+Aa-
    Zalo

    Dự án mở rộng QL1A: Dân kiến nghị vì đền bù không thỏa đáng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - 32 hộ dân được cấp đất 1 thời điểm, cùng đóng thuế và các nghĩa vụ như nhau nhưng khi giải toả, lấy đất làm đường Quốc lộ thì đến bù lại khác nhau.

    (ĐSPL) - 32 hộ dân được cấp đất 1 thời điểm, cùng đóng thuế và các nghĩa vụ như nhau nhưng khi giải toả, lấy đất làm đường Quốc lộ thì đến bù lại khác nhau. Đáng nói hơn, hộ nào quyết liệt, chây ỳ việc bàn giao đất thì lại được xem xét, tăng mức đền bù, còn các hộ tự ý tháo dỡ, bàn giao mặt bằng lại chịu thiệt.

    Trong đơn kiến nghị gửi Báo Đời sống và Pháp luật, 6 hộ dân trú tại phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) trình bày: Sau khi đường Quốc lộ 1A mới hoàn thành (29/3/1992), UBND xã Mai Hùng (nay là phường Mai Hùng) tổ chức bán đất đoạn đường quốc lộ cũ, bao gồm mặt đường nhựa và khu đất Đồng Láng liền kề. Đối tượng được mua xét theo đơn, ưu tiên những gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ và gia đình có hai con dâu trong một nhà. Sau khi rà soát, thẩm định có 32 hộ gia đình đủ điều kiện được mua đất ở, được phép xây dựng nhà kiên cố, kết hợp làm cửa hàng kinh doanh, dịch vụ.

    Từ năm 1992 đến nay, các hộ đã đóng thuế đất và thuế kinh doanh, dịch vụ đầy đủ. Đầu năm 2014, khi tiến hành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, tất cả 32 hộ đều bị ảnh hưởng, bị thu hồi một phần diện tích đất, nhưng khi lên phương án, một số hộ được mức đền bù 6 triệu đồng/m2, các hộ còn lại chỉ được 3 triệu đồng/m2. Ông Trần Văn Hà, trú tại khối 10, phường Mai Hùng cho biết: “Chúng tôi mua đất cùng thời điểm, đã nộp lệ phí, được chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc là đất ở, nhưng áp giá đền bù, mỗi gia đình lại một kiểu”.

    Một trong 6 hộ dân gửi đơn kiện chỉ về khu đất của mình, nơi chỉ được đền bù 50\% so với mặt bằng chung

    Điều đáng nói, nhiều gia đình không chấp thuận với mức đền bù ban đầu nên đã cương quyết chống đối, một mực không đập nhà, tháo dỡ công trình nằm trong khu vực giải tỏa. “Nhà nào làm căng đến cùng thì được giải quyết, riêng 6 hộ chúng tôi đều là gia đình chính sách, chấp hành nghiêm túc quyết định thu hồi đất, tự động tháo dỡ, tạo điều kiện cho dự án hoàn thành kịp tiến độ thì lại không được đảm bảo quyền lợi”, ông Đinh Văn Nam chia sẻ.

    Vì chuyện thu hồi đất, nhiều gia đình rơi vào cảnh éo le. Ông Trần Văn Hà, trú khối 10 cho biết, đất nông nghiệp không có nên gia đình xây dựng một ki-ốt nhỏ để sinh sống nhưng từ khi Hội đồng GPMB thu hồi đất thì mọi việc phải dừng lại, cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. “Nhà nước làm đường và thu hồi đất thì phải giao thôi nhưng chúng tôi muốn có sự công bằng. 32 hộ dân sống ven đường, cùng mua đất một thời điểm, cùng đóng thuế như nhau mà nhà được đền bù 3 triệu/m2, nhà thì được 6 triệu/m2, thật là vô lý”, ông Hà bức xúc.

    Phóng viên đã trực tiếp có mặt tại địa phương để tìm hiểu thực hư. Diện tích đất của 6 hộ dân nói trên theo quan sát nằm xen kẽ nhau và qua tìm hiểu cho thấy khiếu nại của người dân là có lý, bởi có trường hợp hai hộ dân sát nhau, cùng nguồn gốc đất nhưng lại được đền bù khác nhau.

    Như trường hợp của anh Đinh Văn Hùng, trú khối 8, phường Mai Hùng chẳng hạn. Năm 1997, anh Hùng có làm thủ tục chuyển nhượng đất cho hộ ông Văn Đức Ân, trú khối 15 và Văn Đức Thuật, trú khối 10 nhưng khi nhận tiền bồi thường thì gia đình anh Hùng chỉ được nhận ở mức 3 triệu đồng/m2, còn 2 hộ kia được 6 triệu đồng/m2. “Thật là vô lý vì trên cùng một thửa đất, lại có mức đến bù khác nhau. Chúng tôi phải đấu tranh đòi công bằng, vì nếu im lặng, người ta lại bảo mình không biết gì”, anh Hùng nói.


    Anh Đinh Văn Hùng chỉ về khu đất của mình và khu đất đã bán cho 2 người khác nhưng giá đến bù lại khác nhau

    Chúng tôi liên hệ làm việc với UBND thị xã Hoàng Mai thì được cung cấp văn bản liên quan đến vụ việc. Theo đó, ngày 17/10/2014, UBND thị xã Hoàng Mai đã có văn bản số 803/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận: Năm 1991-1992, UBND xã Mai Hùng cấp đất cho một số hộ dân bám mặt QL1A, trên hóa đơn nộp tiền đều ghi là “Lệ phí đất 1A” nhưng giấy tờ cấp đất thì khác nhau, có thửa ghi là giao đất làm nhà ở, một số thửa khác thì ghi giao đất để làm “nhà quán, sản xuất kinh doanh, dịch vụ”, tuy nhiên tiền sử dụng đất các hộ phải nộp là như nhau.

    Công văn xác nhận nguồn gốc đất của UBND thị xã Hoàng Mai

    Lý giải về sự việc cấp “đất ở” và “đất kinh doanh”, văn bản nói trên của UBND thị xã Hoàng Mai giải thích thêm: Tùy vào cách hiểu, cách vận dụng luật và từ ngữ có khác nhau nhưng thực tế thời điểm đó xã Mai Hùng giao đất cho người dân để làm nhà ở chứ không giao đất làm dịch vụ. Theo bản đồ địa chính đo đạc năm 1997, các thửa đất trên được thể hiện là đất ở. Trước đây khu vực này quy hoạch là đất ở nông thôn, hiện nay quy hoạch là đất ở đô thị.

    Chính quyền địa phương đã xác nhận và đề nghị các đơn vị liên quan giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay, khiếu nại của 6 hộ dân vẫn tiếp diễn.

                                                                                                             LÊ GIÁP

    [mecloud]aHQT1A4AZy[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-mo-rong-ql1a-dan-kien-nghi-vi-den-bu-khong-thoa-dang-a113370.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.