Yên Bái: Điều trị thành công 2 ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"


Thứ 3, 17/09/2019 | 12:12


Cùng sự kiện

Tính từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã ghi nhận sáu ca mắc bệnh whitmore, trong đó có 2 trường hợp được điều trị thành công.

Tính từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã ghi nhận sáu ca mắc bệnh whitmore, trong đó có 2 trường hợp được điều trị thành công.

Bệnh nhân Vi Văn L. đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Báo Yên Bái

Pháp luật TP. HCM đưa tin, ngày 17/9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 ca mắc bệnh whitmore. Trong đó, 4 ca tử vong do đến bệnh viện (BV) muộn, 2 ca được BV Đa khoa tỉnh Yên Bái cứu sống.

Ca thứ nhất được cứu sống là bệnh nhân Vi Văn L. (49 tuổi, huyện Lục Yên) nhập viện vào trung tuần tháng 9/2019 trong tình trạng sốt cao kèm run và đau bụng, các chỉ số sinh tồn giảm mạnh. Tuy nhiên, khi chẩn đoán lâm sàng thì không phát hiện được cơ quan nào trong cơ thể bị viêm nhiễm.

Sau hai lần nuôi cấy định danh vi khuẩn, các bác sĩ đã phát hiện ra vi khuẩn whitmore trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi được điều trị tích cực theo phác đồ, dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Hiện bệnh nhân L. đã tỉnh táo, hết sốt.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Văn Q. (36 tuổi, huyện Văn Yên). Bệnh nhân nhập viện vào tháng 7/2019, được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị thành công. Bệnh nhân ra viện cuối tháng 7/2019.

Trước căn bệnh đáng sợ này, trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Trương Hữu Khanh chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng. Vi khuẩn Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

“Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn. Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài… Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, điều trị đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi. Nên không phải là gánh nặng ghê gớm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/yen-bai-dieu-tri-thanh-cong-2-ca-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-a293254.html