+Aa-
    Zalo

    Đồng Nai: Cần làm rõ việc 200 người dân "khốn đốn" vì thiếu tài sản đảm bảo thi hành án đã bị bán đấu giá

    • DSPL
    ĐS&PL Từ một quan hệ vay tiền dân sự có dấu hiệu bị hình sự hóa đã đẩy vợ chồng ông Tình, bà Sương vào vòng lao lý dẫn đến tán gia bại sản.

    (ĐS&PL) Từ một quan hệ vay tiền dân sự có dấu hiệu bị hình sự hóa đã đẩy vợ chồng ông Tình, bà Sương vào vòng lao lý dẫn đến tán gia bại sản. Đáng nói là phần tài sản đảm bảo được định giá khoảng 250 tỷ đồng lại được dùng để xử lý khoản nợ cho một cá nhân với số nợ được cho là khoảng hơn 60 tỷ đồng khiến 200 bị hại còn lại có nguy cơ tay trắng vì không còn tài sản đảm bảo thi hành án.

    Vụ án chưa xử, tài sản đảm bảo thi hành án đã bị bán?

    Theo hồ sơ vụ việc, bị cáo Nguyễn Văn Tình (SN 1964, ngụ P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) trước đây là CTHĐQT, kiêm GĐ Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh (gọi tắt là Cty SGCC). Tại thời điểm năm 2010, Cty SGCC gồm 4 thành viên là cổ đông góp vốn theo tỷ lệ: Nguyễn Văn Tình (50%), Nguyễn Thị Chí Sương (8%), Đặng Đức Trung (30%), Hoàng Quốc Võ (12%).

    Bà Sương là vợ của ông Tình và cả 2 đều bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Năm 2004, bị cáo Sương và Tình quen biết với Lê Đình Tài, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai được giới thiệu là CTHĐTV Công ty TNHH Hà Linh. Theo bị cáo Sương thì khi đó bị cáo có nhờ ông Tài liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu địa điểm phê duyệt cho Cty SGCC đầu tư xây dựng KDC Tam Phước (xã Tam Phước, huyện Long Thành) trên phần đất 10,2 ha do vợ chồng bị cáo Tình, Sương đứng tên, sau đó góp vào Cty SGCC để làm dự án.

    Tiếp đó, từ ngày 18/11/2007 tới ngày 2/8/2009, vợ chồng bị cáo Tình, Sương thế chấp các nhà, đất, dự án để vay vợ chồng ông Tài số tiền 52.760.000.000 đồng với lãi suất theo tỷ lệ khác nhau, hình thức ký giấy vay nhận, mục đích đầu tư dự án KDC Tam Phước. Việc vay mượn này có các điều khoản thỏa thuận, nếu bên vay không trả thì sẽ bị bên cho vay phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Đến ngày 2/8/2009, tổng số tiền vay và lãi mà vợ chồng bị cáo Tình, Sương nợ ông Tài được cho là khoảng 61.486.000.000 đồng. Do không trả tiền được theo đúng cam kết, vợ chồng Tình, Sương đã bị ông Tài tố cáo ra cơ quan pháp luật. Cùng lúc đó, Cty SGCC cũng đã tiến hành ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khoảng 200 người dân mua đất tại dự án KDC Tam Phước.

    Do không triển khai được dự án, chưa kịp giao đất cam kết bán cho người dân, cũng không trả được tiền cho Tài nên vợ chồng Tình, Sương đã bị cơ quan tố tụng truy tố trong 2 vụ án: 1 là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với bị hại là vợ chồng ông Tài, 2 là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với bị hại là khoảng 200 người dân đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thỏa thuận mua đất với Cty SGCC tại dự án KDC Tam Phước. Theo đó, cả 2 vụ án này được cho là đều có tài sản đảm bảo thi hành án là 10,2 ha đất tại KCD Tam Phước được đơn vị thẩm định giá định giá khoảng 250 tỷ đồng.

    Sau đó, TAND Tối cao đã xét xử vụ án thứ nhất là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ra bản án số 274/2015/HSPT ngày 21/5/2015, tuyên phạt ông Tình 18 năm tù, bà Sương 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

    Phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Tình, Sương.

    Cũng theo hồ sơ vụ việc, sau khi bản án số 274/2015/HSPT ngày 21/5/2015 có hiệu lực thi hành thì việc thi hành án đã được thực hiện khá nhanh chóng. Cục thi hành án dân sự (CTHADS) tỉnh Đồng Nai ra Quyết định thi hành án số 75/QĐ-CTHA ngày 25/6/2015 kê biên toàn bộ 10,2 ha đất thuộc các thửa 180; 236; 237; 237b; 237c; 707; 286 và các công trình trên đất nằm trong dự án KDC Tam Phước của Cty SGCC để đưa ra bán đấu giá và sau đó tài sản đã được đem bán đấu giá thành công.

    Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng

    Theo hồ sơ vụ việc, ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định số 4027/QĐ UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KDC Tam Phước. Khi Cty còn hoạt động bình thường, để có tiền triển khai dự án và tạo điều kiện cho dân có thể sở hữu được nền đất trong tương lai, bị cáo Tình với tư cách là Giám đốc Cty SGCC đã ký các hợp đồng phân phối độc quyền dự án KDC Tam Phước với Công ty CP ĐT BĐS Hoàng Linh và Công ty CP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến. Sau khi có khách hàng, đơn vị phân phối đưa về ký hợp đồng với chủ đầu tư. Thực tế, nhiều khách hàng đã ký với Cty SGCC bằng “hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng KDC Tam Phước”, góp tiền theo tiến độ để sở hữu nền đất trong tương lai.

    Điều đáng nói, tại phiên tòa, những người được cáo trạng nêu là mua đất tại dự án KDC Tam Phước cũng khẳng định và đưa ra bằng chứng: họ góp vốn lấy đất tại dự án KDC Tam Phước đều thông qua hợp đồng góp vốn chứ không phải hợp đồng mua bán và ký trực tiếp qua pháp nhân là Cty SGCC, hoàn toàn không liên quan cá nhân ông Tình, bà Sương. Thế nhưng đại diện VKS không đưa ra bằng chứng mà chỉ nhận định “thực chất là mua bán”.

     Chị Lê Thị Kim khẳng định: hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng qua Công ty Sài Gòn Cây Cảnh, không liên quan đến cá nhân ông Tình, bà Sương.

    Theo Luật sư Trần Việt Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM thì việc tách rời 2 vụ án đã gây hậu quả nghiêm trọng, bởi, tài sản để khắc phục hậu quả là 10,2 ha đất dành cho 2 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng sau khi thi hành bản án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì tài sản đảm bảo thi hành án đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không còn, do CTHADS tỉnh Đồng Nai đã đem bán đấu giá để thi hành án trước đó. Trong khi tài sản này đủ để khắc phục hậu quả cho cả 2 vụ án của ông Tình và bà Sương, căn cứ theo kết quả Trưng cầu giám định số 9318.817/CT-BTCVLAUE, tháng 11/2018 có giá trị thẩm định là: 248.212.000.000 đồng.

    Phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Tình, Sương.

    Luật sư Cường cũng cho rằng: Cáo trạng của VKS tỉnh có sự xác định nhầm lẫn cá nhân ông Tình, bà Sương với pháp nhân Cty SGCC. Hai bị cáo Tình, Sương là thành viên của Cty SGCC, theo Luật doanh nghiệp quy định, những người bị khởi tố, bắt giam thì không được quyền đại diện pháp nhân, một trong những người còn lại của Cty sẽ là người đại diện pháp nhân. Theo đó, HĐXX không mời đại diện pháp nhân Cty SGCC tham gia tố tụng là sai nghiêm trọng về mặt pháp luật, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

    Tài sản đảm bảo thi hành của vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là 10,2ha đã bị bán đấu giá cho vụ án thứ nhất thì khi đó không còn tài sản để thi hành án, vợ chồng bị cáo Tình, Sương chắc chắn không thể trả tiền cho dân. Và 200 người dân không biết sẽ được thi hành án ra sao khi bị cáo bị tuyên buộc bồi thường?

    Kỳ Anh - Trung Hoàng/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-nai-can-lam-ro-viec-200-nguoi-dan-khon-don-vi-thieu-tai-san-dam-bao-thi-hanh-an-da-bi-ban-dau-gia-a290132.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.