+Aa-
    Zalo

    Dự báo thời tiết: Tình hình mưa lớn khu vực miền Trung tiếp diễn đến khi nào?

    (ĐS&PL) - Trước tình hình mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng nâng mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở một số tỉnh miền Trung lên cấp 4. Cấp 4 là mức cảnh báo nguy cơ rất lớn, được đưa ra trong trường hợp dự báo lượng mưa 200-400mm trong 24 giờ kéo dài trên 4 ngày ở khu vực trung du, vùng núi trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.

    VOV đưa tin, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đêm qua và sáng nay (14/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; lượng mưa tính từ 19h ngày 13/10 đến 8h ngày 14/10 có nơi trên 250mm. 

    "Dự báo từ ngày 14/10 đến sáng 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt mức cảnh báo mưa lớn cấp 4 cho 2 tỉnh thành Đà Nẵng và Thừa thiên Huế. Có thể nói lần này mưa rất lớn, gây ra nhiều yếu tố nguy hiểm cho hai địa phương này nói riêng và nhiều nơi ở miền Trung", ông Mai Văn Khiêm nhận định

    Đã có ít nhất 2 người tử vong do bị lũ cuốn (ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh) và hàng trăm nhà dân bị ngập, chủ yếu ở tâm mưa Đà Nẵng.

    Lý giải nguyên nhân gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, theo lãnh đạo cơ quan khí tượng, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ, cùng lúc trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, có đới gió Đông hoạt động mạnh. Tổ hợp hình thái thời tiết trên đã gây ra đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng ở khu vực miền Trung.

    Hàng năm, vào khoảng tháng 10 vẫn được xem là một trong những tháng mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Do đó, từ 11/10 đến nay, ở Bắc và Trung Trung Bộ liên tiếp xảy ra lượng mưa rất lớn, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trọng tâm.

    du bao thoi tiet tinh hinh mua lon khu vuc mien trung tiep dien den khi naopng0
    Khẩn trương đưa người dân ra khỏi vùng ngập nặng, đảm bảo an toàn tính mạng. Ảnh: VietNamnet.

    Nhận định về lượng mưa lên đến 800mm chỉ trong 2 ngày, các chuyên gia khí tượng cho biết, lượng mưa phổ biến ở miền Trung thời kỳ này thường ở mức 600-800mm. Do đó, lượng mưa đang diễn ra không phải bất thường, nhưng trong 2 ngày qua, ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng là tương đối lớn so với trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý, giai đoạn từ 16-17/10, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. 

    Với lượng mưa liên tục lập đỉnh kéo dài nhiều ngày, miền Trung đối mặt với đợt thiên tai với nhiều diễn biến rất phức tạp. Nhất là khi dự báo cho thấy, sau 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài, theo VietNamnet.

    Đà Nẵng: Nhiều nơi ngập sâu, giải cứu người dân mắc kẹt tại vùng rốn lũ

    Đến trưa 14/10, trên địa bàn Đà Nẵng trời tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to khiến các khu dân cư ngập sâu. Đặc biệt, tại khu vực dân cư ở đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nơi được xem là rốn lũ của Đà Nẵng nước rất lớn, có nơi sâu hơn 1m. Rạng sáng 14/10, lực lượng chức năng nhận được tin báo có người dân mắc kẹt ở khu vực nước ngập sâu, chảy xiết tại ngõ 161 đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam). Lập tức, Công an quận Liên Chiểu xuất xe cùng 7 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường nước dâng cao từ 1-2,2m, nhanh chóng cứu 12 người dân thoát ra an toàn.

    Ông Nguyễn Danh Tiến, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 (Khu Quản lý đường bộ III) cho biết, mưa lớn kéo dài từ trưa 13/10 đến nay đã làm Quốc lộ 14G (QL14G), thuộc địa phận huyện Hòa Vang ngập sâu.

    Theo đó, QL14G đoạn từ Km 0+800 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ngập sâu, phương tiện không thể di chuyển. Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đặt biển cảnh báo cho người dân được biết. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, chốt chặn tại các vị trí ngập để hướng dẫn người dân đi lại, đảm bảo an toàn.

    Trên Quốc lộ 1A đoạn đường Tôn Đức Thắng (gần Đại học Sư phạm Đà Nẵng) nước ngập sâu trên 0,5-0,7m khiến phương tiện không thể di chuyển. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo, có mặt hướng dẫn phương tiện không di chuyển qua.

    mua lon keo dai da nang so tan hang ngan ho dan khoi vung ron lu ngay trong dem06
    Sóng biển dữ dội, ăn sâu vào vùng biển Hội An (Quảng Nam). Ảnh: VTC News

    Nguồn tin cho biết, cũng do mưa lớn kéo dài nên taluy dương đường lên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) xảy ra tình trạng sạt lở, đá tảng lăn, một số vị trí đất cát sụt trượt xuống mặt đường. Lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận Sơn Trà cho biết, để đảm bảo an toàn, lực lượng CSGT đã chốt chặn đường tại chân núi Sơn Trà, không cho người dân và phương tiện lưu thông.

    Quảng Nam xuất hiện nhiều điểm sạt lở 

    Tin trên Dân trí, lãnh đạo huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay (14/10) khiến quốc lộ 14H, đoạn qua xã Duy Sơn, ngập sâu gần 1m. Tại thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn), nước lụt ngập sâu gần 1m, kéo dài khoảng hơn 100m, phương tiện di chuyển khó khăn. Lực lượng dân quân tự vệ túc trực tại đây để điều phối và hướng dẫn các phương tiện di chuyển hướng khác.

    Quốc lộ 14H, đoạn qua chợ Bà Lê, địa phận TP Hội An, cũng bị ngập sâu gần 0,5m.

    Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua làm nhiều tuyến đường huyết mạch khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

    Tối 13/10, tuyến đường ĐT611, nối huyện Quế Sơn lên huyện Nông Sơn bị chia cắt do sạt lở taluy dương đoạn qua đèo Le, thuộc địa phận xã Quế Long, huyện Quế Sơn. Theo ước tính, khối lượng sạt lở khoảng 5.000m3.

    Do trời tối kèm mưa lớn, phải chờ đến rạng sáng nay, các lực lượng và phương tiện mới tiếp cận hiện trường để thông đường. Sáng 14/10, tranh thủ lúc trời tạm ngừng mưa, các lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục tại điểm sạt lở này. Đến khoảng 8h ngày 14/10, tuyến đường ĐT611 đã thông xe bước 1; hiện ô tô có thể đi qua vị trí sạt lở.

    Mưa lớn cũng gây ngập nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, các địa phương đã bố trí lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trong cộng đồng lập điểm chốt chặn và trưng dụng xe tải lớn trung chuyển người dân qua những đoạn ngập nước.

    Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cắm biển cảnh báo một số khu vực có nguy cơ sạt lở, cắt cử lực lượng hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn.

    du bao thoi tiet tinh hinh mua lon khu vuc mien trung tiep dien den khi naopng3
    Mưa lớn khiến giao thông nhiều khu vực bị đình trệ do nước ngập sâu trên 1m. Ảnh: VOV.

    Chiều 13/10, gió lốc làm 3 ngôi nhà tại thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình tốc mái, làm 1 người bị thương nhẹ. Hiện nay, 17 hồ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý thì có 15 hồ tích nước từ dưới 50% đến 62%. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, giao thông trên các tuyến thủy nội địa tại tỉnh Quảng Nam hoạt động hạn chế, riêng các tuyến Hội An - Cù Lao Chàm vận tải hành khách ngừng hoạt động

    Quảng Bình lên phương án đảm bảo an toàn do mưa lớn

    Tại tỉnh Quảng Bình, 2 ngày qua có mưa vừa, mưa to. Dự báo trong những ngày tới sẽ có 2 đợt mưa lớn, với tổng lượng mưa rất cao, xuất hiện lũ trên sông, sạt lở đất.

    Điều đáng lo ngại là các hồ đập tỉnh này đang xuống cấp nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện rất nhiều dự án xây dựng, giao thông trọng điểm quốc gia. Địa phơng này khẩn trương lên phương án bảo đảm an toàn hồ đập và các công trình trọng điểm.

    Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình đã bố trí nhân lực trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí ngầm tràn và các điểm sạt lở trên các tuyến. Các lực lượng tại chỗ được huy động tiếp cận vị trí sạt lở, san gạt đất đá thông đường sớm. Ông Hoàng Đăng Cương, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tập trung máy móc, vật tư dự phòng và bố trí lực lượng tại các vị trí xung yếu để khi có sạt lở và ngập lụt xảy ra, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, xử lý sạt lở.”

    Nguồn tin cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 153 hồ chứa thủy lợi đạt hơn 60% dung tích thiết kế, 9 hồ đạt 100% dung tích thiết kế. Nếu mưa lớn kéo dài, lo ngại nhất là vỡ các hồ đập. Mưa lớn 2 ngày qua đã gây một số thiệt hại tại tỉnh Quảng Bình như kè chống xói lở tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch bị sạt lở 30m. Tại huyện Tuyên Hóa, xảy ra sạt lở đất đồi khu vực xã Đồng Hóa và xã Phong Hoá, nhiều hộ dân phải di dời. Mưa lớn làm hơn 20 thôn, bản miền núi bị chia cắt, cô lập. Một số tuyến giao thông trên Quốc lộ 12A, 9C bị sạt lở ta luy, hư hỏng.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-bao-thoi-tiet-tinh-hinh-mua-lon-khu-vuc-mien-trung-tiep-dien-den-khi-nao-a595198.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan