Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/10/2019: Không khí Hà Nội trở lại ngưỡng kém?


Thứ 2, 21/10/2019 | 23:15


Cùng sự kiện

Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 22/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 22/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Không khí Hà Nội trở lại ngưỡng kém?

Ngày 21/10, chất lượng không khí tại Hà Nội bị kém trở lại - Ảnh: Zing.vn

Chiều 21/10, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) thông tin, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được trong 24 giờ (tính từ chiều 20/10 đến chiều 21/10) tại 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố dao động từ 113 đến 151 (thuộc mức kém).

Theo đó, chỉ số AQI cao nhất tại trạm Minh Khai là 151, Phạm Văn Đồng 146, Hàng Đậu 143, Thành Công 138, Trung Yên 3 là 129, Hoàn Kiếm 121, Mỹ Đình 117, Kim Liên 114, Tây Mỗ 113, Tân Mai 113, theo Hà Nội Mới.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do thời tiết Hà Nội xuất hiện sương mù ở tầng thấp khiến các chất ô nhiễm trong không khí không thoát được để phát thải và bị giữ lại ở sát mặt đất.

Trước tình trạng này, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đưa ra khuyến cáo với người dân. Theo đó, đối với nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế thời gian ở ngoài trời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu phải ra ngoài trời cần đeo khẩu trang đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, khi tham gia giao thông, mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao; khu vực ngoại thành, người dân hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Cô gái phải cắt buồng trứng sau cơn đau bụng dữ dội

U nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tồn tại dưới các dạng khác nhau - Ảnh: Health

Ngày 20/10, nữ bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng choáng váng, đau bụng dữ dội, phần phụ có khối ấn vào rất đau. Sau khi thăm khám, bác sĩ Liên nhận định bệnh nhân bị u nang buồng trứng xoắn, cần phải mổ cấp cứu ngay để tháo xoắn.

Cùng ngày, một phụ nữ khác vừa sinh con 2 tuần cũng vào viện và đang theo dõi u nang buồng trứng xoắn.

Theo bác sĩ Liên, các trường hợp khi đã được chẩn đoán là u nang buồng trứng xoắn đều phải mổ cấp cứu kết hợp hồi sức nếu có tình trạng vỡ nang. Thông thường, nếu chỉ xoắn u nang buồng trứng đơn thuần, người bệnh được chỉ định cắt bỏ khối u nang, bảo tồn tối đa buồng trứng để không ảnh hưởng khả năng sinh con sau này.

Tuy nhiên, có trường hợp phải tháo xoắn, cắt bỏ cả buồng trứng bị hoại tử để tránh nguy kịch tính mạng. Các phương pháp phẫu thuật hiện nay được áp dụng là mổ mở và nội soi.

Bác sĩ Liên cho biết u nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tồn tại dưới các dạng khác nhau. Bệnh tiến triển âm thần, khó nhận biết. Khi u còn nhỏ, bệnh nhân hầu như không thấy triệu chứng đặc trưng.

Đa số bệnh nhân phát hiện tình cờ qua thăm khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát có siêu âm ổ bụng. Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng rong kinh, đau bụng, chướng bụng khiến chị em lầm tưởng đây là cơn đau theo chu kỳ kinh nguyệt. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm.

Mua thuốc trị tiểu đường trôi nổi, một bệnh nhân tử vong

Uống thuốc trị tiểu đường có mác chữ Trung Quốc, bệnh nhân đã tử vong - Ảnh: VOV

Bà Đ.T.S ,67 tuổi, ngụ TP HCM được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng lơ mơ, đau bụng, huyết áp tụt, lượng đường huyết rất cao, vượt cả ngưỡng đo của máy, suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhân được xác định có nồng độ a-xít lactic vượt mức bình thường do chất cấm phenformin gây ra và được lọc máu liên tục.

Song do diễn tiến bệnh ngày càng nặng nên gia đình xin đưa về nhà vào chiều hôm qua (20/10) để lo hậu sự. Theo gia đình bệnh nhân, bà S. có tiền sử bệnh tiểu đường 10 năm nay. Nghe lời người quen giới thiệu, thời gian gần đầy bà chuyển sang uống 2 loại thuốc có nhãn mác in chữ Trung Quốc uống để trị bệnh và xảy ra tình trạng trên.

Một trường hợp khác là bệnh nhân V.T.B.L (60 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện ngày 17/10 trong tình trạng đau lưng, mỏi cơ xương khớp. Thông qua xét nghiệm, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân có nồng độ a-xít lactic rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Tại Khoa hồi sức tích cực, các bác sỹ đã điều trị hoàn toàn bằng nội khoa, ổn định đường huyết. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã dần ổn định.

Theo lời kể của bệnh nhân, do thấy trên mạng internet quảng cáo loại thuốc trị tiểu đường hoàn do Công ty Difoco sản xuất (loại thuốc này đã bị Bộ Y tế yêu cầu ngưng sản xuất, lưu hành trên thị trường) nên tìm mua. Sau khi uống liên tục 3 tháng thì xảy ra tình trạng trên.

Khi sử dụng thuốc chứa chất cấm phenformin, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Sau đó mức độ nặng tăng dần với những triệu chứng thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, cũng không nên tin những lời quảng cáo trên mạng, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc... Khi mắc bệnh cần đến bệnh viện để được bác sỹ tư vấn và sử dụng thuốc theo chỉ định.

Cô gái 16 tuổi bị mù màu vì lý do nhiều người mắc

Cô gái trẻ bị mù màu vì sử dụng điện thoại hơn 10 tiếng mỗi ngày - Ảnh: Minh họa

Theo bác sĩ Hung Chi-ting, việc cô gái 16 tuổi tên Liu tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh trên điện thoại đã làm hỏng một số tế bào trong mắt và dẫn đến "mù màu xanh đỏ".
"Đó là trường hợp đầu tiên trên thế giới", bác sĩ Hung trả lời phỏng vấn trên báo Liberty Times Trung Quốc.

Tuy nhiên, Liu thật may mắn khi được bắt đầu điều trị y tế ngay ở giai đoạn đầu. Sau một thời gian, thị lực của Liu đã hồi phục hoàn toàn.

Được biết, Liu đã dành hơn 10 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại thông minh. Không chỉ thế, trong suốt kỳ nghỉ hè, Liu thường xuyên thức đêm nghịch điện thoại đến sáng.

Liu bắt đầu nhận ra mắt mình có vấn đề sau khi cô không thể phân biệt được tín hiệu đèn giao thông và suýt bị tai nạn khi băng qua đường. Một mối quan tâm khác là Liu dần mất khả năng nhìn trong bóng tối.

Liu chia sẻ: "Tôi không biết đèn có màu đỏ. Một người họ hàng đã kéo tôi lại khi tôi định băng qua đường, hỏi tôi tại sao tôi lại liều lĩnh như thế”.

Sau khi điều trị, bác sĩ Hung Chi-ting khuyên Liu nên sử dụng điện thoại ít hơn 5 giờ mỗi ngày và cho mắt nghỉ ngơi 10 phút sau 30 phút sử dụng.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-22102019-khong-khi-ha-noi-tro-lai-nguong-kem-a297817.html