Những đêm giao thừa không ngủ của “người hùng trên cầu Chương Dương”


Thứ 6, 24/01/2020 | 07:19


Cùng sự kiện

Đứng “gác” trên cầu Chương Dương những đêm 30 Tết, người chiến sỹ ấy chưa bao giờ ngừng nhớ về gia đình, về một bữa cơm đoàn viên được sum vầy cùng vợ con.

Đứng “gác” trên cầu Chương Dương những đêm 30 Tết, người chiến sỹ ấy chưa bao giờ ngừng nhớ về gia đình, về một bữa cơm đoàn viên được sum vầy cùng vợ con, cùng nhau chứng kiến sự chuyển giao của đất trời…

“Ông cảnh sát giao thông tử tế”

Gặp lại nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) vào một ngày gần Tết, vẫn là gương mặt khắc khổ, da ngăm đen nhiều nếp nhăn, ông cười hiền giọng sang sảng với lấy chiếc ghế nhựa ngồi trước quán cà phê quen thuộc.

“Người gác” cầu Chương Dương cho biết, từ ngày lui về “hậu phương” ông có nhiều thời gian để gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ nên cuộc sống chưa bao giờ là tẻ nhạt. Nhất là mấy ngày đầu mới về nghỉ hưu, ông nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn của những người ông chưa nhớ hết được tên, chưa từng biết mặt. Họ chia sẻ, bày tỏ tình cảm yêu mến ông và tiếc nuối khi qua cầu không còn được nói câu quen thuộc: “Chào chú Đoàn”, “Chào ông cảnh sát giao thông tử tế...”.

Nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn khi còn công tác trong ngành công an. Ảnh: Người Đưa Tin

Nhấp một ngụm cà phê đen nóng hổi, nhìn về phía Nhà thờ lớn (Hà Nội), nơi tiếng chuông đang được rung lên như lắng đọng lòng người, nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn bỗng nhớ lại bao chuyện buồn vui khi ông còn đương thời.

Ông chia sẻ: “Cầu Chương Dương là tuyến giao thông huyết mạch nên lượng xe lưu thông lúc nào cũng rất đông, công việc vất vả lắm. Đặc biệt, khí hậu Việt Nam lại vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè thì nắng cháy da thịt, mùa đông thì gió lạnh thổi buốt đến tận ruột gan, mưa táp vào mặt đau rát như kim châm”.

Năm 2005, ông Lê Đức Đoàn được tăng cường vào Đội CSGT số 6, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thời điểm đó lực lượng Công an Hà Nội đang tập trung đấu tranh triệt phá nhóm cướp hoạt động trên một số tuyến quốc lộ.

“Đêm hôm ấy, tôi đang tuần tra thì phát hiện nhóm cướp giật tài sản của một người phụ nữ đi theo hướng Thái Nguyên- Hà Nội nên lao ra truy bắt. Lúc này, nhóm đối tượng chừng 10 người dùng tuýp sắt dài cùng gạch đá chống trả quyết liệt. Khi đồng đội đến hỗ trợ, tôi đã bị vỡ xương mặt, gẫy mũi, được mọi người đưa vào viện cấp cứu. Hai đối tượng trong nhóm bị bắt tại chỗ”, ông Đoàn kể lại.

Sau khi nằm đủ 3 tháng mới được xuất viện, nguyên Thượng tá Lê Đức Đoàn nhận nhiệm vụ tại chốt cầu Chương Dương, bắt đầu một bước ngoặt mới trong cuộc đời người chiến sỹ cảnh sát giao thông.

Người “gác cầu” đêm giao thừa

Theo nguyên Thượng tá Đoàn, những ngày gần Tết công việc lại càng bận rộn hơn bởi đây là thời điểm “nóng” gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông. Ngoài thời gian làm việc tại chốt, nhiều khi ông còn nhận được những cuộc gọi thoại bất ngờ từ người dân thông báo về tình hình cướp giật, tai nạn hay có người định nhảy cầu quyên sinh. Những lúc này, không quản ngày đêm hay mưa nắng, ông lập tức lao ra đường, cố gắng làm sao để có thể trợ giúp được người dân tốt nhất.

“Chúng tôi luôn nhớ đến câu nói ‘Thức cho dân ngủ, gác cho dân chơi’, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù là ngày lễ Tết vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bám trụ tại chốt phân công để đảm bảo an toàn cho người đi đường”, nguyên thượng tá CSGT chia sẻ.

Nguyên Thượng tá Đoàn kể về những đêm giao thừa không ngủ.

Sau khi nghỉ hưu vào cuối tháng 10/2014, đó cũng là năm lần đầu tiên ông được ăn Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân. Còn trước đó, gần 40 năm công tác trong ngày công an là từng ấy thời gian ông phải trực và đón giao thừa ngoài đường.

“Khu vực gần cầu Chương Dương là nơi có quang cảnh đẹp, dễ xem bắn pháo hoa nên đêm giao thừa lúc nào cũng rất đông người. Do đó, anh em chúng tôi hầu như phải thức xuyên đêm nỗ lực phân làn đường, tránh ùn tắc, đảm bảo cho bà con được du xuân trọn vẹn”, nguyên Thượng tá Đoàn cho hay.

Nói đến đây, nguyên Thượng tá Đoàn chợt trầm giọng xuống, ông nhớ lại một câu chuyện xúc động trong đêm 30 lạnh giá: “Vào lúc nhiều người chen lấn xem bắn pháo hoa, có một bé trai khoảng 10 tuổi bị lạc gia đình rồi khóc thét lên. Thấy thế, tôi vội lại hỏi thăm thì cháu cho biết nhà ở Long Biên, Hà Nội. Ngay lập tức, tôi liền giao nhiệm vụ nhờ anh em trong đội giúp rồi đưa cháu về tận nhà. Bố mẹ cháu mừng rỡ khi gặp lại con, thấy cảnh đó, tôi không khỏi xúc động".

Song, dù mạnh mẽ đến mức nào thì trong thời khắc chuyển giao năm mới, người chiến sỹ ấy vẫn không tránh được phút chạnh lòng.

“Nhớ về những năm còn công tác mỗi khi đến Tết tôi buồn lắm chứ, trong lòng lúc nào cũng nhớ về gia đình, thèm một bữa cơm chiều 30 Tết được sum vầy cùng vợ con.  

Dù buồn nhưng thú vị là rạng sáng đầu năm nào tôi cũng là người đầu tiên xông đất gia đình, nhiều khi nghĩ chả biết có hợp tuổi không nhưng đằng nào cũng phải về nhà vào dịp đó. Quan trọng, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, niềm tin yêu của người dân. Đây là động lực lớn lao giúp chúng tôi cố gắng phấn đấu hơn”, thượng tá Đoàn cười hạnh phúc.

Nguyễn Phượng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dem-giao-thua-khong-ngu-cua-nguoi-hung-tren-cau-chuong-duong-a308824.html