. Ngực xuân nây nẩy, má xuân hây hây. Đám con trai chợt vụt lớn đến ngỡ ngàng cũng tự thân bước vào lễ hội với những yêu cầu của lệ làng đã hẹn.

Hội làng năm nay dường như náo nức hơn. Mưa xuân nhè nhẹ đủ làm thổn thức con tim. Gió chờn vờn đủ làm lay động những tâm hồn hé nụ. Tôi đứng từ xa để ngắm. Vẫn mái đình làng cũ thâm nghiêm nhưng lại gợi lên nhiều điều mới mẻ trong tâm tưởng. Vẫn những ngả đường, ngõ xóm quen thân vốn bình lặng nhưng đâu đó lại dấy lên sự gấp gáp.

Hội làng năm nào chả vậy mà sao cứ ngóng, cứ chờ, cứ mong, cứ đợi. Người mong đến hội làng để gặp người xa. Người đợi đến hội làng để có dịp khoe chút tài nhỏ mọn. Tiếng hát con trai ồm ồm vỡ giọng. Tiếng ngân thanh nữ nghe ngọt ngọt bùi bùi. Hát rằng: “Hội làng mở giữa mùa xuân/ Người xa xôi bỗng thấy thân lúc nào”. Hội làng bao giờ cũng vậy. Hội mở ở sân đình. Ở cái sân đình rộng rãi thênh thênh vốn ngày thường lũ trẻ con huỳnh huỵch đá bóng rồi hò hét vang trời. Tiếng cười đùa rộn rã, ồn ào. Vậy mà hôm nay bất chợt thiêng liêng, bất chợt cúi đầu thành kính.

Tôi nhớ quãng hơn bốn mươi năm về trước, bữa ấy cũng dịp giữa xuân, bữa ấy cũng trên mảnh sân đình mưa xuân đẫm ướt, anh bộ đội trẻ là tôi về quê nghỉ phép. Mẹ tôi lẳng lặng không nói gì, chỉ kéo tay tôi ra đình làng. Cũng phải nói thêm rằng, đình làng tôi dạo đó bị mai một khá nhiều. Hội đâu còn mở. Sân đình từ nhiều năm trước đã thành sân kho hợp tác. Trên mảnh sân vương vãi những chiếc lá đa rụng muộn và ướt nhèm nước đọng ấy, mẹ tôi nhìn ngó trước sau rồi nói nhỏ vào tai tôi, giọng buồn ngắt nhịp: “Đình là nơi thờ Thành hoàng làng mình đấy con ạ”.

Tôi biết rõ điều đó! Đức Thành hoàng chính là người được làng tôn vinh tôn kính, suy tôn; để làng hàng năm mở lễ mở hội tri ân. Người đó nếu không có công dẫn dắt dân lành đi khai đất lập nên làng thì cũng có công truyền dạy cho người làng thứ nghề thứ nghiệp để dân làng học nghề, kiếm sống và rồi truyền nghề cho con cháu. Hoặc nếu không thì cũng là người tài đức vẹn toàn, có công với dân, có tâm với nước... Người đó cho làng niềm tự hào mãi mãi nên dân tôn vinh rước vào trong đình để làng bảo ban con cháu noi theo.

Hội làng ngày nay

Trong hội làng, mọi người cùng tham gia trình diễn các trò chơi, diễn xướng nghệ thuật sau những ngày lao động vất vả. Vì thế, hội làng đã tạo nên sự cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị văn hóa giữa các thế hệ.

Năm nay, nắng xuân nhè nhẹ. Thời tiết quả biết chiều chuộng lòng người. Trên mảnh sân đình người tới người lui, kẻ vào người ra rộn ràng, nhộn nhịp. Trên sân khấu nhỏ đám trẻ lên bốn lên năm, áo hoa váy đỏ nhún nhảy nhịp chân, bi bô múa hát. Góc phía sát vườn nhãn đang độ trổ bông là chục cô thanh nữ mặt phấn da hoa nghiêm cẩn đóng vai những quân cờ di động.

