Những ai đang dùng điện thoại di động dỗ con ăn bột nên ngừng càng sớm càng tốt


Thứ 2, 29/04/2019 | 13:30


Cùng sự kiện

WHO cảnh báo không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi tiếp xúc với màn hình, không nhốt chúng vào cũi hơn 60 phút/lần và cho chúng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.

WHO cảnh báo không nên cho trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử, không nhốt con vào cũi hơn 60 phút/lần và phải vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Ngày 25/4, Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên công bố các chỉ dẫn liên quan đến hoạt động thể chất cho trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có nội dung đề cập đến việc sử dụng màn hình điện tử trong các gia đình có con nhỏ.

Béo phì đang trở thành vấn nạn đối với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến 80% số thanh thiếu niên đang tuổi lớn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đã đến lúc đưa ra những lời khuyên cần thiết nhất cho trẻ dưới 5 tuổi, vốn được xác định là giai đoạn then chốt trong việc hình thành lối sống sau này.

Dùng điện thoại di động để dụ con ăn cần dừng ngay - ảnh minh họa.

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, WHO đề nghị ít nhất 30 phút vận động thể chất mỗi ngày, và cha mẹ không nên nhốt chúng vào xe đẩy, ghế cao hơn 60 phút/lần, không nên cho trẻ tiếp xúc màn hình. Trẻ độ tuổi này cũng nên ngủ từ 12 - 17 giờ/ngày.

Phụ huynh ngày nay có thói quen quẳng điện thoại di động, máy tính bảng cho con trẻ để chúng yên tĩnh, không làm phiền họ - Ảnh: Reuters.

Khi trẻ từ 1-2 tuổi, thời gian hoạt động thể chất nên bảo đảm 3 giờ/ngày, giới hạn thời gian ngồi trước màn hình dưới 60 phút và phải đảm bảo ngủ ít nhất 11 giờ.

Trong trường hợp trẻ từ 3-4 tuổi, chúng cần đến 3 giờ vận động, chơi đùa, trong khi thời gian ngồi trước màn hình không quá 1 giờ.

WHO không đưa ra các hậu quả tiêu cực về sức khỏe lẫn phát triển tâm thần đối với những trẻ không được bảo đảm các điều trên. Tuy nhiên những nghiên cứu mới nhất gần đây đều cho rằng chúng làm giảm khả năng ngôn ngữ và phát triển não bộ của trẻ.

Nghiên cứu mới đây được xuất bản trên tạp chí Jama Pediatrics chỉ ra việc dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình có thể khiến trẻ em chậm phát triển.

Các nhà nghiên cứu Canada từ Đại học Waterloo, Đại học Calgary và Viện nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng Alberta cho biết trẻ em hai tuổi dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình có kết quả kiểm tra phát triển thấp hơn so với trẻ dành ít thời gian hơn với các thiết bị điện tử. Bài kiểm tra với trẻ ba tuổi cũng cho kết quả tương tự.

"Điểm mới của nghiên cứu này là chúng tôi đã khảo sát trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ, từ 2 đến 5 tuổi, khi não bộ nói riêng và trẻ em nói chung thực sự phát triển rất nhanh. Chúng tôi đang nhận thấy những ảnh hưởng lâu dài này" đối với trẻ nhỏ, tiến sĩ Sheri Madigan, tác giả đầu tiên của nghiên cứu thuộc Đại học Calgary, nói với Guardian.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng các bậc cha mẹ nên thận trọng khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử.

"Khi trẻ nhỏ nhìn vào màn hình, chúng có thể bỏ lỡ cơ hội thực hành và hoàn thiện các kỹ năng tương tác, giao tiếp cũng như vận động", các tác giả viết trong nghiên cứu.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ai-dang-dung-dien-thoai-di-dong-do-con-an-bot-nen-ngung-cang-som-cang-tot-a272715.html