Đàn bà thoát thân "tầm gửi", sống độc lập, mạnh mẽ đàn ông càng sợ mất


Thứ 4, 13/09/2017 | 01:21


Cùng sự kiện

Người phụ nữ muốn hạnh phúc phải biết kiên quyết, sáng suốt trong mọi quyết định để bản thân không tổn thương.

Người phụ nữ muốn hạnh phúc phải biết kiên quyết, sáng suốt trong mọi quyết định để bản thân không tổn thương. Bởi đàn ông, muôn đời vẫn là kẻ dễ thay lòng đổi dạ, đôi khi chỉ trong một tích tắc. Vì thế, phụ nữ hãy biết sống cho mình và luôn có tâm lý sẵn sàng cho mọi biến cố trong hôn nhân.

Bị coi là “vô công rồi nghề”, những người phụ nữ ở nhà nội trợ mặc nhiên bị coi là tỷ phú thời gian và với chồng, gia đình chồng, họ thật sung sướng vì không phải làm việc gì cả và đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác. Thế nhưng thực tế, có không ít người vừa chăm lo cho gia đình lại vừa có một công việc làm thêm “tiền vào như nước”.

Trông con vốn dĩ đâu có... việc để làm?

Chị Vân Anh (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) trở thành “người phụ nữ của gia đình” đã được 3 năm. Nhưng với chị, chưa bao giờ chị hối hận bởi quyết định của mình, bởi không giống những người vợ ở nhà làm nội trợ khác, chị đã chuẩn bị một cánh cửa cho riêng mình từ trước khi quyết định nghỉ việc. Chị Vân Anh bắt đầu tập tành bán hàng online. Món hàng chị bán là những đặc sản quê: Mật ong, gà đồi, cá, tôm đồng, hoa quả sạch,...

Tuy việc kinh doanh online không cho chị mức thu nhập “khủng” như khi chị còn là Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu, nhưng lại là lựa chọn thích hợp nhất để chị vừa chăm sóc được con, chăm lo việc gia đình lại không phải sống phụ thuộc vào chồng.

Giống như chị Vân Anh, chị Gia Hân (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) nghỉ việc giáo viên để ở nhà “quẩn quanh xó bếp”. Vốn khéo tay nên sau 1 tháng ở cữ, chị Hân bắt đầu học làm vòng tay, hoa lụa, cặp tóc, ốp điện thoại,... và nhiều đồ trang trí nhỏ xinh. Chị chọn những sản phẩm đẹp và ấn tượng đến chào hàng tại các cửa hiệu chuyên bán đồ handmade.

“Ban đầu tôi xin ký gửi hàng của mình tại các cửa hàng với điều kiện sẽ chia 50% lợi nhuận cho họ. Sau đó thấy mặt hàng của tôi được nhiều người yêu thích các cửa hàng bắt đầu nhập về bán, nhờ đó tôi có một lượng tiêu thụ ổn định.

Để việc buôn bán thuận lợi hơn, tôi tạo page (trang Facebook), chạy quảng cáo để page có lượng like, lượng tương tác tốt. Sản phẩm của tôi cũng linh động theo mùa. Ví dụ Vu Lan vừa rồi tôi làm thêm xôi ngũ sắc, hoa mẫu tử lụa. Trung thu sắp tới tôi cũng đang chào hàng những loại bánh handmade hình thù đa dạng”, chị Hân cho biết.

Theo chị Hân, những sản phẩm chị kinh doanh đều là tranh thủ được những lúc chơi với con, ru con ngủ hay làm cho gia đình rồi “tiện công” làm nhiều hơn để kiếm thêm nên dù bận bịu việc gia đình, con cái nhưng chị vẫn tạo được thu nhập riêng.

Chị Nguyễn Thị Mai Hường (SN 1986, Gia Lâm, Hà Nội), người phụ nữ từng 5 năm sống trong cuộc hôn nhân địa ngục chỉ vì kết hôn sớm, sống đời tầm gửi. Chị Hường không giấu nổi sự xót xa: “Tôi lên xe hoa về nhà chồng năm 20 tuổi, khi đó, tôi đang mang bầu tháng thứ tư. Bỏ lại giấc mơ đại học dang dở, bỏ lại tất cả những kỳ vọng của bố mẹ... để bắt đầu cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Mạnh - chồng tôi sinh năm 1985, anh làm kỹ sư xây dựng. Ngoài công việc chính, anh còn chạy thêm nhiều dự án nên đủ kinh tế lo cho cả gia đình bao gồm: Bố mẹ chồng, vợ và đứa con trong bụng tôi. Anh thường xuyên nói: “Học hành gì nữa, ở nhà chăm con cho tôi nhờ””.

Giờ hành chính của các bà vợ ở nhà nội trợ không phải 8 tiếng mà gần như hơn 20 tiếng/ngày. (Ảnh minh họa).

Cũng bởi chồng ngăn cản, nên dự định quay lại giảng đường của chị ngày một xa dần. Từ ngày ở nhà, mỗi tháng chồng Hường đưa cho chị 4 triệu đồng để chi tiêu, nhưng tuần nào anh cũng dẫn bạn bè về nhà ăn nhậu. Mỗi lần như thế, anh sai chị đi chợ, nấu cơm thiết đãi khách tươm tất. Hôm nào, chị làm không đúng ý, đều bị anh chê bai, nói xiên xỏ đủ điều.

Dù hoàn cảnh nào cũng phải độc lập

Khi hôn nhân bước sang năm thứ 5, chị Hường phát hiện chồng có bồ. Cuối cùng vợ chồng chị Hường chính thức đường ai nấy đi. Dù đau buồn và còn chút tình yêu với chồng, nhưng chị tự nhủ phải cố gắng, gạt bỏ quá khứ. Chị trở lại spa xưa kia mình làm việc xây dựng lại từ đầu. Trước tiên, được bạn bè tư vấn, chị Hường đi sửa sang khuôn mặt một chút, dành thời gian chăm sóc cho bản thân hơn. Cứ thế, chị dần tìm lại được niềm vui, tin yêu cuộc sống.

Năm 28 tuổi, chị Hường bén duyên với việc kinh doanh thêm mỹ phẩm, nhờ ngoại hình xinh xắn lại khéo ăn nói, nên công việc kinh doanh khá thuận lợi. Từ việc nhập sỉ, lẻ mỹ phẩm số lượng nhỏ, chị Hường nhận được ngày càng nhiều những đơn hàng lớn trên toàn quốc, chị chính thức mở thêm nhiều đại lý lớn, nhỏ ở các tỉnh và trở thành bà chủ nhỏ-điều chị từng mơ ước trước khi lên xe hoa về nhà chồng.

Có uy tín, chị Hường mở thêm một spa nhỏ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chính quyết định táo bạo đã mang lại thành công cho người phụ nữ từng mang danh kẻ ăn bám này: “Từ ngày đó, chưa đêm nào tôi quên được những lời anh ta nói, tôi tự hứa sẽ đẹp, sẽ chăm sóc tốt cho con trai của chúng tôi. Vì sao ư? Vì tôi không phải là cây tầm gửi, kẻ ăn bám, tôi cũng có thể làm được những điều lớn lao”.

Lương của anh Minh, chồng chị Vân Anh mỗi tháng lên tới hơn 1.000USD, nhưng chưa bao giờ chị Vân Anh nảy sinh suy nghĩ để chồng nuôi dù nhiều lần anh chị tranh cãi về vấn đề kinh doanh online của chị.

“Thấy vợ ngoài việc chăm sóc chồng con lại kiêm thêm bán hàng online, hai mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, tôi vừa thương vừa giận. Nhiều lần hai vợ chồng giận nhau vì tôi đề nghị cô ấy bỏ việc kinh doanh để có thêm thời gian chơi với con, nghỉ ngơi chăm sóc bản thân, nhưng vợ tôi kiên quyết không đồng ý với lý do không muốn bị coi là kẻ ăn bám chồng. Trời không chịu thì đất đành xuống nước, những dịp cuối tuần, sau thời gian đưa vợ con đi ăn, đi chơi, tôi lại hỗ trợ vợ đóng gói hàng để gửi ship chuyển qua cho khách”, anh Minh cho biết.

“Tôi không chê trách gì những phụ nữ toàn tâm toàn ý ở nhà chăm lo cho gia đình, nhưng theo tôi, nếu các chị cứ để mình trì trệ theo năm tháng thì thật đáng chê trách. Các chị không những phụ thuộc chồng về tài chính mà còn cả về tâm trạng. Vui buồn gì cũng phụ thuộc vào thái độ của chồng con. Sống như thế khổ trăm bề. Nếu các chị không có khả năng kinh doanh thì có thể nhận những việc làm thêm nhẹ nhàng để có chút đồng ra đồng vào, rồi tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu bạn bè để không bị lạc hậu với thời cuộc. Hãy là một phụ nữ đẹp từ bếp ra đến phòng khách”, chị Hân bày tỏ quan điểm.

Chuyên gia tâm lý Trần Ly nhận định, phụ nữ tuyệt đối không nên sống đời “tầm gửi” bởi đó là quyết định nhất thời nhưng để lại hậu quả lớn. Phụ nữ ngày nay cũng làm việc cơ quan 8 tiếng như đàn ông, họ cống hiến, giỏi giang... vì sao lại phải chọn làm ô sin cho nhà chồng? Người phụ nữ muốn hạnh phúc phải biết kiên quyết, sáng suốt trong mọi quyết định để bản thân không tổn thương. Bởi đàn ông, muôn đời vẫn là kẻ dễ thay lòng đổi dạ, đôi khi chỉ trong một tích tắc. Vì thế, phụ nữ hãy biết sống cho mình và luôn có tâm lý sẵn sàng cho mọi biến cố trong hôn nhân.

Phụ nữ đừng để chồng và gia đình “xỏ mũi”

Nhà nghiên cứu Tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty Tư vấn An Việt Sơn) cho rằng: “Bây giờ, nhiều chị em thua thiệt, lấy chồng là tin tuyệt đối ở chồng. Họ cứ nghĩ rằng, chồng sẽ thật lòng yêu thương, thủy chung với mình. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu kỹ năng sống. Một số người chồng (số ít) chỉ biết đến chữ tình mà quên chữ nghĩa. Họ là những người gia trưởng, lấy vợ để được “hưởng lợi”, có người cung phụng bếp núc, chăm lo con cái... Họ cứ nghĩ, số tiền họ đi làm đưa về cho vợ - kẻ ăn bám ở nhà là đủ bù đắp cho sự hy sinh của người phụ nữ, tuy nhiên đó chỉ là 1/3 cuộc sống, còn 2/3 nữa là đời sống tinh thần - người phụ nữ đã mất đi”.

Theo ông Nguyễn An Chất, để chấm dứt tình trạng bị chồng coi thường, người phụ nữ phải thương mình, không nên để cho chồng và gia đình “xỏ mũi” dắt đi. Phải biết vươn lên làm chủ bản thân tìm cách giải quyết tốt đẹp nhất, tránh tình trạng “ăn vụng” để gia đình chồng và chồng có cớ coi thường mình.

Phong Linh - Thanh Bình

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-ba-thoat-than-tam-gui-song-doc-lap-manh-me-dan-ong-cang-so-mat-a201703.html