+Aa-
    Zalo

    Đừng để "xem Kiều Nguyệt Nga mà như Thị Màu bị chuốc rượu"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Vì chạy đua theo lợi nhuận và thị hiếu mà có những game show đang làm những giá trị nghệ thuật truyền thống vô tình bị bóp méo.

    (ĐSPL) - Chưa kịp mừng vì nghệ thuật truyền thống được hồi sinh bởi game show, thì sau khi “thưởng thức” những tiết mục này trên các chương trình giải trí nỗi lo lại ập đến. Vì chạy đua theo lợi nhuận và thị hiếu mà có những game show đang làm những giá trị nghệ thuật truyền thống vô tình bị bóp méo.

    Thời gian gần đây, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, hát xẩm bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ tại các game show. “Dạo một vòng truyền hình” có thể thấy bên cạnh các cuộc thi chuyên về cải lương như Chuông vàng vọng cổ, Ai rành sáu câu, Hò xự xang xê cống, Tài tử tranh tài... thì các game show như Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Hội ngộ danh hài, Sao nối ngôi... cũng tràn ngập các trích đoạn từ những vở cải lương nổi danh một thời; thí sinh hát những trích đoạn chèo cổ... Trước đó, các loại hình nghệ thuật như xẩm, chầu văn, chèo cũng được đưa lên sân khấu của game show.

    Bạch Công Khanh tại chung kết Gương mặt thân quen 2016.

    Thời gian đầu, việc nghệ thuật truyền thống được đưa lên sân khấu game show được coi là một hướng đi mới cho nghệ thuật truyền thống. Các loại hình nghệ thuật tưởng chừng như thất thế nay lại được trình diễn và đại bộ phận công chúng ban đầu đón nhận.

    Thế nhưng, khi nghệ thuật truyền thống bắt đầu có sự thu hút trở lại thì cũng là lúc có quá nhiều vấn đề phát sinh. Những màn thể hiện nghệ thuật truyền thống trên sân khấu bị biến dạng một cách thái quá ở mức nghiêm trọng. Những thử nghiệm mới, những nghệ sĩ không chuyên đã làm những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống bị méo mó. Người xem có cảm giác loại hình nghệ thuật truyền thống bị tầm thường hóa và bị lôi kéo vào những chuyện hài có nhiều yếu tố nhảm nhí.

    Các nghệ sĩ trẻ đã liên tục biến tấu những giá trị của nghệ thuật truyền thống bằng những cách thể hiện khác lạ. Tuy nhiên, những cách thể hiện này khá phản cảm, nếu không muốn nói là phá nát nghệ thuật truyền thống.

    Trấn Thành đã bị "ném đá" khi hài hóa trích đoạn Đời cô Lựu trong game show Hội ngộ danh hài với nhận xét phản cảm dành cho nhân vật của NSND Ngọc Giàu: "Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì". Nhân vật cô Kim Anh trong trích đoạn này do một nam nghệ sĩ giả gái đảm nhận, trông rất thô.

    Còn thời gian gần đây, những Tô Ánh Nguyệt remix, Tấm Cám trong Ơn giời cậu đây rồi đang làm xấu đi những hình tượng đẹp. Các gương mặt như Trấn Thành, Trường Giang, Chí Tài, Đại Nghĩa... xuất hiện quá nhiều ở các game show cũng gắn liền với các vai uốn éo, giả gái. Sân khấu hài kịch ngày xưa có những tiếng cười thâm thúy là thế, ngày nay, trước sự đổ bộ của game show bỗng trở thành show diễn của những trò giả gái, lời thoại sáo rỗng, chủ yếu chọc cười khán giả bằng sự uốn éo hình thể, ngôn ngữ dung tục...

    Cải lương cũng bị hài hóa một cách khó hiểu. Cách đây không lâu, màn ảnh nhỏ dậy sóng khi trong đêm chung kết chương trình Gương mặt thân quen, Bạch Công Khanh hóa thân thành NSND Bạch Tuyết, với trích đoạn cải lương Kiều Nguyệt Nga và đoạt giải quán quân. Phần lớn khán giả đều thất vọng bởi “xem Kiều Nguyệt Nga mà như thể Thị Mầu bị... chuốc rượu”. Game show truyền hình đang trở nên “nhảm hóa”, khiến cho không ít những người làm nghề chân chính ngao ngán.

    Mới đây, soạn giả Hoàng Song Việt đã phải thốt lên trang cá nhân của mình, ông không muốn bất kỳ tác phẩm nào của mình xuất hiện trên game show một lần nữa. Không chỉ soạn giả Hoàng Song Việt, rất nhiều nghệ sĩ, những người nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống đã tỏ ra bất lực với việc game show làm méo mó đi nghệ thuật truyền thống.

    Nghệ nhân Bùi Văn Ro, Chủ nhiệm câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc (Thái Bình) nhận xét: Các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo cổ của làng Khuốc được lưu giữ và tồn tại hàng trăm năm nay, việc thể hiện nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có nhiều kỹ năng và cần nhiều yếu tố. Trên truyền hình hiện nay, nhiều tác phẩm truyền thống người ta làm hời hợt khiến những người làm nghệ thuật như chúng tôi không thể mê nổi. Với chèo, vai hề chèo luôn có vị thế bằng những tiếng cười sâu cay, chứ không thể nhạt như cách người ta thể hiện trên truyền hình thời gian qua”.

    Chia sẻ với PV, nghệ sỹ Nguyễn Công Vượng (Vượng râu) ngao ngán: “Trước hết, vì lợi nhuận không ít các nhà sản xuất đã bất chấp thủ đoạn để tăng rating (tỉ lệ người xem), tăng lợi nhuận cho chương trình game show. Bên cạnh đó, việc xây dựng kịch bản và các thành viên ban giám khảo không hiểu biết về nghệ thuật truyền thống cũng góp phần làm cho nghệ thuật truyền thống méo mó. Với nghệ thuật truyền thống, thể hiện được tinh hoa của những bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm, phải luyện tập và hoạt động nghệ thuật miệt mài. Ở game show, những người không chuyên chỉ luyện tập 1 – 2 tuần mà đã lên sân khấu hát được thì tôi cũng cảm thấy đáng sợ thật”.

    “Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào game show để góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống là một cách làm đáng trân trọng. Tuy nhiên, đã không làm thì thôi, làm thì phải làm tốt, nghệ thuật truyền thống đáng quý ở cái cốt tinh hoa, làm mà không tốt thà đừng làm còn hơn. Đừng để nghệ thuật truyền thống bị tầm thường hóa bởi những điều nhảm nhí như thời gian qua”, nghệ sĩ Vượng râu đưa ra thông điệp.

    TRẦN PHƯƠNG

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]xpmK15dC3Y[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-de-xem-kieu-nguyet-nga-ma-nhu-thi-mau-bi-chuoc-ruou-a166539.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan