Đưa con chữ, “cần câu cơm” đến với người trót say đắm “nàng tiên nâu”


Thứ 3, 05/02/2019 | 06:12


Không chỉ cai nghiện, các thầy cô giáo ở trung tâm cai nghiện Xuân Phú (Đồng Nai) còn xóa mù chữ và dạy nghề cho học viên.

Không chỉ cai nghiện, các thầy cô giáo, cán bộ cũng như lãnh đạo trung tâm cai nghiện Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) còn cố gắng tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của những học viên để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong những điều tốt đẹp ấy có việc xóa mù chữ và dạy nghề để học viên có “cần câu cơm” làm lại cuộc đời.

Vui vì được học chữ

Tạm gác lại những câu chuyện buồn trong bước trượt định mệnh đẩy các học viên sa ngã vào con đường nghiện ngập, để hôm nay, họ có mặt tại đây, quyết tâm làm lại. Ngoài giúp học viên cai nghiện, cắt cơn, trung tâm còn dạy họ học chữ, học nghề.

Tìm hiểu về việc xóa mù chữ tại trung tâm cai nghiện Xuân Phú, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1984, người phụ trách công tác dạy chữ cho học viên cai nghiện) cho biết, chị đã gắn bó với trung tâm hơn chục năm. Để giúp PV hiểu thêm về việc dạy chữ, học chữ tại nơi hết sức đặc biệt này, chị Oanh đưa chúng tôi đến gặp học viên của mình. Qua ô cửa sổ nhỏ, chúng tôi quan sát thấy học viên của chị không phải là những em bé cần chữ để vào đời. Họ là những người nghiện ma túy. Và dạy chữ cho những người lớn tuổi là một điều rất khó khăn.

Dù vậy, nhìn cách chị Oanh dạy đánh vần từng con chữ, nhẹ nhàng bảo ban từng người khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Những học viên đánh vần từng câu từng chữ giống như học sinh lớp 1, rồi cách họ nói chuyện, lễ phép với chị Oanh, chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi vô cùng cảm động. Chia sẻ với chúng tôi, anh N.V.T. (SN 1982, người tỉnh Đồng Nai), học viên giỏi, nhanh nhẹn của lớp xóa mù chữ do chị Oanh giảng dạy cho biết, cuộc đời anh cũng lắm thăng trầm.

Chị Oanh dạy chữ cho học viên.

Anh nói rằng, điều khiến anh ân hận nhất là khi đã làm cha của hai đứa trẻ nhưng vẫn lầm đường lạc bước. Bây giờ, khi ngồi trong lớp xóa mù, học những con chữ đầu tiên, anh mới hiểu được cái chữ khai thông tâm trí con người, khiến anh hiểu cuộc đời hơn. Anh mong muốn sớm được trở về nhà, đi làm, cố gắng đọc nhiều sách báo, những thứ trước đây anh chưa một lần được làm vì một chữ bẻ đôi không biết. “Tôi sẽ cố gắng không tái diễn sai lầm của mình và nhất định phải làm một người bố tốt của con tôi”, anh V.T. nói mà như tự hứa với chính mình.

Không chỉ anh T., trong lớp học chữ của chị Oanh còn có nhiều những phận đời như anh G., chị M., chú D..., mỗi người “gánh” một số phận khác nhau. Tất cả có điểm chung là “dính” ma túy, trót sa đà nghiện ngập và muốn đổi đời. Chúng tôi đã nói chuyện với cô gái T.T.D. (31 tuổi) và được biết, D. rơi vào con đường nghiện ngập cũng chỉ vì “quên” học chữ, mải chơi theo bè bạn. “Do không biết chữ, không có bằng cấp nên tôi không xin được việc làm ổn định, đi làm tự do thì được bữa đực bữa cái không đâu vào đâu. Chán nản vì nghĩ đời mình khổ, trách số phận, tôi đâm ra chán đời, bạn bè rủ rê chơi ma túy rồi bị bắt đưa đi trung tâm cai nghiện. Giờ đã biết chữ, tôi tin sau này được ra bên ngoài, tôi sẽ cố gắng đi đến trường học bổ túc văn hóa để làm lại cuộc đời”, D. nói.

Chị Oanh cho biết, chương trình xóa mù chữ ở trung tâm cai nghiện Xuân Phú được dạy theo từng đợt, tùy theo số học viên. Mỗi đợt có khoảng 30 học viên dạy trong 3 tháng. Thời gian học mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, dạy theo chương trình xóa mù phổ cập. “Các học viên ở đây chủ yếu là người đã có tuổi, trước họ đã từng sử dụng ma túy nên sự tiếp thu rất khó khăn. Nhiều người học 2 tháng mới biết đánh vần nhưng hầu hết đều rất thích và cố gắng để học. May mắn là họ cần cù, chịu khó nên mình có thêm động lực đồng hành cùng họ”, chị Oanh chia sẻ.

Tạo “cần câu cơm”

Chia tay lớp học của chị Oanh, chúng tôi theo chân ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc trung tâm tìm gặp những học viên được trung tâm cho học nghề. Thấy ông Lịch đưa khách đến, những học viên này nhanh nhảu cùng nhau đứng dậy chào một cách nghiêm trang và quy củ.

Theo ông Hồ Trí Lịch, công tác dạy nghề tại cơ sở cai nghiện được thực hiện dựa trên chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề cho học viên trong năm 2018 của sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, trong năm 2018, cơ sở đã tổ chức khai giảng 9 lớp nghề cho hơn 300 học viên bao gồm: Cơ khí cắt gọt, nghề may, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn. “Nhờ được học nghề yêu thích mà nhiều em trở nên vui vẻ, hòa đồng, thân thiện hơn. Các em cũng cho biết nghề chính là hy vọng để sau này trở về với cộng đồng sẽ tự tin hơn, có cơ hội làm lại cuộc đời”, ông Lịch nói.

Để hiểu hơn về việc học nghề ngay tại trung tâm cai nghiện, chúng tôi đã gặp gỡ học viên T.Q.S. (ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Vừa lập trình trên máy, S. vừa kể với chúng tôi việc chọn nghề tiện ren để học vì đó là một nghề hiện nay vẫn đang cần số lượng lớn thợ lành nghề. S. cho biết, anh vào trung tâm được 6 tháng. Khi được các thầy cô quản lý hỏi về nhu cầu học nghề, S. bày tỏ mong muốn được học nghề tiện ren. Sau đó, S. được tham gia lớp học nghề ngay chính trung tâm cai nghiện.

S. hồ hởi khoe anh đã được nhận bằng giỏi khi kết thúc khóa học và làm việc thành thạo. S. tự tin sau này ra đời sẽ làm tốt công việc của mình. “Bị bắt đi cai nghiện, ban đầu tôi cứ nghĩ đó là xui, là kết thúc tất cả. Nhưng vào đây, dần dần tôi mới nghiệm ra cái sai của bản thân và thấy mình vào đây là đúng. Tại đây, chúng tôi được thầy cô quan tâm, lo lắng, tâm sự khuyên bảo rất nhiều. Ngoài ra, tôi được học nghề miễn phí. Không chỉ quan tâm xem chúng tôi ở trong đây ra sao mà thầy cô còn nghĩ cho tương lai của chúng tôi. Khi ra ngoài dù sao có cái nghề trong tay vẫn tự tin hơn, không chơi bời lêu lổng để sa ngã nữa”, S. nói.

Cũng tại trung tâm này, PV báo ĐS&PL cũng được nghe những chia sẻ về quãng đời lún sâu trong ma túy của anh N.V.T. (ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Khi vào đây, anh đã tìm được nghề phù hợp với bản thân. Anh T. hồ hởi khoe, anh cũng nhận được bằng giỏi nghề tiện ren và hiện anh đã thành thạo mọi công việc của nghề này. Anh tự tin sau này sẽ làm tốt công việc và cảm ơn các thầy cô tại trung tâm đã hỗ trợ, giúp anh được học nghề miễn phí, cho anh “cần câu cơm” để mai này đỡ lớ ngớ khi vào đời.

N.N
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 11

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-con-chu-can-cau-com-den-voi-nguoi-trot-say-dam-nang-tien-nau-a259906.html