Một năm sống trên vũ trụ, cơ thể phi hành gia thay đổi như thế nào khi trở về Trái Đất?


Thứ 3, 25/04/2017 | 10:19


Sau một năm sống trên vũ trụ khi trở về Trái Đất, cơ thể phi hành gia có sự biến đổi đến kỳ lạ.

Sau một năm sống trên vũ trụ, khi trở về Trái Đất, cơ thể phi hành gia có sự biến đổi đến kỳ lạ.

Phi hành gia Scott Kelly là người Mỹ đầu tiên sống trong không gian suốt một năm liền và ông đã quay về trái đất vào tháng 3/2016.

Đối với ông, một năm sống trên vũ trụ là quãng thời gian dài khi phải sống ở một nơi không hề có không khí, trọng trường, và đặc biệt là không được tiếp xúc với những người thân yêu.

Theo Scott, sau khi đáp xuống trái đất, vì suốt một năm trời không hề chạm vào thứ gì nên khi trở về nhà, da của ông trở nên cực kỳ mẫn cảm và rất dễ nổi mẩn, dị ứng.

Chân của ông cũng bị sưng do các thay đổi về trọng lực và bản thân ông thì có những biểu hiện như bị cúm. Chiều cao của Scott cũng tăng thêm khoảng 5cm nhưng chỉ trong vòng hơn một ngày thì nó đã trở lại như cũ.

Scott được các đồng nghiệp hỗ trợ sau khi đáp xuống trái đất.

Tất cả những biểu hiện đó chỉ là do cơ thể của Scott đang cố gắng tái thích nghi với môi trường sống trên trái đất chứ không hẳn là những thay đổi đáng chú ý đối với các nhà khoa học. Được biết, trong lúc Scott Kelly sống trong không gian, người anh em sinh đôi của ông là Mark Kelly đã ở lại trái đất để làm thí nghiệm đối chiếu về những thay đổi của cơ thể người.

Theo như xét nghiệm ban đầu, các nhà khoa học nhận thấy cả Scott lẫn Mark đều có hàng trăm đột biến gen độc nhất ở mỗi cá thể người, với hơn 200.000 phân tử RNA được thể hiện khác nhau.

Tuy nhiên những biến đổi hóa học trên DNA của Scott giảm rõ rệt khi ông sống trên vũ trụ, và trở lại bình thường khi ông quay về trái đất. Còn DNA của Mark cũng có một số biến đổi nhưng đến cuối thí nghiệm cũng đã trở lại bình thường. Điều này cho thấy gen của con người nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, dù là trong không gian hay trên trái đất.

Điểm khác biệt thứ hai xảy ra trong cơ thể Scott chính là các telomere (những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể). Thông thường, tuổi một người càng cao thì các telomere của họ sẽ càng ngắn lại, nhưng các telomere của Scott lại dài ra khi ông sống trong không gian.

Thế nhưng khi ông trở về trái đất thì các telomere của ông lại hoạt động bình thường. Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được chính xác điều này nhưng theo họ thì thay đổi này xảy ra có thể là do ảnh hưởng của việc vận động cơ thể được tăng lên và việc giảm lượng calo hấp thụ.

Khi trở về Trái Đất cơ thể Scott có nhiều thay đổi. Sự linh hoạt của các ngón tay của ông phục hồi chậm hơn hẳn so với các phi hành gia với nhiệm vụ 6 tháng.

Ngoài ra, cơ cấu xương của Scott cũng bị suy yếu đi, thế nhưng mức độ hormone chữa lành nhằm tăng cường sức khỏe cho xương và cơ bắp lại tăng lên, và nguyên do hợp lý nhất là do tác động của tất cả những bài vận động cơ thể mà bất kỳ phi hành gia nào cũng phải thực hiện mỗi ngày nhằm chiến đấu chống lại nguy cơ mất xương và cơ bắp.

Về phần khéo léo của cơ bắp, kiểm soát dáng điệu và sự ổn định cơ thể, Scott không tỏ ra có mấy khác biệt so với các phi hành gia sống trong vũ trụ chỉ 6 tháng. Tuy nhiên khả năng chỉ, di ngón tay, dò theo các hình dạng và nắm lấy các vật đang xoay trên màn hình máy tính của Scott lại phục hồi chậm hơn hẳn các phi hành gia với nhiệm vụ 6 tháng.

Sau khi công bố những kết quả trên, NASA cũng chia sẻ thêm rằng đây chỉ là những khám phá ban đầu và nghiên cứu của họ sẽ vẫn được tiếp tục, và có thể cũng trong năm nay, một nghiên cứu chuyên sâu sẽ được công bố. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-nam-song-tren-vu-tru-co-the-phi-hanh-gia-thay-doi-nhu-the-nao-khi-tro-ve-trai-dat-a188307.html