+Aa-
    Zalo

    Giải pháp nào giúp du học không còn "đóng băng" do dịch COVID-19?

    ĐS&PL Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến thị trường du học tại Việt Nam và kế hoạch ra nước ngoài học tập, trải nghiệp của nhiều học sinh, sinh viên.

    Mỗi năm, nước ta có hơn 600.000 học sinh không lựa chọn học đại học trong nước mà quyết định đi du học, học cao đẳng, trung cấp hoặc đi làm. Trong số đó, có hơn 100 ngàn học sinh lựa chọn du học tại các nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Úc, Canada, Singapore.

    Tuy nhiên, gần 2 năm qua, tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với các chính sách hạn chế đi lại hoặc hạn chế nhập cảnh từ nhiều quốc gia, đã tác động lớn đến kế hoạch du học của nhiều học sinh, sinh viên.

    Một khảo sát do tổ chức giáo dục Quacqurelli Symonds công bố cho thấy có 63% học sinh từng có kế hoạch du học bị hoãn lại. Trong khi đó, 10% người hủy kế hoạch du học, 11% dự định đổi nơi du học.

    Các công ty du học tại Việt Nam theo đó cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình dịch bệnh.

    du hoc nhat mua covid
    Dịch bệnh COVID-19 khiến giấc mơ du học của nhiều em học sinh bị khép lại.

    Trao đổi với Tạp chí Đời sống & Pháp luật, chị Nguyễn Thị Hương làm việc tại WBS – một công ty chuyên đưa du học sinh sang Đức cho biết:"Tình hình dịch bệnh khiến bên mình bị ảnh hưởng về số lượng học viên bay tới Đức. Trước khi dịch bệnh tại Việt Nam trở nên phức tạp, thông thường mỗi tháng bên mình sẽ có đoàn bay từ 5-10 bạn, những tháng cao điểm nhập học như tháng 3 và tháng 9 thì con số này có thể cao hơn từ 15-20 bạn. Tuy nhiên, kể từ tháng 1 năm nay, tình hình dịch bệnh khiến số lượng học viên giảm xuống đáng kể, tổng số sinh viên du học 3 quý đầu năm chỉ còn gần 60 người”.

    Theo chị Hương, vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, do lệnh giãn cách ở Hà Nội và TP.HCM khiến việc nộp hồ sơ du học bị trì hoãn. Mặc dù, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đức vẫn mở cửa tiếp nhận hồ sơ, tuy nhiên số lượng đặt lịch hẹn tương đối lớn gây tình trạng quá tải, nhiều bạn học sinh vẫn phải chờ để có lịch hẹn.

    “Để xin Visa tới Đức theo chương trình du học, các bạn học sinh cần phải thi đỗ chứng chỉ ngôn ngữ Quốc tế A2/B1. Việc dịch bệnh kéo dài khiến các trung tâm tổ chức thi chứng chỉ Quốc tế không thể tổ chức được”, chị Hương cho biết thêm.

    “Trước khi dịch, học sinh được lựa chọn 3 kì thi khác nhau tại Việt Nam để thi lấy bằng, tuy nhiên từ năm 2020, do dịch bệnh chỉ còn lại Viện Goethe và Đại học Hà Nội có thể tổ chức thi, nhưng số lượng thi quá lớn khiến nhiều hội đồng thi cũng bị quá tải, số lượng học sinh chờ thi bằng B1 đang rất lớn, để đăng kí thi được cũng là một bài toán khó với các bạn học viên”.

    covid 19 anh huong toi du hoc tai viet nam dspl 2
    Số lượng du học sinh giảm đáng kể.

    Cũng chia sẻ những khó khăn do đại dịch COVID-19, anh Bùi Dũng làm việc tại một công ty du học tại Hà Nội cho biết: “Thời gian vừa qua số lượng du học sinh giảm rõ rệt. Hầu hết phụ huynh cũng lo ngại vì tình hình dịch bệnh.

    Việc đi du học mùa dịch có thể diễn ra theo đúng dự kiến hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quốc gia đó có mở cửa cho du học sinh hay không, người học có đảm bảo được sức khỏe và chấp hành được các quy định của quốc gia đó không,… Mỹ hiện không yêu cầu sinh viên quốc tế tiêm vắc-xin trước khi nhập cảnh, nhưng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành".

    Theo anh Dũng, mọi thay đổi diễn ra khá nhanh, các trường đều thường xuyên cập nhật thông tin, do đó du học sinh cần theo dõi trên website và các thông tin chính thức từ trường mình để lên các kế hoạch tiếp theo.

    duhocsinhhanquocnenlamgitrongmuacovid 19
    Các trường đại học thường xuyên thay đổi kế hoạch đào tạo do dịch bệnh.

    Nhằm góp phần xoa dịu nỗi lo cho sinh viên và gia đình, một số trường đại học nước ngoài đã lên kế hoạch tổ chức học tại chỗ kết hợp với học trực tuyến, trong khi một số trường khác đã chuyển toàn bộ lớp học sang hình thức trực tuyến.

    Mặc dù học từ xa có thể giúp sinh viên không bị gián đoạn học tập, nhưng một trong những lý do chính khiến sinh viên lựa chọn đi du học là để trải nghiệm một nền văn hóa mới cùng các hoạt động ngoại khóa khác bên cạnh chương trình đào tạo. Do đó, hình thức học trực tuyến trở nên kém hấp dẫn đối với nhiều sinh viên.

    “Sự chênh lệch múi giờ cũng là một vấn đề đối với sinh viên Việt Nam nếu các bạn quyết định tham gia các khóa học trực tuyến trong năm học tới. Ví dụ, nếu sinh viên Việt Nam tham gia các khóa học trực tuyến được giảng dạy ở Mỹ, các bạn sẽ phải thức đêm để tham dự các lớp học. Đây là một trở ngại không hề nhỏ”, anh Dũng cho biết.

    covid 19 anh huong toi du hoc tai viet nam dspl 4
    Việc 'du học online' không thể tuyệt vời bằng việc trải nghiệm thực tế.

    Giải pháp khắc phục

    Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, ngay khi có dịch bệnh, công ty WBS đã xác định phải sống chung với dịch“ nên cũng đã gấp rút xây dựng cũng như dần hoàn thiện các chương trình để phù hợp với thích ứng với dịch bệnh.

    Biết được tâm lý, khi học online các bạn học viên sẽ cảm thấy chán và mệt hơn khi học trực tiếp, công ty đã xây dựng chương trình học dài hơn, ứng dụng các phần mềm công nghệ để giúp giờ học dễ dàng hơn.

    Đặc biệt, trong các giờ học công ty cũng xây dựng bộ quy tắc tương tác giữa giáo viên và học viên, để các bạn học viên sẽ giao tiếp và tương tác hiệu quả hơn trong giờ học.

    Thay vì chờ VFS (đơn vị nhận hồ sơ xin visa cho Đại sứ quán) mở cửa, chúng mình luôn hướng dẫn các bạn đặt lịch với Đại sứ quán. Đồng thời công ty cũng đã đề nghị với phía tập đoàn mẹ bên Đức liên lạc với Đại sứ quán để hỗ trợ các bạn học viên của trung tâm nộp hồ sơ trong thời gian sớm nhất”, chị Hương cho biết.

    Trao đổi với Tạp chí Đời sống & Pháp luật, Giảng viên Phạm Thị Phượng giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay các bậc phụ huynh nên thường xuyên động viên con em mình. Nếu các em khát khao được du học thì cha mẹ hãy thuyết phục con hãy coi đây là khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng cho những năm tháng du học.

    “Theo đó, cha mẹ có thể khuyến khích con trẻ tham gia công tác xã hội, thiện nguyện, làm một công việc thời vụ yêu thích, tham gia các khoá học ngắn hạn, trực tuyến. Những việc này rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cho bản thân, có thể làm đẹp hơn hồ sơ cá nhân và bắt đầu một cơ hội học tập mới khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi”, cô Phượng chia sẻ.

    Mộc Miên 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-hoc-ngung-tre-do-dich-benh-covid-19-a519432.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan