Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/8/2019: Rắn hổ mang bò vào nhà cắn bé gái 3 tuổi nguy kịch


Chủ nhật, 25/08/2019 | 23:15


Cùng sự kiện

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 26/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 26/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Rắn hổ mang bò vào nhà cắn bé gái 3 tuổi nguy kịch

Bé được bà chăm sóc tại bệnh viện - Ảnh: Vietnamnet

Khoảng 19h ngày 13/8, Linh cùng chị gái ngồi trên ghế sofa xem ti vi thì bị rắn hổ mang cắn vào chân chảy máu, gây sưng và đau nhưng gia đình không biết.

Sáng hôm sau, thấy chân con gái sưng tím nên mẹ Linh đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Lúc này, ở nhà mọi người phát hiện và bắt được con rắn hổ mang gần 2kg nằm trong gầm ghế.

Bà Lê Thị Quyết, bà nội của cháu bé cho biết:" Lúc bị rắn cắn tôi nghe cháu khóc nên chạy vào xem thì thấy vết cắn ở chân nhưng cứ nghĩ cháu gái dẫm trúng con mèo con nên bị mèo cắn. Tôi chủ quan chỉ đắp lá cho đỡ sưng".

Khi đưa Linh đến BV tuyến huyện thì bác sĩ yêu cầu chuyển lên tuyến trên vì chân cháu bé đã hoại tử.

Sau khi điều trị tại BV Bạch Mai, bé Linh đã được chuyển qua Bệnh viện Bỏng Trung ương để xử lý phần hoại tử.

Vòng 3 bị hoại tử, biến dạng sau tiêm silicon ở spa

Đời sống - Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/8/2019: Rắn hổ mang bò vào nhà cắn bé gái 3 tuổi nguy kịch (Hình 2).

Vùng mông bị hoại tử nặng nề của nữ bệnh nhân - Ảnh: Công lý

Ngày 25/8, thông tin từ Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.N.H. (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị hoại tử vùng mông rất nặng.

Theo lời kể, trước thời điểm vào viện một ngày, bà H. có tiêm dung dịch lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác (khả năng là silicon lỏng) tại một cơ sở thẩm mỹ.

Sau khi bơm silicon lỏng, bệnh nhân thấy mông phải có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét nên tìm đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử diện rộng da, mô mỡ vùng tiêm, viêm lan toả bẹn đùi.

Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình cho biết, bệnh nhân phải trải qua một ca phẫu thuật để nạo vét khoảng 2500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ. Mặc dù được cứu thoát khỏi tình trạng hoại tử, song vùng mông của bà H. sẽ bị biến dạng.

Theo BS Lâm, hiện nay trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Trong khi đó có một số thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận nên đã dùng chất làm đầy bị cấm và silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền hay được sử dụng nhiều nhất.

Silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Hàng triệu người trên thế giới đã bơm silicon lỏng để tân trang sắc đẹp.

“Mặc dù trước đó chất này từng được sử dụng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng do có nhiều biến chứng nguy hiểm nên năm 1991, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Tại Việt Nam, từ 1995 cũng cấm sử dụng silicon lỏng tiêm vào cơ thể người”, BS Lâm nói.

Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch. Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi đi làm đẹp, chị em cần phải tỉnh táo, không nên ham rẻ tiêm chất làm đầy mà mình không biết là chất gì, không nghe theo lời rủ của bạn bè người thân tới các cơ sở làm đẹp không có uy tín để làm đẹp. Nếu muốn tiêm chất làm đầy để làm đẹp, nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Vì người tiêm chất làm đầy phải là các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ có đào tạo về chuyên môn, có chứng chỉ chuyên môn và cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề mới có thể thực hiện được.

Trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý tới thành phần ghi trên vỏ thuốc. Cụ thể là thành phần HA (Acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Sốc khi phát hiện ung thư lưỡi sau thời gian bị nhiệt miệng

Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ khối u tại Khoa Ung bướu - Ảnh: Doanh nghiệp

Bị nhiệt miệng, người đàn ông ở Phú Thọ tự điều trị tại nhà suốt 20 ngày. Tuy nhiên, khi đến viện khám, các bác sĩ chẩn đoán: ung thư lưỡi giai đoạn I.

Bệnh nhân chia sẻ, bản thân bị sưng đau vùng lưỡi, ăn kém, sút 4kg liên tục trong vòng 20 ngày. Đến khi tới khám tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), kết quả chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân cho thấy: Hình ảnh khối kích thước 15x11mm. Giải phẫu bệnh khối kích thước cho kết quả ung thư biểu mô vảy.

Theo ThS.BS Hứa Văn Đức, Trưởng Khoa Ung bướu, ung thư lưỡi dễ nhầm nhẫn với bệnh ở miệng thông thường. Đây là yếu tố dễ gây chủ quan cho người bệnh.

Hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm: hút thuốc lá, rượu, bia, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, nhai trầu, nhiễm virus HPV, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả.

Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi. Ban đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên rất dễ bị xem nhẹ. Ung thư lưỡi thường gặp ở lứa tuổi 50 - 60, nam gặp nhiều hơn nữ, tỷ lệ 3/1. Ung thư lưỡi có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên. tạinước ta, tỷ lệ người bệnh ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn còn cao. Do đó, cần chẩn đoán sớm và phải có sự kết hợp nhiều phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Sùi mào gà mọc trong lỗ tai vì thường xuyên ngoáy tai ngoài tiệm

Những nốt sùi mào gà trong tai cụ ông họ Hoàng - Ảnh: Zing.vn

Một người đàn ông họ Hoàng (70 tuổi, ở Đài Loan, Trung Quốc) mới đây đã đến Bệnh viện thành phố Nam Đầu khám tai vì thường xuyên ù tai, ngứa ngáy khó chịu như có dị vật bên trong. Thậm chí, khi dùng bông tai vệ sinh bên trong, ông thấy chảy mủ trắng kèm theo những tia máu. Sự việc nghiêm trọng hơn khi ông bắt đầu không nghe được.

Bác sĩ Ngô Thiệu Khoan, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nam Đầu, cho hay sau khi dùng ống soi tai, các bác sĩ phát hiện trong lỗ tai của người đàn ông này có nhiều mụn thịt mọc chi chít. Chúng đã lấp toàn bộ lỗ tai nên ảnh hưởng đến thính lực.

Những mụn thịt này được chẩn đoán là sùi mào gà - một bệnh xã hội thường gặp ở vùng sinh dục. Điều này khiến bác sĩ Ngô rất bất ngờ và tò mò vì đây là lần đầu tiên ông gặp một bệnh nhân bị sùi mào gà trong lỗ tai.

Ông Hoàng cho biết hay đi cắt tóc gội đầu tại một tiệm quen. Ở đây, họ có dịch vụ ngoáy tai nên lần nào đến đây, ông cũng yêu cầu. Theo thông tin ông Hoàng cung cấp, họ không dùng dụng cụ vệ sinh một lần như tăm bông mà bằng những cây vệ sinh lỗ tai bằng kim loại. Có thể, những dụng cụ này chính là nguồn lây sùi mào gà nếu chúng không được vệ sinh hoặc diệt khuẩn trước khi sử dụng.

Nam bệnh nhân đã được điều trị và loại bỏ những nốt sùi mào gà trong lỗ tai và hồi phục thính lực. Qua trường hợp này, bác sĩ Ngô cũng khuyến cáo mọi người không nên dùng chung những dụng cụ vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với đồ vật ở nhà vệ sinh công cộng, cần rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ.

Nếu có phát hiện trong lỗ tai có bất thường, người dân không nên tự ngoáy vào bên trong, tránh làm rách màng nhĩ hay gây tổn thương niêm mạc, cần đến cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.

Theo bác sĩ Ngô, sùi mào gà là bệnh xã hội khá phổ biến và chủ yếu lây qua đường tình dục. Những nốt sùi thường mọc ở bộ phận sinh dục, niêm mạc miệng. Tuy nhiên, con đường này không phải là duy nhất. Niêm mạc cơ thể có tiếp xúc với mầm bệnh và nhiễm bệnh mà bệnh nhân không biết. Sau khi tay tiếp xúc với vùng niêm mạc sinh dục chưa rửa sạch và sờ vào tai, ngoáy mũi, mầm bệnh có thể được di chuyển vào các bộ phận này.

Sùi mào gà là bệnh u lành tính, triệu chứng giai đoạn đầu không rõ ràng nên rất ít bệnh nhân phát hiện. Khi đã có những triệu chứng khó chịu, bệnh thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày như ngứa ngáy, khó chịu, chảy mủ, có mùi tanh... Nếu không điều trị, bệnh có khả năng dẫn đến ung thư.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-2682019-ran-ho-mang-bo-vao-nha-can-be-gai-3-tuoi-nguy-kich-a290241.html