+Aa-
    Zalo

    Dương Chí Dũng "nghi" cấp dưới bị mớm cung đổ tội cho lãnh đạo

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Chiều nay (22/4), phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm diễn ra vô cùng kịch tính bởi lời khai của các bị cáo đã có sự mâu thuẫn
    (ĐSPL) - Chiều nay (22/4), phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm diễn ra vô cùng kịch tính bởi lời khai của các bị cáo có sự mâu thuẫn, thậm chí có những "phát ngôn" bất ngờ so với phiên sơ thẩm trước đó.
    Tại phiên tòa chiều nay, bắt đầu xét hỏi đến cựu Phó TGĐ Trần Hữu Chiều. Bị cáo kháng án xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội cố ý làm trái.
    Theo bị cáo Chiều, dự án xây dựng nhà máy có từ năm 2006, khi đó Chiều chưa được tham gia. Sau đó được ủy quyền của TGĐ Mai Văn Phúc, bị cáo đã làm trưởng đoàn khảo sát đi Nga giám định ụ nổi 83M.
    Đáng ra Vinalines đã mua ụ 220 của Nauy nhưng cuộc khảo sát đó Chiều không tham gia. Sau khi xảy ra vụ chìm 2 ụ nổi của Vinashin, Vinalines đổi hướng, nhắm sang ụ nổi 83M. Khi đoàn khảo sát đi Nga về, Bị cáo Chiều có giao dịch với ông Goh qua thư từ, email.
    Phủ nhận lời khai của Sơn về việc Chiều tiếp nhận chỉ đạo của Dũng, Phúc về việc cố gắng mua được ụ nổi qua AP, bị cáo Chiều khẳng định: "Chỉ Sơn trực tiếp nhận lệnh, còn Chiều chỉ có 1 buổi báo cáo kết quả khảo sát với các lãnh đạo Vinalines".
    Việc khảo sát thực tế, Chiều nói có một số chi tiết không đúng với báo cáo khảo sát, ví dụ máy phát điện của ụ nổi không hoạt động nhưng vì lúc khảo sát là ụ đang được lấy điện từ trên bờ xuống nên vẫn vận hành được. Bị cáo phân tích, ụ nổi này hoạt động theo quy chế của tàu biển nhưng bản chất không phải là tàu biển.
    Tại phiên tòa, bị cáo Chiều cho biết: Đầu năm 2009, Chiều vay nợ của Sơn 1 tỷ đồng. Khi hỏi vay thì Sơn mang đến 340 triệu đồng vì ở ngoài Hà Nội chỉ có bằng này, vào TPHCM sẽ chuyển tiếp. 
    Bị cáo Trần Hữu Chiều tại phiên xét xử
    Nói về trách nhiệm bồi thường dân sự bị cáo Chiều giải bày “Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm dân sự (phải buộc bồi thường 43 tỷ đồng). Bị cáo hoạt động trong ngành hàng hải đã mấy chục năm, tham gia Vinalines từ những ngày đầu thành lập. TCty cũng có quy chế về tỷ lệ đền bù nếu làm thất thoát tài sản. Bị cáo xin được xét theo hướng ấy”.
    Tại phiên tòa, Bị cáo Mai Văn Phúc trình bày khi về làm Tổng GĐ Vinalines có nhận bàn giao công việc từ người kế nhiệm Dương Chí Dũng nhưng đến 4—5 tháng sau mới bàn giao xong. Khi ký bàn giao có nhiều tài liệu, Phúc chỉ ký chứ không đọc nội dung.
    Phúc vẫn khẳng định bản thân không biết gì về khoản 1,666 triệu USD, việc thỏa thuận này nhất định phải có ý kiến người lãnh đạo cao nhất của Tổng Công ty, “nếu không phải là bị cáo thì là Dũng".
     Bị cáo Mai Văn Phúc trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa 
    Bản thân Phúc vẫn khẳng định đã ký khi có đủ các hồ sơ giấy tờ, chứng từ đảm bảo từ Citibank về việc thanh toán tiền mua ụ nổi. Hỏi lại kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan cũng được khẳng định việc thanh toán đầy đủ giấy tờ. Sau khi bị bắt, Phúc mới được cơ quan điều tra thông báo việc thanh toán này có vấn đề.
    Chủ tọa phiên tòa đặt ra câu hỏi: “Việc không kiểm tra nên kết luận cuối cùng giấy tờ thanh toán không đủ, bị cáo nghĩ gì về trách nhiệm của mình?”.
    Phúc nói bản thân cũng không hiểu được sao cán bộ cấp dưới báo cáo đủ mà cuối cùng lại không đủ, không đủ mà vẫn thanh toán được, mà Citibank cũng vẫn xác nhận chứng từ như vậy là đủ.
    Về hành vi tham ô, VKS đặt câu hỏi: “Trong vụ việc, nếu chỉ Sơn và Chiều là 2 người giúp việc, ở cấp thấp hơn mà lại được hưởng bồi dưỡng mà bị cáo và Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng không biết thì có hợp lý không? Các bị cáo có chấp nhận bị cấp dưới… qua mặt vậy không?”
    Nói về lời khai của bị cáo Sơn, thì 2 bị cáo Phúc, Dũng cho rằng có thể Sơn bị ép cung, mớm cung để đổ tội cho cấp trên. Tuy nhiên, Sơn phủ nhận, cho rằng mọi lời khai đều được ghi trung thực.
     Bị cáo Sơn một mực cho rằng lời khai của mình là đúng sự thật 
    Báo cáo khảo sát ụ nổi, Sơn trình bày, Mai Văn Khang là người lập báo cáo sơ bộ sau đó các thành viên trong đoàn cùng ký nháy vào báo cáo là ụ nổi 83M đủ điều kiện để mua. Còn việc trình đề xuất mua là do Trần Hữu Chiều.
    Bị cáo Mai Văn Khang tại tòa.

