Con bị tay chân miệng, bố mẹ chữa nhiệt miệng


Thứ 3, 10/06/2014 | 01:22


Nhiều trường hợp khi thấy con có mụn ở miệng bố mẹ không biết đi chữa bệnh nhiệt miệng. Khi bé bị sốt nặng, biến chứng nguy hiểm mới đưa con đến bệnh viện.

Nhiều trường hợp khi thấy con có mụn ở miệng bố mẹ không biết đi chữa bệnh nhiệt miệng. Khi bé bị sốt nặng, biến chứng nguy hiểm mới đưa con đến bệnh viện.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Con bị tay chân miệng, bố mẹ chữa nhiệt miệng
Nhiều người dễ nhầm lẫn nhiệt miệng với tay chân miệng.

Bị tay chân miệng, mẹ chữa nhiệt miệng

Bé Nguyễn Văn Th. 7 tháng tuổi trú tại Đông Hưng, Thái Bình đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình vì bệnh tay chân miệng. Mẹ của bé Th. cho biết khi thấy bé bỏ ăn, miệng có mụn loét, mẹ cháu đã mua thuốc siro trị nhiệt miệng về cho con uống.

Sau ba ngày, triệu chứng nhiệt miệng không hết. Bé Th. bị sốt cao liên tục lên đến 40 độ C. Khi đưa bé lên bệnh viện, các bác sĩ cho biết bé bị chân tay miệng và biến chứng vào phổi. Bố mẹ của bé Th. hoang mang lo sợ không biết con mình sẽ ra sao. Anh chị quyết định để con ở lại bệnh viện Nhi Thái Bình điều trị, không dám đưa con lên tuyến trên cùng vì sợ nhiễm thêm sởi. 

Trường hợp củkha bé Bùi Duy Khánh trú tại phố Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hà mẹ bé Khánh cho biết nhiều ngày chị thấy con bỏ ăn, miệng xuất hiện nốt mụn nhỏ. Chị kiểm tra tay, chân ông thấy có mụn nên chữa nhiệt miệng cho con. Đến khi bé sốt, quấy khóc suốt ngày, chị đưa con đi khám bệnh mới biết bé bị tay chân miệng. 

Con gái chị Vũ Hồng Nhung trú tại Quan Hoa, Cầu Giấy bị sốt, lở miệng. Chị Nhung đưa bé đi khám, thử máu tại phòng khám tư nhưng bé không bị tay chân miệng. Triệu chứng sốt, biếng ăn không hết chị đưa con vào Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ nghi ngờ bé bị tay chân miệng, yêu cầu lấy máu kiểm tra. 

Chị Nhung không đồng ý nên đưa con về. Chị bảo “bé chỉ bị nhiệt miệng, sốt vi rút nhưng đã thử máu hai lần, chị không muốn lấy máu nhiều vì bé đang yếu”. Chị Nhung cầm đơn thuốc điều trị chân tay miệng thông thường rồi đưa con về.

Bệnh tay chân miệng nguy hiểm không kém sởi

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lo lắng tình hình bệnh tay chân miệng đang vào mùa. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và chẩn đoán kịp thời bệnh có thể lây lan nhanh chóng và nguy hiểm không kém sởi.

Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin điều trị nên phòng bệnh chủ yếu bằng các biện pháp chống nguồn lây, giữ gìn vệ sinh cho bé.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Con bị tay chân miệng, bố mẹ chữa nhiệt miệng (Hình 2).
Trẻ điều trị tại BV Nhiệt đới T.W.

PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho  biết, đã xuất hiện các ca bệnh tay chân miệng tại phía Bắc không nặng như hàng năm. Triệu chứng của tay chân miệng có các vết loét ở miệng, sau 1 hoặc 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng, nhất là quanh lưỡi, lợi và mặt trong má.

Đầu tiên, những nốt này có kích thước bằng chiếc cúc áo nhỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng-xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường sẽ có từ 5-10 vết trong miệng.

Những vết này có thể rất đau khiến trẻ khó ăn, uống và nuốt, khiến trẻ rất khó chịu và quấy khóc. Những vết loét miệng này sẽ hết trong vòng 5-7 ngày. 

Sau khi các nốt loét trong miệng xuất hiện, sẽ thấy nổi những nốt nhỏ màu đỏ trên da của trẻ.

Những vị trí hay gặp những nốt này nhất là ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thỉnh thoảng gặp ở mông và háng. 

Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Những nốt này thường không đau và không ngứa, mặc dù chúng có thể trở thành những mụn nước nhỏ, đôi khi gây đau và tức. Điều quan trọng là không được làm vỡ những nốt này, vì có thể khiến bệnh lây lan. 

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết hiện nay đã có 11 địa phương ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước: Hải Phòng (tăng 46 trường hợp), Nam Định (37 trường hợp), Quảng Ninh (20 trường hợp), Hậu Giang (24 trường hợp), Bắc Ninh (19 trường hợp), Vĩnh Long (17 trường hợp), Đồng Nai (16 trường hợp), Đắk Lắk (16 trường hợp), Hà Giang (16 trường hợp), Thanh Hóa (14 trường hợp), Đắk Nông (10 trường hợp). 8 địa phương có số mắc giảm: Ninh Thuận, Yên Bái, Tiền Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Vĩnh Phúc và Bà Rịa -Vũng Tàu.       

Từ đầu năm 2014 cả nước ghi nhận 26.924 trường hợp mắc tại 62 địa phương, có 02 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, số mắc/100.000 dân của cả nước là 28,9. So với cùng kỳ năm 2013 số mắc cả nước giảm 11,8\%, tử vong giảm 09 trường hợp.

Để phòng bệnh tay chân miệng, cần chú ý “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cụ thể, chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2\% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách li ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-bi-tay-chan-mieng-bo-me-chua-nhiet-mieng-a36266.html