Ghé tai tôi nói bằng giọng hân hoan, người đàn ông vừa mới kịp quen nói rằng: “Tôi trong đoàn ở bên huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sang đây dâng lễ!”. Thì ra là vậy, khách nơi khác đến hội làng đâu chỉ để xem, đâu chỉ để chơi mà đâu đó còn có nghĩa là để kết thâm giao, để anh em vốn gốc xa xưa đến để nhận họ nhận hàng, đến để thắt thêm tình nghĩa,...

Từ lâu khắp xóm khắp thôn quanh huyện Gia Lâm xưa người dân hay nói “Thấy Xuân Quan là thấy làng. Thấy Bát Tràng là thấy chợ”. Thì ra câu ca ấy muốn lưu muốn dặn lại một điều: “Đất ven sông Hồng này vốn xưa lau sậy um tùm và cũng khá ư hoang vắng. Những người dân từ mạn Văn Giang, Khoái Châu bên Hưng Yên bươn chải tảo tần đã ngược lên đây khai khẩn đất hoang. Và rồi cứ thế, ngày qua ngày, năm tiếp năm, theo thời gian, những cái tên làng như Thổ Khối, Xuân Đỗ, Đông Dư, Trạm, Ngô, Hội... dần xuất hiện. Lâu dần, lịch sử cũng bước sang nhiều trang mới, những cái tên làng khi xưa cũng dần dần trở thành xã, thành phường, cứ thế tiếp nối nhau và dần tạo lập nên những cộng đồng cư dân đông đúc như bây giờ. Tiếng trống thùng thùng khích lệ.

Tiếng cười, tiếng hô gợn sóng giếng đình. Đám trai trẻ tóc nhuộm hung hung, mặt trắng tươi hồng như tài tử phim Hàn đang ngụp, đang bơi chơi trò bắt vịt. Những chú vịt nhanh nhẹn thoắt ẩn thoắt hiện như cố thử tài những chàng trai ngỡ đã lâu rồi quên trò vui quê kiểng. Tiếng loa vang vang. Và bất chợt đâu đó giọng ai hát câu mời trầu vừa ngọt vừa mùi mẫn khiến khách chơi hội ngẩn ngơ.

Ông Tuyên- một thành viên ban tổ chức hội làng tuổi ngoại bảy mươi, từng trải ba mươi nhăm năm quân ngũ, từng cơm Bắc giặc Nam hồi nào đã nói với tôi rằng: “Hội làng còn thì chất làng còn!”.

Chất làng? Đầu tiên là làng dù đã lên phường nhưng mãi thẳm sâu người trước kẻ sau vẫn không quên cội rễ. Công cuộc mưu sinh dẫu có vất vả, kế sinh nhai có thể làm người ta hao mòn tâm can, dòng đời có thể đẩy đưa biết bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời... nhưng tất cả những điều đó không làm người làng phai nhạt tình yêu khi nhớ về cội nguồn chung của mình, của gia đình, dòng họ, tổ tiên, của vùng đất nơi những người quê từng lam lũ sớm chiều... Làng năm nay mở hội. Đám con gái làng ngày thường quần côn váy ngắn hôm nay xúng xính trong những liếp áo mớ bảy mớ ba, tóc vấn đuôi gà. Đám gái xuân lần đầu dự hội bất chợt thẹn thùng. Chiếc kiệu rước vong như đã nhập hồn “cố nhân”, quay quay xoay tít. Mấy cô trinh nữ má đỏ hây hây nhẫn nại gồng vai vừa xoay theo kiệu, vừa cố giữ cho kiệu khỏi nghiêng ngả. Lúc này, trưởng ban tổ chức hội làng mới cất lời: “Giữ được kiệu vong Thành hoàng tức là ngài đã ưng đã nhận. Mừng rồi. Làng năm nay chắc khá!...”.

Tôi lắng mình vào tiếng trống tiếng chiêng, đắm hồn vào từng màn múa hát mà lòng lại chợt hân hoan như hồi còn trẻ: “Năm sau lại tới Hội làng!”. 

Nguyễn Trọng Văn 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 43

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-hon-vao-tieng-cong-chieng-dam-say-cung-hoi-lang-a266698.html