    Tại Nga, Trần Hữu Chiều chỉ quán triệt anh em trong đoàn là phải làm sao mua được ụ nổi này một cách nhanh gọn (truyền đạt ý kiến của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc). 

    Thẩm phán chủ tọa dẫn lại một bút lục lời khai của Sơn về việc cùng Trần Hữu Chiều tiếp nhận chỉ đạo này của Dũng tại phòng làm việc của cựu Chủ tịch Vinalines. Sơn gật đầu xác nhận bản cung này. 

    Chủ tọa phiên tòa nhận định lời khai của Sơn về việc cùng Trần Hữu Chiều tiếp nhận chỉ đạo này của Dũng tại phòng làm việc của cựu Chủ tịch Vinalines rất phù hợp với lời khai của Dũng, Phúc về việc chỉ đạo mua ụ nổi. 

    Tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Khang vẫn băn khoăn giữa yêu cầu minh oan và giảm tội, Khang “cầu khẩn”, nếu thấy không minh oan được thì tòa cũng xem xét giảm tội cho bị cáo.

    Khang cho biết, trong quá trình đi khảo sát tại Nga, có chứng kiến cảnh chiếc ụ nổi chìm xuống để hạ thủy chiếc tàu cá nhỏ (bị cáo Trần Hữu Chiều gọi là chiếc ca-nô). Tuy nhiên, quy trình nổi lên của ụ nổi đoàn cũng không xem đầy đủ mà chỉ được một lúc thì phải về vì thời gian hạn hẹp nhưng vẫn đưa thông tin này vào báo cáo. Đồng thời, bị cáo Khang vẫn khẳng định vai trò của bản thân trong đoàn chỉ là phiên dịch tiếng Anh.

    Báo Đời sống và Pháp luật sẽ liên tục cập nhật......

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-chi-dung-nghi-cap-duoi-bi-mom-cung-do-toi-cho-lanh-dao-a30281.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan