Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/9/2020: Mẹ ăn củ dền liên tục, con bú sữa ngộ độc


Thứ 4, 23/09/2020 | 23:50


Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 24/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 24/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Mẹ ăn củ dền liên tục, con bú sữa ngộ độc

Sau 2 tuần điều trị, hiện bé đã qua cơn nguy kịch (Ảnh: BV)

Ngày 23/9, bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết trên Tiền Phong, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi bị ngộ độc “thập tử nhất sinh” sau 2 tuần điều trị tích cực.

Đó là trường hợp của bé N.B.M. (2 tháng tuổi, ngụ tại Long An). Trước đó khi phát hiện bé khó thở, tím tái, lơ mơ, người nhà hoảng hốt đưa con đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Khi đến nơi thì trẻ đã suy hô hấp nặng, thở máy thông số cao, định lượng nồng độ metHB lớn hơn 30% bình thường. Qua lời kể của người nhà bệnh nhi, các bác sĩ được người mẹ chia sẻ đã ăn củ dền suốt mấy tháng thai kỳ và sau sinh.

Dựa theo đó, các bác sĩ nghĩ ngay đến việc trẻ hấp thụ quá nhiều lượng nitrite (có thể từ nguồn nước nhiễm, từ củ dền hoặc hoa quả để qua đêm) gây ngộ độc methemoglobineamia nặng nề.

"Khi methemoglobin trong hồng cầu lớn hơn 1% sẽ tạo ra methemoglobinemia. Da thiếu oxy sẽ chuyển thành màu xanh, môi trẻ tím và máu có màu chocolate sữa", bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải thích.

Ngay lập tức, BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và BS CK1 Trần Trung Hiếu - Khoa Cấp Cứu đã nhanh chóng thiết lập chẩn đoán, xét nghiệm độc tố khẩn và ngay lập tức truyền methylene xanh để giải độc cho bệnh nhi. Hóa chất này có tác dụng chuyển hemoglobin về dạng cũ, phục hồi khả năng vận chuyển oxy của nó.

Sau 2 tuần điều trị tích cực, bé đã ổn định sức khoẻ, hiện tiếp tục điều trị viêm phổi. Trong khi đó cha mẹ được tư vấn sức khoẻ kĩ càng.

Theo BS Phượng Thy, y văn từng báo cáo về các trường hợp nhiễm methaemoglobinaemia (hay hội chứng baby blue) ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi tiêu thụ rau cháo và súp rau đã lưu trữ qua đêm hoặc cho uống nước củ dền, nước củ dền pha sữa....

Trẻ sơ sinh có độ pH trong dạ dày cao hơn so với trẻ lớn hơn hoặc người lớn, dẫn đến sự gia tăng của vi khuẩn và chuyển đổi nitrate thành nitrite.

Trẻ mới sinh đến dưới 6 tháng tuổi có nồng độ fetal hemoglobin (loại hemoglobin có trong bào thai, khác với hemoglobin ở người trưởng thành) cao hơn, nên dễ bị oxy hoá bởi nitrite. Cơ thể các bé cũng ít có khả năng khử methemoglobin về trạng thái bình thường như người lớn.

Song Nhi được tiêm chủng, chuẩn bị xuất viện

Hai bé Song Nhi bên bố mẹ. (Ảnh: Zing)

100 ngày sau ca đại phẫu tách rời, Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi (15 tháng tuổi) đã ổn định sức khỏe. Vết thương liền sẹo và chức năng các cơ quan gần như hồi phục. Ngày 23/9, song Nhi được cha mẹ đưa đến khoa Sức khỏe trẻ em để tiêm chủng vaccine trước khi xuất viện.

TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trên Zing, 2 bé đang đi theo đúng quỹ đạo phát triển như trẻ bình thường.

Song Nhi được nuôi theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Hai chị em có thể tự cầm bình sữa để ti hoặc ăn cháo thịt nấu nhuyễn bằng thìa. Mỗi ngày, song Nhi ăn 7 cữ sữa. Đến nay, 2 bé nặng hơn 7,5 kg.

Trước khi mổ tách, Trúc Nhi và Diệu Nhi đã được tiêm vaccine. Hai bé chỉ bị gián đoạn tiêm chủng trong 2 tháng hậu phẫu. Hiện tại, song Nhi được tiêm tiếp các mũi vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong thời gian chờ ca phẫu thuật tiếp theo, song Nhi được cha mẹ đưa về nhà để chăm sóc.

Nối thành công ngón tay bị đứt lìa do tai nạn cho thanh niên 18 tuổi

Thông tin từ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình), vừa qua đơn vị này đã dùng kính vi phẫu phóng đại, nối thành công ngón tay đứt lìa cho một bệnh nhân nam.

Theo đó, bệnh nhân là anh Ngô X.H. (18 tuổi, trú xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Được biết, anh X. gặp tai nạn dẫn đến đứt lìa ngón tay út. Ngay sau sự việc đã xảy ra, người thân của anh H. đã xử lý ngón tay bị đứt bằng cách ướp đá lạnh, đồng thời đưa H. đến bệnh viện cấp cứu.

Tai bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật nối ngón tay bị đứt dưới kính hiển vi. Sau gần 3 giờ, các bác sĩ đã nối thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương ngón tay út. Sau mổ khoảng 6 tiếng, ngón tay của bệnh nhân đã ấm, hồng trở lại.

Trao đổi với Dân trí, các bác sĩ tham gia phẫu thuật cho biết, đây là một trường hợp khó, mạch máu ở ngón tay út quá nhỏ lại bị đứt rời nên đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ cao trong mọi thao tác. Các bác sĩ phải sử dụng kính vi phẫu phóng đại phẫu trường để nối các mạch máu nhỏ chỉ khoảng 1 mm.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi có người bị đứt rời chi, cần gọi ngay cấp cứu. Nếu có thể, hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, rửa chi bằng nước muối hoặc nước sôi để nguội nhằm làm trôi đi các dị vật.

Đồng thời, gói phần chi đứt bằng miếng gạc sạch hoặc vải sạch. Đặt chi đã được bao gói vào túi nilon sạch và buộc chặt miệng túi rồi đặt vào thùng có chứa nước đá lạnh. Tuyệt đối không rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước, không bỏ trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá lạnh. Ngay sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời để quá trình phẫu thuật khâu nối có cơ hội thành công.

Việt Hương (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-2492020-me-an-cu-den-lien-tuc-con-bu-sua-ngo-doc-a340037.html