+Aa-
    Zalo

    Đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào điện ảnh Việt: Trăn trở "bài toán thổi hồn"

    • DSPL
    ĐS&PL Không hẹn mà gặp, hai bộ phim điện ảnh Việt ra rạp cuối năm 2017 là Mẹ chồng (Lý Minh Thắng) và Cô Ba Sài Gòn (Ngô Thanh Vân) đều tôn vinh các yếu tố truyền thống.

    Không hẹn mà gặp, hai bộ phim điện ảnh Việt ra rạp cuối năm 2017 là Mẹ chồng (Lý Minh Thắng) và Cô Ba Sài Gòn (Ngô Thanh Vân) đều tôn vinh các yếu tố truyền thống, thay vì chạy theo các trào lưu hot.

    Trước đó, Mỹ nhân kế, Dạ cổ hoài lang (Nguyễn Quang Dũng), Tấm Cám chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân),... cũng chọn hướng đi này. Các nhà làm phim đã đưa khán giả về với hình ảnh thướt tha của tà áo dài, áo bà ba, áo tứ thân.

    Trên thực tế, chuyện đưa các yếu tố văn hóa truyền thống lên phim không phải là “của hiếm” trong điện ảnh Việt, tuy nhiên, mức độ “phủ sóng” bất ngờ dày đặc trong thời gian gần đây. Nhìn vào thực tế này nhiều người ví von, yếu tố văn hóa truyền thống được dịp “lên ngôi” trong phim điện ảnh Việt.

    Sau thời gian ấp ủ, tháng 12 tới đạo diễn Lý Minh Thắng sẽ cho ra mắt Mẹ chồng - bộ phim đậm chất văn hóa Nam Bộ với điểm nhấn là chiếc áo bà ba.

    Lan Khuê với tạo hình trong "Mẹ chồng".

    Nam đạo diễn chia sẻ: “Khi quyết định thực hiện dự án phim về ngày xưa, vẽ nên một câu chuyện mang đậm chất truyền thống Nam Bộ, thì áo bà ba là yếu tố đầu tiên tôi nghĩ đến về mặt trang phục. Về cơ bản, phom dáng vẫn là áo bà ba. Tuy nhiên, mỗi chiếc áo bà ba sẽ mang gam màu và họa tiết riêng, để đảm bảo toát lên được nét điển hình nhất về tính cách, tâm lý, địa vị, số phận của từng nhân vật. Xa hơn nữa, tôi muốn sau khi phim Mẹ chồng, mọi người có thể kết hợp áo bà ba cách tân với những trang phục khác phù hợp”.

    Với Lý Minh Thắng, ngay từ khi bước chân vào ngành sản xuất phim, anh đã định hướng rõ các dự án phim của mình sẽ theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống. Anh mong sẽ tạo được hiệu ứng tốt để khán giả hòa nhịp với mình.

    Tất nhiên, tôi không xa rời số đông, nhưng phải có định hướng rõ ràng để khán giả có thể chắt lọc và chọn lựa những cái đẹp, cái hay của văn hóa truyền thống. Tôi cũng có cơ hội được đi du lịch nhiều nơi trên thế giới để học hỏi và tìm hiểu về văn hóa. Tôi thấy, ở các nước bạn, yếu tố văn hóa truyền thống rất được họ coi trọng. Thế nên, trở về nước tôi luôn ấp ủ theo đuổi những giá trị truyền thống, bởi lỡ như các bạn trẻ sau này không còn ai nhắc nhớ tới nữa thì uổng phí lắm”, Minh Thắng cho biết.

    Đạo diễn Mai Thế Hiệp cho rằng, một bộ phim khai thác về văn hóa truyền thống sẽ thuyết phục và lôi cuốn nếu giúp người xem tưởng nhớ, hoài niệm về những giá trị xưa cũ, ngoài yếu tố giải trí. Đó thực sự là điều rất thú vị.

    Tuy nhiên, việc hướng máy quay khai thác yếu tố văn hóa truyền thống để đưa lên màn ảnh không hề dễ dàng. Đó thực sự là một “bài toán khó” đối với các nhà làm phim, khi vừa phải đảm bảo cái chất truyền thống, nhưng vẫn phải bắt kịp với nhịp sống hiện đại. Còn kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” thì rất dễ phản tác dụng, bởi nếu chỉ có vỏ bọc rất kêu, nhưng “ruột” lại không có tính truyền thống thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

    Đạo diễn Lý Minh Thắng nêu ý kiến: “Trong nghệ thuật, có hai yếu tố tồn tại song song, đó là nội dung và hình thức. Muốn tiếp cận và làm những bộ phim khai thác yếu tố truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, chúng ta cần học hỏi cách thể hiện của các nước phát triển. Tuy nhiên, về nội dung, bản thân người đạo diễn, nhà sản xuất phải là người tỉnh táo, để cân đối các yếu tố trong từng dự án phim”.

