Được giao 21,4ha "đất vàng" Gia Sàng không qua đấu giá, Công ty Thái Hưng làm ăn ra sao?


Thứ 2, 26/07/2021 | 08:00


Cùng sự kiện

Bằng việc đấu giá tài sản trên đất nhà máy thép Gia Sàng, Công ty Thái Hưng được UBND tỉnh Thái Nguyên giao luôn 21,4ha “đất vàng” không cần đấu giá để làm dự án bất động sản.

Kinh doanh - Được giao 21,4ha 'đất vàng' Gia Sàng không qua đấu giá, Công ty Thái Hưng làm ăn ra sao?
Ảnh: Thái Hưng

Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2003.

Đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Thái Nguyên, Công ty Thái Hưng không chỉ là doanh nghiệp thép có tiếng ở địa phương mà còn được biết tới là “ông trùm” gang thép của cả nước với 25 năm trong lĩnh vực này. Trên trang chủ, Thái Hưng cho biết là nhà phân phối thép lớn nhất miền Bắc của một số thương hiệu thép, chiếm 13% thị phần thép của cả nước.

Theo dữ liệu của PV, tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Thái Hưng được nâng lên mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân. Trong đó vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải mỗi người sở hữu 24,8% vốn điều lệ.

Các con của ông Thái và bà Cải là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Thượng Nguyên nắm 35,4% vốn điều lệ.

Ngoài ra, 15% vốn điều lệ còn lại nằm trong tay hai cổ đông Lê Hồng Khuê và Trịnh Gia Tâm. Hai cổ đông này có địa chỉ thường trú trùng với bà Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Quy.

Hiện nay, chức Tổng giám đốc của Thái Hưng do bà Nguyễn Thị Vinh đảm nhiệm. Trong khi con trai trưởng của bà Cải là ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT.

Thái Hưng được biết đến là cổ đông lớn của nhiều công ty thép như: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, Mã CK: TIS), Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Mã CK: VIS).

Hồi tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT Tisco. Bên cạnh đó, Thái Hưng cũng có nhiều động thái thoái bớt vốn tại doanh nghiệp này nhưng không thành.

Thất bại đầu tay trong lĩnh vực bất động sản

Mặc dù là "đại gia" ngành thép của Thái Nguyên, nhưng trong lĩnh vực bất động sản, Thái Hưng mới là tay chơi "tập sự". Trong khi đó, kinh doanh bất động sản yêu cầu có vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, yếu tố quan trọng nhất là phải có những định hướng và kế hoạch triển khai rất rõ ràng, mới đạt được hiệu quả cao.

Do đó, thời điểm Thái Hưng quyết định tập trung vốn, tiềm lực sẵn có để "rẽ ngang" sang lĩnh vực bất động sản khi thực hiện Dự án Khu đô thị Thái Hưng đã gặp phải những khó khăn không nhỏ và cuối cùng phải "tự nguyện" trả lại dự án cho Thái Nguyên.

Cụ thể, ngày 27/6/2011, Công ty Thái Hưng và UBND TP.Thái Nguyên tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Việt Bắc theo Quyết định số 377 ngày 18/2/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Khu đô thị nằm trên địa phận 2 phường: Tân Lập, Gia Sàng với diện tích quy hoạch gần 95ha, trong đó phường Gia Sàng có 6ha đất nông nghiệp. Có 400 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng. Phía Đông giáp đường Thanh niên Xung phong; phía Tây giáp tuyến đường điện cao thế 35kv, đất ở khu dân cư phường Tân Lập; phía Nam giáp tuyến đường điện cao thế; phía Bắc giáp đường thống nhất.

Dự án Khu đô thị mới Việt Bắc được thực hiện trong 5 năm (2011- 2016) với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Trong buổi công bố quy hoạch chi tiết xây dựng, Tổng giám đốc Công ty Thái Hưng là bà Nguyễn Thị Cải cam kết thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt và tiến độ đã đề ra.

Thế nhưng, sau đó dự án vẫn không được triển khai thì đến ngày 18/1/2012, UBND TP.Thái Nguyên tổ chức hội nghị công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Thái Hưng (Thái Hưng Eco City). Đây vốn dĩ là dự án Khu đô thị mới Việt Bắc mở rộng.

Lần này, Công ty Thái Hưng tỏ ra tham vọng hơn bằng việc muốn thực hiện một dự án có tổng diện tích đất quy hoạch là 196,8 ha.

Đến ngày 3/8/2012, Sở Kế hoạch và đầu tư Thái Nguyên đã cấp cho Công ty Thái Hưng giấy chứng nhận đầu tư số 17121000056.

Tham vọng là vậy, nhưng suốt nhiều năm không thấy Công ty Thái Hưng của bà Nguyễn Thị Cải thực hiện dự án.

Theo dữ liệu của PV, năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Thái Hưng Eco City đã cấp cho Công ty Thái Hưng.

Có thể nói đây là thất bại đầu tiên của "người đàn bà thép" Nguyễn Thị Cải khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Thâu tóm 21,4ha đất vàng Gia Sàng

Sau thất bại với dự án bất động sản đầu tay, “người đàn bà thép” Nguyễn Thị Cải đã chuyển giao lại Thái Hưng cho thế hệ F1 của mình.

Dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn và Tổng giám đốc Nguyễn Thị Vinh, Thái Hưng đã đấu giá thành công khối tài sản trên đất của Công ty Cổ phần Luyện Cán Thép Gia Sàng, với giá 56,82 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm 50 triệu đồng).

Ban đầu khi tham gia đấu giá, Công ty Thái Hưng cam kết: "Sẽ thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá, bao gồm đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương".

Để rồi, dưới sự điều hành của thế hệ F1 của bà Cải, Công ty Thái Hưng “lật kèo” xin UBND tỉnh Thái Nguyên cho chuyển đổi khu đất vàng của thép Gia Sàng đang xây dựng nhà xưởng, hoạt động kém hiệu quả để xây dựng dự án bất động sản.

Sau đó, 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Công ty Thái Hưng nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt.

Để rồi, tỉnh Thái Nguyên giao luôn khu đất vàng Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng làm dự án bất động sản mà không cần thông qua đấu giá.

Được giao 21,4ha đất vàng không qua đấu giá để làm dự án bất động sản, song doanh thu của Thái Hưng lại có phần đi xuống.

Theo dữ liệu của PV, doanh thu các năm 2016, 2017 của Thái Hưng lần lượt đạt 13.657 tỷ đồng và 15.578 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 22018 và 2019 doanh thu giảm dần về 14.779 tỷ đồng và 12.575 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận cũng sa sút từ mức 289 tỷ đồng năm 2018, xuống còn 100,5 tỷ đồng trong năm 2019.

Trái ngược với lợi nhuận giảm, là vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Thái Hưng tăng theo các năm. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Thái Hưng đạt 1.870 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ở con số 7.848 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng của Thái Hưng trong các năm tiếp theo có lẽ sẽ tăng mạnh. Bởi năm 2019, Thái Hưng đã đưa các sản phẩm từ dự án Thái Hưng Eco City ra thị trường.

Với 342 nhà liền kề, 39 nhà biệt thự, 158 nhà shophouse, 91 nhà liền kề có vườn… dự kiến Thái Hưng có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Thái Hưng cũng đã thâu tóm thành công một doanh nghiệp vốn sở hữu của nhà nước chỉ là 2 tỷ đồng nhưng lại sở hữu nhiều khu đất tại Thái Nguyên. Trong đó phải kể đến khu đất vàng 65 Hoàng Văn Thụ tại TP. Thái Nguyên.

Nhóm PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duoc-giao-214ha-dat-vang-gia-sang-khong-qua-dau-gia-cong-ty-thai-hung-lam-an-ra-sao-a508084.html