Đua nhau giảm giá sách online: Lợi bất cập hại


Thứ 3, 25/03/2014 | 06:48


(ĐSPL) - Cuộc chiến của hai ông lớn này khiến nhiều người liên tưởng rằng, đây là trận càn quét để tiêu diệt những nhà sách online nhỏ lẻ...

(ĐSPL) - Thị trường sách đang nóng lên với cuộc "đấu giá" hi hữu giữa hai nhà cung cấp sách trực tuyến lớn nhất cả nước là Tiki và Vinabook. Bất chấp việc phá giá lẫn nhau, cũng như ảnh hưởng đến các nhà sách online khác, các đơn vị phân phối này vẫn sẵn sàng chiết khấu rất "mạnh tay" để hút khách hàng về phía mình.
Theo nhiều chuyên gia trong giới, màn "tung hứng" bất đắc dĩ này khó có thể duy trì được lâu hay tái diễn một lần nữa do sẽ vấp phải rất nhiều những bất cập khác nhau.
Thị trường - Đua nhau giảm giá sách online: Lợi bất cập hại
Sách mới phát hành hoặc chưa ra thị trường đã rơi vào cuộc chạy đua giảm giá khốc liệt.
Chỉ là biện pháp kích cầu tạm thời
Sau hơn một năm im hơi lặng tiếng và để Tiki lấn lướt trong thị phần bán sách trực tuyến với hàng loạt chính sách ưu đãi, Vinabook đánh dấu sự trở lại của mình trên thị trường sách bằng một chiến lược kinh doanh khá "mạo hiểm" khi đưa ra chương trình "Cam kết giá rẻ nhất thị trường".
Theo đó, nếu độc giả mua sách ở Vinabook mà thấy có nơi khác bán rẻ hơn thì đơn vị này sẽ hoàn tiền chênh lệch và tặng thêm 5\% giá bìa nếu tìm được đường link nhà sách online khác có giá tốt hơn cho cùng một ấn phẩm. Vinabook cho biết, chương trình này nhằm giúp đơn vị tạo ấn tượng với bạn đọc sau một thời gian trầm lắng.
Trước động thái của Vinabook, Tiki cũng không hề muốn bị "qua mặt" một cách dễ dàng và đại diện Tiki cho rằng, trong kinh doanh, nếu cứ chấp nhận thua kém đối thủ cạnh tranh thì đơn vị không thể tồn tại được.
Vậy là động thái đối đầu trực diện với đối thủ của Vinabook đã tạo nên một cuộc đua quyết liệt mà họ không thể dừng lại nếu không muốn phá vỡ cam kết của chính mình.
Cuộc chiến mở màn bằng cuốn sách ăn khách nhất trên thị trường hiện nay là Chúc một ngày tốt lành của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đầu tiên, Vinabook "tung ra" mức giảm 20\%, Tiki lập tức giảm 25\%, Vinabook giảm 30\%, Tiki lại giảm 35\%... Cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trở thành công cụ ganh đua giữa hai đơn vị và đạt kỷ lục giảm giá cho một tác phẩm mới ra mắt với mức giảm lên đến 42\% (với bìa mềm và bản cứng cũng giảm đến 37\% - PV).
Đến thời điểm hiện tại, sách đã giảm đến mức kỷ lục là 46\% cùng với việc tặng postcard và hàng loạt chương trình giảm giá khác (một bên tặng thêm bookmark - thẻ đánh dấu sách), bên kia miễn phí bọc bìa plastic).
Cuốn Đảo của Nguyễn Ngọc Tư sắp ra mắt cũng tiếp tục bị lôi vào cuộc chiến này. Trước đó, Vinabook rao giảm 20\% trên hệ thống của mình, còn nhà sách Tiki tung đòn kế tiếp khi giảm đến 31\%.
Cuộc đấu giá ngược này đang tiếp tục diễn ra trong những ngày tới và Vinabook tuyên bố, còn tiếp tục giảm giá sâu cho đến khi nào đối thủ dừng bước. Cuộc chiến của hai ông lớn này khiến nhiều người liên tưởng rằng, đây là trận càn quét để tiêu diệt những nhà sách online nhỏ lẻ ở thế "cá lớn nuốt cá bé".
Điều đáng nói là với mức giảm "khủng" đó, hai phía đều cầm chắc lỗ vì mức chiết khấu của đơn vị xuất bản dành cho họ đều thấp hơn mức chiết khấu mà họ áp dụng cho khách hàng.
Ông Nguyễn Thế Truật - PGĐ NXB Trẻ, đơn vị sở hữu hai đầu sách trong cuộc chiến tay đôi này cho biết: "NXB không can thiệp vào quyết định của các nhà phân phối nhưng bình thường các đơn vị phát hành bao giờ cũng có những mức chiết khấu nhất định cho khách hàng. Chiết khấu của NXB Trẻ dành cho các nhà phát hành ở mức từ 20 - 30\%. Tối đa là 30\% chứ không thể cao hơn được nữa vì tất cả đã được tính vào giá thành, nếu nâng lên quá cao thì NXB sẽ bị lỗ".
Anh Đặng Trần Quân, đại diện công ty N.N phân tích: "Trong cuộc chiến giành giật thị phần trên thị trường sách, có những thời điểm biết lỗ nhưng nhiều nhà phân phối vẫn chấp nhận lao vào cuộc đua. Nhưng chuyện này cũng không nhiều vì chạy đua thị phần bằng việc giảm giá vốn không phải là cách hiệu quả nhất trong các phương pháp cạnh tranh. Mặt khác, hiện nay trên thị trường cung cấp sách online, chỉ có một vài đơn vị lớn còn tồn tại được vì lợi nhuận của họ cũng không cao (các đơn vị này tốn nhiều chi phí hơn so với thực tế như phí ship, phí bảo quản...). Thế nên, những chiêu giảm giá sốc này chỉ diễn ra trong một dịp đặc biệt nào đó và mỗi năm một đến vài lần là cùng để kích cầu mà thôi. Bởi nếu như về sau những cuốn sách khác họ không giảm như thế thì khách hàng sẽ không lựa chọn".
Có thể "giết chết" các nhà sách online khác
Rõ ràng, cuộc chiến giảm giá sách đã khiến cho khách hàng xuất hiện tâm lý "chờ giá tốt mới mua" và cuộc chiến này khó có thể kéo dài vì các đơn vị bán sách không thể chấp nhận lỗ trong thời gian quá lâu.
"Cuộc giảm giá mạnh như hai nhà sách online trên là hi hữu bởi chi phí dành cho một cuốn sách rất lớn. Tất cả mọi thứ từ bản quyền, tác quyền cho đến phát hành, in ấn đều có chi phí cao. Việc giảm giá nhiều nhưng không lỗ chỉ xảy ra ở trường hợp với những cuốn sách đã ra đời cách đây 3-4 năm, khi đã hết khấu hao và chỉ đơn thuần là lưu kho. Điều đó cho thấy, chạy đua giảm giá không phải là biện pháp hiệu quả, mà việc nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và chất lượng các đầu sách mới là chiến lược phát triển lâu dài", anh Đặng Trần Quân cho hay.
Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc công ty Sách điện tử trẻ (Ybook) nhận định rằng, mỗi nhà bán lẻ cân đối mức chiết khấu dựa trên các yếu tố kinh doanh nhưng chắc chắn không ai dại gì bán chỉ để lỗ, hoặc lỗ thì họ phải đổi được cái khác.
"Họ chấp nhận chiết khấu cao cũng giống như việc sẵn sàng bỏ tiền ra cho chiến dịch marketing này hơn là quảng cáo và giảm giá trực tiếp, rồi sau đó sẽ có những đơn hàng khác bù lại. Họ đã hoạch định trước sẽ chi ra bao nhiêu và dừng ở mức nào nên sẽ không thể kéo dài mãi", ông Vinh nhấn mạnh.
Dễ thấy, việc giảm giá thực sự đã tạo ra một mức tiêu thụ rất mạnh tạm thời cho hai nhà sách online trên. Nhưng đồng thời với việc cạnh tranh giảm giá một cách khốc liệt, hai nhà sách này cũng đang tự làm khó mình và  "giết chết" các nhà sách online khác khi phá giá lẫn nhau.
Ông Nguyễn Thế Truật cho rằng, hiện tượng này không ảnh hưởng đến thị trường nhiều bằng trực tiếp đến nhà cung cấp. Thực tế là các đơn vị phát hành bán với giá gốc hoặc mức giảm giá ít hơn đang "la làng" vì bị ảnh hưởng. "Các nhà sách online khác sẽ phải "đóng cửa" nếu không chạy theo để cạnh tranh thị phần, nhất là những nhà buôn bán nhỏ. Họ được giảm giá 20\% thì phải giữ lại từ 5-10\% chứ không thể giảm quá giá mà NXB đưa ra. Trong khi đó người đọc sẽ luôn chọn nơi có chiết khấu cao. Tôi thấy xót ruột vì những đơn vị quy mô nhỏ nhảy vào cuộc chơi sẽ bị thiệt thòi và ngay cả những đơn vị quy mô lớn khi tham gia vào cuộc đua quá lớn cũng sẽ gặp khó khăn", ông Truật cho hay.
Trong cuộc chơi nhuốm màu "bốc đồng" này của các nhà phân phối, bạn đọc vẫn là người được lợi nhất khi có thể mua sách gốc với giá rẻ. Thế nhưng, với thị trường sách đây lại là một tín hiệu xấu. Nếu chiều hướng này kéo dài sẽ làm xuất hiện giá sách ảo khó lòng kiểm soát và người mua chắc chắn cũng không được hưởng lợi gì nữa khi giá sách sẽ bị đẩy lên "làm giá" trước khi giảm. 
Ông Đồng Phước Vinh cho rằng, có thể đây là khởi đầu cho những chiến dịch sắp tới của cả hai bên nhằm tranh giành thị phần và "tiện thể" hất văng một số nhà sách nhỏ lẻ khỏi thị trường. Thế nhưng nếu muốn làm được điều này thì cả Vinabook và Tiki đều phải sẵn sàng một nguồn "kinh phí" không hề nhỏ để phục vụ cho một chuỗi những bước đi tiếp theo. Nhất là khi đã xuất hiện việc các nhà sách nhỏ nhảy vào đặt mua sách trực tuyến trên các trang này để bán lại kiếm lời.
Loan Thanh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-nhau-giam-gia-sach-online-loi-bat-cap-hai-a26886.html