    Theo Chuyên gia nghiên cứu trang phục truyền thống Nguyễn Mạnh Đức, yếu tố nào phù hợp với đời sống thì mới thực sự phát triển.

    Tôi cho rằng, nhu cầu của giới trẻ và xã hội hiện nay sẽ thiên về thời đại mà họ đang sống nhiều hơn. Thế nên, với các giá trị truyền thống dù nói là tôn vinh, nhưng mới chỉ ở mức quay lại và trân trọng hơn thôi, chứ đây vẫn chưa phải là yếu tố thực sự được mọi người chú ý. Bởi, yếu tố nào phù hợp với đời sống thì mới thực sự phát triển.

    Thực ra, các nhà sản xuất phim, hay những người làm nghệ thuật khác vẫn đang chứng minh rằng, các yếu tố văn hóa truyền thống cần được tôn vinh và phát huy. Nếu ở xã hội xưa, mọi thứ đều trong khuôn phép, lễ nghi nhất định, nhưng theo thời gian mọi thứ thay đổi, nên khó lòng giữ nguyên những giá trị nguyên bản.

    Muốn giữ nguyên, thì chỉ còn cách đưa vào bảo tàng thôi. Còn, muốn các giá trị văn hóa đó sống trở lại, thì phải đưa nó ra trải nghiệm với đời sống. Và cần phải thay đổi để thích nghi với từng không gian mới, con người mới”.

    Chúng ta nên ủng hộ việc đưa các yếu tố văn hóa truyền thống vào phim. Tuy nhiên, muốn thể hiện thành công thì phải tái hiện lại đời sống xa xưa qua những bộ phim lịch sử, cổ trang, và đưa vào không gian đó những giá trị văn hóa phù hợp. Nên hiểu, giá trị truyền thống do cha ông để lại, chúng ta học hỏi và khai thác tố chất làm nên cái đẹp, chứ không phải lặp lại y nguyên cái đẹp đó. Bởi, tính truyền thống không phải cố định, mà luôn luôn có sự vận động, phát triển”, chuyên gia Nguyễn Mạnh Đức nhìn nhận.

    Trước câu chuyện yếu tố văn hóa truyền thống “lên ngôi” trong điện ảnh, NTK Thủy Nguyễn – chủ nhân của BST áo dài trong phim Cô Ba Sài Gòn bày tỏ: “Tôi luôn cố gắng giữ gìn giá trị truyền thống qua những tà áo dài. Thật vui và tự hào khi giờ đây mọi người đã quay trở lại với những giá trị truyền thống. Dù đã được cải tiến rất nhiều, song áo dài vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều ngành nghệ thuật khác như: Phim ảnh, kiến trúc, thời trang.

    Bộ phim Cô Ba Sài Gòn sẽ đưa khán giả trở về với hình ảnh chiếc áo dài cổ điển của thập niên 60. Đan xen vào đó là sự chuyển biến trong phong cách và kiểu dáng của áo dài trong thời kỳ hiện đại. Nhưng, để hoàn thành được một bộ sưu tập áo dài đó, tôi cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để cho ra đời những bộ áo dài vừa cổ điển, vừa hiện đại, tôi phải “chạy” theo kịch bản và yêu cầu của đạo diễn.

    Ngô Thanh Vân với thiết kế của Thủy Nguyễn trong "Cô Ba Sài Gòn".

    Hơn nữa, làm việc với rất nhiều người, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố xưa và nay trong từng bộ trang phục từ kỹ thuật may, chất liệu đến phom dáng. Tuy nhiên, việc phải “chạy” theo sự phát triển của từng nhân vật mới là điều khiến tôi đau đầu nhất. Song, cũng chính dàn diễn viên và những nhân vật trong phim là nguồn cảm hứng để tôi có thể sáng tạo nên những bộ áo dài đặc biệt đó”.

    Người đẹp Lan Khuê cho rằng nghệ thuật giúp giới trẻ dễ tiếp nhận các yếu tố văn hóa truyền thống: “Tôi nghĩ, chuyện đưa các yếu tố văn hóa vào điện ảnh là cách gây hiệu ứng khá tốt trong việc chuyển tải những giá trị thuộc về truyền thống gần gũi hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Hơn nữa, qua “lăng kính” nghệ thuật, giải trí, thì khán giả sẽ dễ dàng cảm nhận và tiếp nhận.

    Việc đưa chiếc áo bà ba cách tân vào bộ phim Mẹ chồng là điểm nhấn đặc biệt, nó phù hợp với bối cảnh, nhân vật và yêu cầu mà kịch bản đặt ra. Thú vị hơn nữa, mỗi bộ bà ba với màu sắc riêng biệt sẽ đặc tả tính cách và số phận của từng nhân vật. Mỗi khi mặc chiếc áo bà ba, tôi cảm được số phận, tính cách của nhân vật để hóa thân”.

    Hà Linh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 130

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-yeu-to-van-hoa-truyen-thong-vao-dien-anh-viet-tran-tro-bai-toan-thoi-hon-a207929.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan