Tại sao Hà Nội và TP HCM đứng đầu cả nước tỷ lệ người mắc bệnh ung thư?


Thứ 6, 07/10/2016 | 07:45


(ĐSPL) – Hà Nội và TP HCM, 2 thành phố lớn tập trung đông dân cư nhất cả nước lại chính là 2 thành phố chứa "ổ bệnh ung thư" nguy hiểm nhất cho người dân ở Việt Nam.

(ĐSPL) – Hà Nội và TP HCM, 2 thành phố lớn tập trung đông dân cư nhất cả nước lại chính là 2 thành phố chứa "ổ bệnh ung thư" nguy hiểm nhất cho người dân ở Việt Nam.

Tờ Người Lao Động đưa ra số liệu năm 2010, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc tốp 2 trong bản đồ ung thư thế giới (50 nước cao nhất thuộc tốp 1), tức là đứng thứ 78 trong 172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, mỗi năm, nước ta phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc và khoảng 115.000 người tử vong vì ung thư. Các tỉnh, thành có số người mắc ung thư nhiều nhất là Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ. Dự báo đến năm 2020, số người mắc ung thư ở Việt Nam sẽ tăng gấp rưỡi.

Như vậy có thể nói, tính về số lượng ca bệnh ung thư thì không có địa phương nào “vượt mặt” được thủ đô và thành phố mang tên Bác. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

1. Ô nhiễm nguồn nước

Ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội.

Các hoạt động sản xuất, chăn nuôi phát đạt cũng kéo theo ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm do các hóa chất không được xử lí thải ra môi trường. Các chất không đạt trong nguồn nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân rất nghiêm trọng.

Theo Vietnamnet, gần 170.000 hộ dân ở các quận huyện tại TP.HCM phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào bị ô nhiễm để sử dụng.

Theo kết quả giám sát 8 tháng đầu năm của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các mẫu nước giếng hộ dân hầu như có độ pH thấp, hàm lượng Amoni trong nước giếng cao vượt giới hạn cho phép (9,14%). Các điểm không đạt tại Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn.

Nguy hiểm nhất là nước có hàm lượng amoni cao biểu thị nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…).

Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Nitrat và Nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu ô-xy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axit amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.

Sự mở rộng đô thị những năm gần đây đã khiến Hà Nội thu nạp vào mình những “làng ung thư” như làng Thống Nhất - xã Đông Lỗ - H.Ứng Hòa, làng Lũng Vị - xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ. Những làng nghề phát triển rầm rộ xung quanh từng là điển hình phát triển kinh tế ngày nào giờ đã thành nhưng ung nhọt nguy hiểm thực sự cho cuộc sống của người dân thủ đô.

2. Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí cả ở 2 thành phố lớn nhất nước đều đang trong tình trạng báo động - Ảnh internet.

Hiện tượng rõ ràng nhất là tình trạng giao thông quá tải, chen chúc tại Hà Nội và TP HCM. Những vụ tắc nghẽn xe cộ xảy ra thường xuyên trên nhiều địa điểm trên các tuyến đường luôn là đề tài nóng hổi của người dân và các phương tiện truyền thông.

Bộ giao thông vận tải công bố văn bản cho biết, với nguồn khí thải từ công nghiệp và giao thông vận tải, TPHCM được xếp vào một trong 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới - theo kết quả được công bố tại Hội nghị Khoa học Quốc gia của Hiệp hội Y tế Công cộng Việt Nam mới đây.

Dân Trí dẫn lời PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cho biết không khí ở khu vực ven đường tại TPHCM đang bị ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng, benzen và khí NO2. Tại khu vực dân cư, nồng độ chì có nhỏ hơn quy chuẩn cho phép nhưng vẫn khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước. Đây có thể là hệ quả gây nên từ xăng dầu bởi thời điểm hiện tại TPHCM có khoảng 447.000 xe ô tô, 5 triệu xe gắn máy và khoảng 60.000 xe ô tô mang biển số từ các tỉnh khác lưu thông. Tình trạng kẹt xe liên tục trên các tuyến đường khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.

Ô nhiễm không khí rất độc hại đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp, bệnh ung thư phổi.

Còn cơ quan môi trường Mỹ lại ghi nhận Hà Nội có nơi chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới. Số liệu này được ghi nhận bởi một hệ thống máy theo dõi đặt tại tòa Đại sứ quán Mỹ ở số 7 Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội).

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.vn, PGS TS BS PhạmThị Khánh Vân, Khoa Kết - Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Nếu chỉ số môi trường ô nhiễm khi làm việc ngoài trời hoặc đi ngoài đường không đeo kính về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến mắt. Chẳng hạn như, nếu bạn đang ở khu vực có dịch đau mắt đỏ sẽ làm bệnh trở nên nặng hơn.

Theo BS Vân, ô nhiễm môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến những bộ phận quan trọng của cơ thể như: mắt, mũi và họng. Sau đó, gây ra ô nhiễm thực phẩm từ đó ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong như hệ tiêu hóa.

3. Thực phẩm bẩn

Những vụ phanh phui thực phẩm bẩn lớn nhất luôn thuôc về Hà Nội và TP HCM. Chưa khi nào vấn đề thực phẩm bẩn lại trở nên cấp bách như hiện nay. Ai cũng biết ăn thực phẩm không đạt chuẩn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh ung thư nhưng hầu như tất cả các biện pháp được áp dụng cho đến này đều chưa giải quyết được vấn đề này.


Người Việt Nam đang tự đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn.

Tri thức trực tuyến dẫn bài phát biểu trong hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư do Hội Ung thư Việt Nam và Bệnh viện K Trung ương tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội, của GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN cho biết, thói quen ăn uống không đúng lâu ngày tích tụ gây ung thư. Ung thư dạ dày có thể do ăn mặn lâu ngày. thói quen ăn đồ chiên nướng cháy khét, ăn nhiều đồ ăn nhanh như xúc xích, thịt heo muối… đều là nguyên nhân gây bệnh. Theo GS, nên duy trì chế độ ăn lành (ăn nhiều chất xơ, uống nước suối, không uống nước ngọt …). GS khuyến cáo nhiều căn bệnh ung thư đang “trẻ hóa”, do đó người dân cần chủ động trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng chống và chữa trị kịp thời.

GS. Nguyễn Chấn Hùng - chủ tịch hội Ung thư Việt Nam.

Trước đó, nói về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam từng cho rằng thực phẩm bẩn là "quốc nạn của Việt Nam”. “Cứ 10 người bị ung thư, có đến 4 người do sử dụng thực phẩm bẩn. Những thực phẩm này có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người”, GS-TS trăn trở.

Nếu không có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề thực phẩm bẩn, không biết dân tộc chúng ta sẽ đi về đâu, sức khỏe người Việt Nam sẽ ra sao!” Do vậy, khó lòng đòi hỏi người tiêu dùng “thông minh” như khẩu hiệu bấy lâu.

Như vậy là người dân ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đều đang ngày ngày hít thở không khí ô nhiễm, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, ăn thực phẩm bẩn đó là còn chưa kể tới việc sử dụng đồ dùng có chất độc (đồ nhựa, hộp xốp, vải vóc…) thế cho nên có thể lý giải tình trạng bệnh nhân ung thư cao như các số liệu của GS Hùng đã công bố trong hội thảo trên.

MINH MINH (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]Y67UM4aucn[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-ha-noi-va-tp-hcm-dung-dau-ca-nuoc-ty-le-nguoi-mac-benh-ung-thu-a164901.html