Ông cụ hối hận vì phản ứng quá cực đoan khi bị rắn cắn


Thứ 4, 30/10/2019 | 11:47


Ám ảnh vì cái chết của người hàng xóm mấy tháng trước, cụ ông đã cầm rìu chăt phăng ngón tay bị rắn cắn của mình và vứt lại trong rừng.

Ám ảnh vì cái chết của người hàng xóm mấy tháng trước, cụ ông đã cầm rìu chăt phăng ngón tay bị rắn cắn của mình và vứt lại trong rừng.

Ông Zhang (60 tuổi) là một nông dân ở Shangyu, thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mới đây khi đi rừng ông đã bị một con rắn cắn trúng.

Các bác sĩ đã không thể nối lại ngón tay cho nạn nhân bị rắn cắn.

Nghi đây là loài rắn siêu độc mà dân làng vẫn hay gọi là “ngũ bộ xà” (người bị rắn đi không quá 5 bước sẽ chết vì trúng độc - BTV), ông Zhang vội cầm lấy rìu chặt phăng ngón tay bị rắn cắn.

Sau đó, ông nhanh chóng lấy vải quấn chặt tay và băng đoạn đường 80km đến Hàng Châu, để tìm bác sĩ cứu chữa vết thương.

Tại bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu, bác sĩ không có cách nào nối lại ngón tay cho ông do phần đứt đã bị ông vứt lại trong rừng.

Bác sĩ Yuan Chengda - Trưởng khoa da liễu tại bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu cho biết: “Hành động của người đàn ông này là thực sự không cần thiết và họ có thể đã gắn lại ngón tay của ông nếu như người đàn ông này mang nó theo”.

Dù ông Zhang không hề có các triệu chứng như đau đầu, khó thở hay chảy máu chân răng, nhưng để chắc chắn, bác sĩ vẫn dùng huyết thanh chống nọc độc và rửa sạch vết thương cho ông.

Giải thích cho hành vi của mình, ông Zhang cho biết hàng xóm của mình đã chết bất đắc kỳ tử hồi tháng 4 sau khi bị rắn cắn. Do vậy, ông đã vội chặt ngón tay để cứu mạng mình.

Hiện tại, ông đã xuất viện về nhà, vết thương trên tay cũng đang dần hồi phục. 

Rắn ngũ bộ xà có tên khoa học là Deinagkistrodon, thuộc họ rắn lục, chúng thường phân bố ở Đông Nam Trung Quốc cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Nọc độc của loài rắn này có thể khiến vết thương của nạn nhân chảy máu, sưng to và đau nhức, nhưng không thể hại chết người trong vòng 5 bước chân như lời đồn. Người ta có thể sử dụng nọc rắn này để điều trị viêm khớp dạng thấp và đau ở gân và xương.

Do vậy, người bị loài rắn này cắn chỉ cần áp dụng những biện pháp cấp cứu thông thường sau khi bị rắn cắn và đến cơ sở y tế gần nhất là được, không cần liều lĩnh chặt tay hay chân mình để cứu mạng.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-cu-hoi-han-vi-phan-ung-qua-cuc-doan-khi-bi-ran-can-a298914.html