Nàng Mây bỏ đô thị phồn hoa về quê phân loại rác thải


Thứ 2, 01/03/2021 | 02:28


Cùng sự kiện

Sau khi đi qua 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, cô gái trẻ quyết định rời bỏ đô thị phồn hoa về quê làm nông nghiệp sạch và phân loại rác thải.

Sau khi đi qua 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, cô gái trẻ quyết định rời bỏ đô thị phồn hoa về quê làm nông nghiệp sạch và phân loại rác thải với mong muốn thay đổi nhận thức mọi người về môi trường sống.

Nàng Mây (tên thật là Kiều Thị Hồng Vân, 32 tuổi, sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk) đã có những chia sẻ thú vị trên mạng xã hội. Bài viết của Mây trên nhóm “Bỏ phố về vườn” nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người.

Bài viết đăng tải có nội dung như sau: “Nhà em ba đời xả rác bừa bãi. Đến đời em về dọn rác. Cả buổi sáng thu gom được nhiêu đây rác từ cái mương bỏ. Thật ra đó không phải là rác của ba đời nhà em. Chắc có cả ba đời nhà hàng xóm nữa. Thề luôn là rất nản. Càng bới càng ra rác…Em ước em có tiền để đi thu gom rác miễn phí cho cả xã. Mọi người ai chôn rác dưới đất thì xem xét lại vụ thoát nước sau này nhé”.

Mới đây, nàng Mây đã có bài viết đăng tải trên mạng xã hội hướng dẫn cách phân loại rác, được đông đảo mọi người quan tâm. (Ảnh: NVCC)

Trò chuyện và lắng nghe thiên nhiên

Mây sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tây cũ. Lên 6 tuổi, gia đình gặp biến cố, cô phải theo cha mẹ vào Đắk Lắk làm kinh tế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Mây không có điều kiện học tập. Thương con gái, mẹ gửi cô về Hà Tây nhờ họ hàng giúp cho việc tới trường. Năm 14 tuổi, Mây vào Đắk Lắk đoàn tụ cùng gia đình.

Năm 18 tuổi, Mây lên TP. HCM học tập và làm việc. Cô theo đuổi ngành du lịch, kinh doanh bất động sản và gặt hái được nhiều thành công. Thu nhập cao giúp cô nàng có cuộc sống giàu sang, có điều kiện đi du lịch quốc tế.

Nàng Mây xinh đẹp chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Tôi quyết định lên thành phố bởi lúc đó chỉ muốn thoát cảnh nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế nhưng, sau khi đi qua vùng nông thôn của 26 quốc gia, tôi muốn trở về nơi mình sinh sống để bảo tồn thiên nhiên. Hà Tây là nơi sinh ra nhưng Đắk Lắk là nơi đùm bọc gia đình. Đầu năm 2021, tôi chính thức bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch”.

Cô gái trẻ có cuộc sống sung túc ở thành phố nhưng lại quyết định về quê sinh sống.

Hằng ngày, cô nhặt rác xung quanh khu vực mình sinh sống.

Trở về quê, Mây bắt tay vào cải tạo ruộng vườn. Cuộc sống giản dị, bình yên khiến cô nàng hạnh phúc. Nhưng Mây luôn trăn trở bởi rác thải xuất hiện khắp nơi: Bao nilon và chai lọ nhựa vứt ngổn ngang ven đường, túi bóng, pin cũ bị quẳng xuống lòng sông… Mây thấy mọi người đều hiểu tác hại của hành vi vứt rác bừa bãi nhưng vẫn “tiện tay” quăng rác. Chiến dịch thu gom và phân loại rác của cô được triển khai nhanh chóng.

Khi bắt đầu làm, tôi thấy háo hức. Tôi coi những bao rác là chiến lợi phẩm. Nhưng càng moi được nhiều rác, tôi càng thấy bực mình, nhiều lúc tức điên lên. Gặp gốc cây bị vùi trong rác, tôi cặm cụi bới những chiếc rễ trắng ngoằn ngoèo bị bao quanh bởi bỉm, túi nilon mà thấy xót thương. Tôi cứ vừa làm vừa nói chuyện với cây, nhiều người tưởng bị tâm thần”, nàng Mây bật cười tâm sự.

Chiếc rễ cây được nàng Mây giải cứu khỏi bao bì nilon.

“Không còn trẻ để bận tâm lời người khác”

Mây kể rằng cô bắt đầu phân loại rác thải từ nhiều năm trước. Trong một lần qua nước Đức, Mây chia sẻ nỗi trăn trở với người bạn nước ngoài và nhận được lời khuyên bổ ích. Nước Đức đã mất 10 năm để thay đổi tư duy và hành động của mọi người dưới sự nghiêm khắc tuyệt đối.

Nhựa là chất liệu khó phân hủy nhưng bị vứt bừa bãi khắp nơi.

Mỗi ngày, cô nàng dành 2 giờ để thu gom và phân loại rác.

Nàng Mây cho biết: “Lắng nghe lời chia sẻ của người bạn, tôi nhận ra biện pháp tốt nhất là hình thành thói quen tốt. Bởi nếu chỉ một cá nhân hay một nhóm người có ý thức thì cũng không cải thiện được môi trường. Thế hệ trẻ được tiếp thu kiến thức văn minh, được sang nước ngoài mở rộng tầm mắt thì phải có tư duy tiến bộ”.

“Khi tiến hành phân loại rác, tôi phân tích cho cha mẹ hiểu. Còn những người hàng xóm xung quanh cho rằng đó là công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng tôi không còn trẻ để bận tâm lời người khác. Cứ làm việc thầm lặng để mọi người thấy môi trường sống sạch sẽ, xanh đẹp hơn. Khi đó, họ sẽ tự thay đổi suy nghĩ và hành động cùng”, cô gái trẻ chia sẻ.

Công việc ngoài trời nóng bức, oi ả khiến Mây mệt mỏi.

Rác nilon mất 500-1.000 năm mới phân hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất đai, nguồn nước, hệ sinh thái. Hằng năm, thiên tai xảy ra đều do con người tàn phá môi trường. Không phân loại rác đúng cách là hành vi hủy hoại nghiêm trọng nhất.

Đối với rác hữu cơ, Mây khuyên người dân tận dụng để bón cây trồng, hoa màu. Đối với chai, lọ nhựa, sắt vụn cần để riêng để bán phế thải. Riêng bao bì nilon và các loại rác không phân hủy cần để riêng một bịch. Pin dùng hết sẽ thả vào một chai nhựa khác. Tương tự, những mảnh thủy tinh, pha lê cũng làm vậy. Sau một thời gian, bạn hãy mang rác phân loại tới bãi rác trung tâm trên huyện để công nhân môi trường xử lý. Hành động rất nhỏ và đơn giản nhưng sẽ giúp môi trường và sức khỏe con người tốt hơn.

Nhưng khi thu gom được nhiều rác, cô lại vui mừng và coi đó là chiến lợi phẩm.

Mây mong muốn người dân sẽ có hành động thiết thực bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất: Không vứt rác bừa bãi, phân loại rác thải, tuyên truyền tới mọi người về tác hại của rác...

Khác với mọi người nghĩ rằng hãy cứ làm tốt phần việc của mình, tôi có tham vọng nhiều hơn thế, mong muốn thay đổi cái nhìn của người dân về rác. Tôi nghĩ rằng “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ chạm tới ít nhiều các bạn”, nàng Mây đưa ra lời khuyên sâu sắc.

Ứng Hà Chi
 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nang-may-bo-do-thi-phon-hoa-ve-que-phan-loai-rac-thai-a357097.html