Những viên thuốc chữa ung thư giả bị VN Pharma tuồn vào Việt Nam thế nào?


Thứ 3, 22/08/2017 | 14:13


Cùng sự kiện

Dưới đây là hành trình tuồn vào Việt Nam của số thuốc chống ung thư giả gây chấn động dư luận đang được xét xử của VN Pharma.

Vụ VN Pharma nhập hàng ngàn viên thuốc chống ung thư giả gây chấn động dư luận nhiều năm qua đang được đưa ra xét xử. Dưới đây là hành trình tuồn vào Việt Nam của số thuốc dỏm này.

Cuối năm 2013, Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma, đặt Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C mua thuốc tân dược của Công ty Helix Pharmaceuticals (Canada) sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Caplet để chữa bệnh ung thư (chỉ định điều trị các bệnh ung thư: vú, dạ dày và đại trực tràng).

VN Pharma đã từng cung cấp rất nhiều loại thuốc cho các bệnh viện công.

Tháng 4/2014, nhận thấy có dấu hiệu bất thường của nguồn gốc thuốc, Cục Quản lý dược tiến hành thanh tra Công ty VN Pharma, kiểm tra lô hàng. Kết quả mẫu giám định của Bộ Y tế cho thấy, lô thuốc NK này chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Cơ quan chức năng đã bắt giữ lô thuốc trên.

Mặc cho vụ việc trên, không hiểu thế nào mà đến tháng 5/2014, VN Pharma lại vẫn trúng thầu cung cấp thuốc tập trung của Sở Y tế TP HCM với tổng trị giá mặt hàng trúng thầu là hơn 14,6 tỉ đồng. Được biết giá kế hoạch mà cơ quan này mời thầu là 66.000 đồng/viên nhưng thuốc của Công ty CP VN Pharma trúng thầu với giá rất rẻ, chỉ 31.000 đồng/viên.

Phải cho đến ngày 1/8/2014, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) mới có văn bản yêu cầu Công ty CP VN Pharma tạm ngừng lưu hành thuốc H-Capital 500mg Caplet. Cơ quan công an xác định ở Canada không có công ty dược nào tên Helix Pharmaceuticals. Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận dấu hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký của tham tán Đại sứ quán Việt Nam trong giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc và chứng nhận bán hàng tự do đều là giả. Kết quả xác minh tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng cho thấy Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chỉ có tham tán Nguyễn Văn Quyến, không có tham tán tên Nguyễn Văn Quyền. Trong khi đó, ông Quyến khẳng định không ký các giấy tờ trên.

Kết hợp tất cả các chi tiết trên, đến ngày 8/8/2014, Cục Quản lý dược đã có công văn gửi Cục An ninh chính trị nội bộ vụ - Bộ Công an đề nghị xác minh thông tin nghi vấn liên quan loại thuốc nêu trên.

Tối 19/9/2014, Cục An ninh chính trị nội bộ bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma), đồng thời khám xét tại kho chứa thuốc của Công ty CP VN Pharma, thu giữ 9.268 hộp H-Capital 500mg Caplet.

Kết quả điều tra của cơ quan an ninh cho biết, từ năm 2013 đến ngày 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng thông qua Võ Mạnh Cường đã làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu bất hợp pháp gồm: giấy chứng nhận bán hàng tự do, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc của Canada để đóng vào Hồ sơ thuốc H-Capital 500mg Caplet, hợp thức hóa tiêu chuẩn và chất lượng; làm giả các chứng từ, thủ tục thanh toán tiền để được Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capital 500mg Caplet, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Trị giá hàng buôn lậu hơn 251.000 USD, tương đương hơn 5,3 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, Ngô Quốc Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma) khai nhận đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà Công ty CP VN Pharma có quan hệ cung cấp thuốc, tổng cộng gần 7,5 tỉ đồng.

Không riêng H-Capital 500 mg Caplet, Công ty CP VN Pharma còn sở hữu hàng loạt loại thuốc “giá rẻ bất ngờ” dùng để tham gia đấu thầu và đã trúng thầu ở Sở Y tế TP HCM như: thuốc kháng sinh dạng tiêm Vancomycin 1gr có giá đề nghị là 147.000 đồng/lọ, Pharma đưa ra giá thầu 110.000 đồng/lọ; Thuốc kháng sinh dạng tiêm Enrovan 2gr, giá đề nghị 44.000 đồng/lọ được Công ty VN Pharma đưa ra giá 28.200 đồng/lọ; thuốc Drolenic 70mg có giá kế hoạch là gần 21.000 đồng/viên nhưng Công ty CP VN Pharma bỏ giá để trúng thầu chỉ 6.900 đồng/viên.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vien-thuoc-chua-ung-thu-gia-bi-vn-pharma-tuon-vao-viet-nam-the-nao-a199692.html