Vì sao lễ tảo mộ gắn với Tết Thanh minh?


Thứ 5, 09/04/2015 | 07:41


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Thanh minh trong tiết tháng Ba, từ xa xưa đến nay người Việt Nam vẫn duy trì truyền thống đi sửa sang phần mộ tiền nhân vào dịp tết Thanh minh.

(ĐSPL) - Thanh minh trong tiết tháng Ba, từ xa xưa đến nay người Việt Nam vẫn duy trì truyền thống đi sửa sang phần mộ tiền nhân vào dịp tiết Thanh minh.
Trước hết nói về Tết Thanh minh với ý nghĩa là một trong 24 tiết khí trong một năm theo lịch âm dương phương Đông. Theo các nghiên cứu, nếu lấy tiết Xuân phân là thời điểm gốc (kinh độ mặt trời bằng 0) thì thời điểm bắt đầu tiết thanh minh là lúc kinh độ mặt trời bằng 15 độ. Do vậy, tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21/4 khi tiết Cốc vũ bắt đầu.
Đời sống - Vì sao lễ tảo mộ gắn với Tết Thanh minh?

Ảnh minh họa.

Xét về mặt thời tiết, trong tiết Thanh minh, ở miền Bắc nước ta, gió mùa đông bắc đã yếu và gió đông nam đã mạnh dần lên còn mưa phùn thì gần như chấm dứt hẳn nhưng chưa xuất hiện các cơn mưa rào mùa hạ. Do vậy thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu hơn vì nhiệt độ đã lên cao và độ ẩm giảm. Đó có thể cũng là một lí do để người xưa gọi đây là tiết Thanh minh (nghĩa là trong sáng).
Tuy nhiên, tiết Thanh minh ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc (trong đó có Việt Nam) còn gắn với một lễ đã thành tập quán lâu đời là lễ tảo mộ. Trong ngày Thanh minh, người ta đi thăm viếng các ngôi mộ của tiền nhân và sửa sang lại cho được sạch sẽ. Các công việc chủ yếu là dọn cỏ dại cây hoang mọc trùm lên mộ hoặc đắp thêm đất cho ngôi mộ đầy đặn. Ngoài ra, một công việc quan trọng xua đuổi hoặc triệt phá các hang của chuột và rắn làm trên phần mộ vì theo quan niệm dân gian, để các loài vật đó đào hang trong mộ sẽ phạm tới linh hồn người đã khuất.
Cho đến nay chưa có ai trả lời rõ ràng về việc tập quán tảo mộ trong tiết Thanh minh bắt đầu từ bao giờ. Có một số ý kiến cho rằng việc này có liên quan đến câu chuyện Giới Tử Thôi thời Xuân Thu bên Trung Quốc.
Sách Tả Truyện hay cũng gọi là Tả thị Xuân Thu chép rằng thời Tấn Văn Công (697–628 TCN) còn bôn ba vì bị mẹ kế hãm hại, có một số tùy tùng thân cận vẫn trung thành theo hầu. Một trong số những người ấy là Giới Tử Thôi.
Một lần, Tấn Văn Công gặp cơn đói đến ngất đi tưởng chừng sắp chết. Để cứu mạng Tấn Văn Công, Giới Tử Thôi tự tay cắt thịt ở đùi mình và nấu một bát súp nóng dâng cho chủ nhân.
Tấn Văn Công vô cùng cảm kích việc làm của Giới Tử Thôi và hứa sẽ báo đáp ông trong tương lai. Giới Tử Thôi khăng khăng không muốn nhận bất kỳ sự phong thưởng nào, mà chỉ muốn chủ nhân trở thành một vị vua anh minh sáng suốt cho nước nhà.
Sau khi Tấn Văn Công thừa kế ngai vàng, ông đã tưởng thưởng cho nhiều người trung thành với mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Một thời gian sau nhớ ra, ông mới cho tìm kiếm người tùy tùng họ Giới nhưng không thấy. Sứ giả về báo rằng Giới Tử Thôi và mẹ đã đi vào sâu trong núi Kim sinh sống.
Đời sống - Vì sao lễ tảo mộ gắn với Tết Thanh minh? (Hình 2).

Tranh vẽ cảnh Tấn Văn Công và quần thần đi thăm mộ Giới Tử Thôi.

Vua đích thân đến núi để tìm nhưng Giới Tử Thôi vẫn không gặp. Một cận thần xúi nhà vua đốt núi để ép Giới Tử Thôi phải ra. Nhà vua theo lời cho châm lửa đốt núi. Ngọn lửa cháy trong ba ngày ba đêm nhưng Giới Tử Thôi vẫn không ra.
Lửa tắt, vua và quần thần vào núi tìm thì thấy thi thể Giới Tử Thôi dưới gốc một cây liễu lớn. Bên cạnh thi thể còn một đoạn di cảo viết bằng máu trên mảnh vải đặt bên trong hốc cây. Trên đó viết một bài thơ nhắc lại chuyện hầu hạ nhà vua năm xưa và nói rằng không muốn trở thành một viên quan hầu cận vua mà chỉ muốn nhà vua luôn tự soi xét mình. Trong bài thơ 4 câu thì có đến 3 lần Giới Tử Thôi nhắc đến từ “thanh minh”.
Tấn Văn Công rất cảm động khóc nấc thành tiếng sau đó cất mảnh di cảo vào túi tay áo và thề sẽ trở thành một vị vua sáng suốt. Phần thi thể Giới Tử Thôi được chôn cất ngay dưới chân cây liễu. Thương Giới Tử Thôi và để tưởng nhớ cái chết của ông, Tấn Văn Công ra lệnh hàng năm đến ngày 3/3 (ngày Giới Tử Thôi chết), thiên hạ không được đốt lửa hay hun khói. Từ đó mà thành ra ngày Tết Hàn Thực (nghĩa là ăn đồ nguội).
Một năm sau, Tấn Văn Công và quần thần quay lại thăm mộ Giới Tử Thôi. Họ ngạc nhiên thấy cây liễu năm trước bị cháy một nửa mà nay lá xanh mơn mởn lại mọc thêm nhiều cành mới. Nó như là anh linh của Giới Tử Thôi đang khích lệ nhà vua giữ sự anh minh. Tấn Văn Công cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng bèn nhớ cụm từ “thanh minh” trong di cảo của Giới Tử Thôi mà đặt cho ngày này là ngày Thanh minh.
Đây cũng chỉ là một giả thiết và chưa hẳn đã là nguồn gốc của từ “thanh minh” trong cái tên Tết Thanh minh. Bởi lẽ như đã nói ở phần đầu, Thanh minh là một tiết trong 24 tiết khí theo các tính lịch âm dương. Tuy nhiên, có lẽ việc gắn lễ tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh thì đã bắt nguồn từ câu chuyện vua Tấn Văn Công với Giới Tử Thôi.
Ở Việt Nam, Tết Thanh minh là một trong hai dịp chính mà các con cháu thăm viếng, chăm sóc mồ mả tổ tiên. Một dịp khác là dịp cuối năm, khi con cháu đến dọn cỏ thắp hương và “mời” anh linh người đã khuất về ăn Tết Nguyên đán. Do vậy, Tết Thanh minh cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-le-tao-mo-gan-voi-tet-thanh-minh-a89665.html